![]() |
"Thú cưng của chị Hằng" là cách nói vui về con thỏ |
"Thú cưng của chị Hằng" là cách nói vui về một loài động vật vô cùng quen thuộc - con thỏ. Từ lâu, thỏ đã được thuần hoá và nuôi theo mô hình chuồng trại để lấy thịt thương phẩm. Dù thịt thỏ ít thông dụng hơn các loại thịt công nghiệp khác, nhưng lại được đánh giá là loại thịt thơm ngon, có thể chế biến thành nhiều món đặc sản. Mô hình nuôi thỏ mang lại giá trị kinh tế rất cao cho người nông dân.
Gác tấm bằng đại học ngành môi trường, anh Nguyễn Mạnh Hùng (36 tuổi, ngụ xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) quyết định tìm hiểu mô hình nuôi thỏ sạch, mở ra sinh kế cho nhiều thanh niên, nông dân ở địa phương và nhiều vùng lân cận.
Anh kể, trên địa bàn đã có một số hộ nuôi thỏ nhưng chỉ xác định là nghề làm thêm chứ không đẩy thành ngành chủ lực. Thế là anh tận dụng vườn nhà, mở trại nuôi thỏ sạch thử nghiệm. Trong quá trình tìm thị trường tiêu thụ, anh phát hiện thực tế có một phân khúc người tiêu dùng rất thích thịt thỏ.
![]() |
Mô hình nuôi thỏ sạch ở xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi) giúp nhiều thanh niên thoát nghèo, vươn lên làm giàu |
Anh chia sẻ, nuôi thỏ sạch là chuẩn hóa con giống và quy trình nuôi. Trong quá trình nuôi thỏ phải xử lý chuồng trại, con giống để môi trường chăn nuôi tốt; phòng bệnh triệt để đàn thỏ để giảm tối đa thuốc kháng sinh, tăng trưởng trong chăn nuôi… Thức ăn cho thỏ là kết hợp 50% cám viên công nghiệp và 50% cỏ tươi.
Nhận thấy nghề nuôi thỏ đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ thiếu liên kết sẽ có nhiều rủi ro hơn, năm 2018, anh Hùng bắt đầu kêu gọi các hộ nuôi thỏ cùng tham gia mô hình tổ hợp tác với 10 xã viên. Tháng 3/2022, mô hình được nâng lên Hợp tác xã (HTX) thỏ sạch An Nhơn Tây với 40 thành viên, có vệ tinh rộng khắp các huyện Củ Chi, Bình Dương, Tây Ninh… Tổng đàn thỏ của hợp tác xã có gần 15.000 con; trong đó hơn 3.000 thỏ đẻ.
Khoe thành quả là những chú thỏ con khỏe mạnh, xã viên Nguyễn Thanh Toàn (37 tuổi, ngụ ấp Gót Chàng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) cho biết, năm 2020 anh bỏ việc công nhân mở trại nuôi thỏ. “Lúc đầu mình chỉ nuôi thử vài chục con, sau nâng lên 100 con, đến nay có hơn 500 con thỏ. Mỗi tháng, tôi cung cấp ra thị trường trung bình 200 con thỏ các loại từ thỏ con, thỏ thịt, thỏ giống… thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng, lo được cho gia đình có cuộc sống sung túc” - anh Toàn chia sẻ.
![]() |
Chị Trần Thị Diệm (thứ hai từ trái sang) chia sẻ kỹ thuật chăm sóc thỏ với chị em hội viên |
Khởi nghiệp từ nghề nuôi thỏ, gia đình chị Trần Thị Diệm, ở xóm 4, xã Hải Trung, huyện Hải Hậu (Nam Định) đã có thu nhập khá, vươn lên làm giàu.
Trước đây, cũng như nhiều gia đình thuần nông khác, gia đình chị Diệm chỉ tập trung vào mấy sào ruộng và chăn nuôi gà, lợn nhỏ lẻ; dù cần cù, chịu khó nhưng kinh tế gia đình không có sự khởi sắc. Sau một thời gian nghiên cứu thị trường và tìm hiểu sách báo, chị Diệm nhận thấy, mô hình nuôi thỏ cần ít vốn, dễ nuôi, lại cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần so với một số loại vật nuôi khác. Mặt khác, thỏ là loài vật có nhiều ưu điểm về khả năng sinh trưởng, thịt thơm, ngon, bổ dưỡng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Thị trường thỏ thương phẩm cũng khá ổn định.
