Cứ 10 trái thì rụng mất 8, người trồng sầu riêng ở Đắk Lắk lo trắng tay vụ năm nay. |
Sầu riêng cứ 10 trái thì rụng mất 8
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang là mùa sầu riêng đậu trái. Nhưng nhiều ngày nay, gia đình bà Đinh Hồng Vị (xã Ea Dăh, huyện Krông Năng) như ngồi trên đống lửa khi phải thường xuyên đi nhặt quả sầu riêng non rụng hàng loạt dưới gốc.
Bà Vị cho biết, cũng như những năm trước, gia đình bà luôn bón phân hữu cơ khoảng 70% và bón phân hóa học khoảng 30%; phun thuốc phòng bệnh; thường xuyên tưới nước cho cây vào mùa nắng nóng, nhưng không biết vì lý do gì năm nay trái sầu riêng non rụng hàng hoạt khiến bà rất xót xa.
Bà Vị buồn rầu nói: “Ban đầu sầu riêng đậu quả rất đều và đẹp, tôi phun thêm dưỡng chất để nuôi quả nhưng không hiểu vì sao một tuần trở lại đây trái sầu riêng nhỏ rụng hàng loạt. Giờ trên cây chỉ còn lại vài quả. Năm nay chắc chắn sẽ mất mùa rồi”.
Trái Sầu riêng đã to nhưng vẫn rụng hàng loạt. |
Tương tự, ông Cao Chí Nghĩa (xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Nông) cũng lo lắng và bồn chồn nhiều ngày nay khi sầu riêng của gia đình ông bỗng nhiên rụng trái non.
Nhiều năm qua, sầu riêng của gia đình ông Nghĩa trĩu quả, phải tỉa bớt để trái đạt chất lượng. Thế nhưng năm nay gần như đã rụng hết 70% quả.
“Lúc trước vào mùa sầu riêng ra hoa, có nhiều nhà vườn bị rụng trái non nhưng gia đình tôi không bị, tỷ lệ đậu trái rất cao. Nhưng rồi một tuần trở lại đây, trên vườn của tôi, sầu riêng nhỏ đã rụng sạch”, ông Nghĩa than thở.
Tại huyện Cư Kuin, nhà vườn trồng sầu riêng cũng phải tìm mọi cách để hạn chế tình trạng sầu riêng non rụng quá nhiều. Với 40 gốc sầu riêng, năm trước, gia đình ông Nguyễn Trường Sơn (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) thu 5 - 6 tấn quả chất lượng. Tuy nhiên, năm nay ông Sơn chỉ hy vọng thu về 2 tấn quả.
“Vườn nhà tôi 10 trái thì rụng 8, chỉ còn 2. Theo tôi, do thời tiết nắng mưa thất thường, hơn nữa cách đây vài tuần ở đây xảy ra một trận mưa đá khiến sầu riêng sốc nhiệt. Bao nhiêu năm chăm sóc sầu riêng tôi chưa gặp năm nào như năm nay. Thời tiết rất nắng, khó có thể chăm sầu riêng đúng kỹ thuật được”, ông Sơn cho hay.
Ông Nguyễn Trường Sơn (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) lo lắng khi nhìn những quả sầu riêng rụng hàng loạt. |
Thời tiết bất thuận và sử dụng thuốc kém chất lượng khi dưỡng trái sầu riêng
Những ngày này, bà Nguyễn Thị Phương Uyên (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) cũng phải đi cào, nhặt những trái sầu riêng rụng gom lại để xịt thuốc, tránh sâu bệnh ảnh hưởng đến trái trên cây. Gia đình bà Uyên trồng 8 sào sầu riêng xen canh với cà phê, nhiều năm nay cho thu nhập ổn định.
Năm nay, gia đình bà cũng phải chịu cảnh sầu riêng rụng hàng loạt và không kiểm soát được. Nhiều cây cho thu hoạch hằng năm từ 3 - 5 tạ quả, nay chỉ hy vọng được 1 - 2 tạ (trong trường hợp những trái sầu riêng non trên cây không rụng nữa).
Ông Nguyễn Xuân Lam, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Thương mại, Dịch vụ nông nghiệp Vạn Xuân (huyện Cư Kuin) cho biết, hiện HTX có 470 ha sầu riêng trồng xen canh. Thời gian qua, trước tình hình thời tiết bất lợi, HTX đã có những buổi tập huấn kỹ thuật để các thành viên ứng dụng vào vườn của gia đình mình nên nhiều xã viên cũng hạn chế được tình trạng sầu riêng rụng.
Sầu riêng rụng dưới gốc, nông dân sẽ phải thu gom lại và xử lý để tránh tình trạng lây lan mầm bệnh đến cây sầu riêng. |
Theo ông Lam, tỷ lệ sầu riêng rụng trái non nhiều vừa qua là do người nông dân tự ý mua các loại thuốc bảo vệ thực vật không phù hợp hoặc không đạt chất lượng.
Bên cạnh đó, một yếu tố khách quan là do năm nay nắng nóng, nhiệt độ quá cao, không phù hợp cho trái sầu riêng phát triển. “Sầu riêng chỉ thích hợp với nhiệt độ từ 31 - 32 độ C thôi, nhưng năm nay xảy ra nhiều ngày liên tục nắng đến 37 - 38 độ C nên sầu riêng rất dễ sốc nhiệt và rụng trái”, ông Lam chia sẻ.
Để hạn chế tình trạng trên, theo ông Lam, nông dân cần tìm mua những loại thuốc bảo vệ thực vật uy tín và chất lượng để phun dưỡng trái. Bên cạnh đó, cũng cần điều chỉnh lượng nước tưới, thời gian tưới phù hợp nếu nhiều ngày liên tục không có mưa. Cụ thể, nếu trời nắng gắt, nhiệt độ cao thì từ 2 - 3 ngày phải tưới lại, tuy nhiên lượng nước tưới không cần nhiều mà vừa đủ để làm mát cây sầu riêng.
Cây sầu riêng được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Tây Nguyên. Từ khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch Trung Quốc giá đã tăng cao, nhiều nơi đã chặt bỏ cây trồng khác để thay thế bằng sầu riêng. Tuy nhiên việc canh tác sầu riêng đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật. Sầu riêng là cây trồng nhạy cảm với các yếu tố thời tiết. Bởi vậy nhà vườn phải tuân thủ kỹ thuật chăm sóc và đặc biệt là cần tìm mua những loại thuốc bảo vệ thực vật uy tín và chất lượng để phun dưỡng trái để tránh tình trạng tổn thất do trái rụng như hiện nay./.