Năm 2005, vợ chồng chị quyết định khởi nghiệp với 300 con thỏ sinh sản. Năm đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên thỏ phát triển chậm và chết nhiều do bệnh bại huyết, bệnh đường ruột, viêm ruột nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Không nản chí, chị vừa duy trì chăn nuôi, vừa tích cực nghiên cứu, tìm hiểu, học tập bổ sung kiến thức, tham quan các mô hình chăn nuôi hiệu quả để tích lũy kinh nghiệm.
Nắm chắc kỹ thuật, phương pháp chăn nuôi, gia đình chị bố trí chuồng trại nuôi thỏ trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông; tiêm phòng định kỳ cho đàn thỏ. Đặc biệt, khâu quan trọng nhất quyết định sự thành công của mô hình chính là kỹ năng lựa chọn thỏ giống sinh sản, phối giống và kỹ thuật nuôi con. Theo chị Diệm, thông thường, thỏ cái nuôi đến tháng thứ 6 sẽ bắt đầu được mang đi phối giống. Từ lúc phối giống cho đến lúc đẻ khoảng 30 ngày, một năm thỏ sinh sản từ 6-8 lứa, mỗi lứa từ 6-10 con.
Có thêm kinh nghiệm, việc chăn nuôi ngày càng thuận lợi hơn, đàn thỏ tăng số lượng từng ngày. Năm 2009, được sự tạo điều kiện của chính quyền, gia đình chị mạnh dạn thuê 11 nghìn m2 đất đấu thầu của xã, xây dựng trang trại theo mô hình vườn - ao - chuồng, trong đó chuồng nuôi thỏ được xây theo công nghệ khép kín với diện tích 1.800m2, quy mô 1.000 thỏ sinh sản. Chuồng trại được lắp đặt hệ thống làm mát, quạt thông gió, đảm bảo nhiệt độ phù hợp để thỏ phát triển.
Để tìm đầu ra, năm 2016, gia đình chị Diệm liên kết với Công ty TNHH Nippon Zoki (Nhật Bản) có trụ sở tại tỉnh Ninh Bình. Theo đó, công ty cung cấp con giống, thức ăn và thu mua sản phẩm của trang trại với mức giá ổn định.
Với hiệu quả của việc chăn nuôi thỏ, để đảm bảo nguồn cung cấp cho công ty, gia đình chị liên kết với các hộ nuôi thỏ trên địa bàn các xã Hải Minh, Hải Tây, Hải Tân, Hải Xuân, thành lập Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Sơn Nam với 18 thành viên, quy mô chăn nuôi trên 2.000 thỏ sinh sản.
Thông qua việc thành lập hợp tác xã, gia đình chị giúp đỡ những hộ thành viên về kỹ thuật chăn nuôi, cung cấp sản phẩm dịch vụ đầu vào và đảm bảo đầu ra ổn định cho các thành viên. Hiện tại, gia đình anh chị đang chăn nuôi ổn định với 1.000 thỏ sinh sản, khoảng 7.000 thỏ thương phẩm. Thỏ sau khi nuôi khoảng 4 tháng, đạt trọng lượng khoảng 2,5kg được xuất bán. Mỗi tháng, gia đình chị xuất bán từ 1.500 - 2.000 thỏ thịt, với giá bán trung bình 100 nghìn đồng/kg, sau trừ chi phí thu lãi khoảng 50 triệu đồng/tháng.
Chị Diệm chia sẻ: “Kỹ thuật nuôi thỏ không khó, quan trọng là người nuôi phải chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước đã thành công với mô hình nuôi thỏ và luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để tìm hướng phát triển phù hợp”.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, chị Diệm còn giúp đỡ, hướng dẫn kinh nghiệm nuôi thỏ cho 10 hội viên phụ nữ trong xóm, đồng thời tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương với mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Chị Lê Thị Minh, xóm 2, xã Hải Trung đang làm việc tại trại thỏ của gia đình chị Diệm cho biết: “Ngoài việc đồng áng ở gia đình, công việc tại trại thỏ giúp gia đình chị có thu nhập tốt hơn, cuộc sống gia đình và học tập của các con được cải thiện hơn”.