Nhà vườn trồng sầu riêng ở Đăk Lăk thường xuyên phải đối mặt với giông lốc làm gãy đổ rụng trái sầu riêng. (Ảnh minh họa) |
Một cơn lốc cuốn bay hàng tấn sầu riêng
Thông tin từ UBND xã Ea Kênh (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk), cuối tuần vừa qua, tình hình mưa to kèm theo gió lốc làm nhiều cây sầu riêng bị gẫy cành, ngã đổ, ảnh hưởng đến nhiều diện tích sầu riêng của nhân dân các thôn Tân Mỹ, Tân Quảng, Tân Trung… và làm tốc mái tôn 1 trường học. Nhiều cây sầu riêng bị bật gốc, hàng trăm ha sầu riêng bị gãy cành, rụng quả.
Gia đình ông Trần Huy Đồng, thôn Tân Mỹ, xã Ea Kênh trồng 1ha sầu riêng, năm nay có hơn 70 cây cho thu hoạch. Tuy nhiên, gió lốc, mưa to vào ngày 8 - 9/7 vừa qua đã làm nhiều cây sầu riêng trong vườn bị gãy cành, có cây bị bật gốc hoàn toàn, thiệt hại khoảng 1 tấn sầu riêng.
Vườn sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Đức Hải (cùng xã Ea Kênh) cũng bị mưa to, gió lớn, lốc xoáy làm cây rung lắc, rụng trái hàng loạt, thiệt hại khoảng hơn 1 tấn sầu riêng. Niềm vui mùa thu hoạch đã cận kề song gia đình ông Hải phải ngậm ngùi xót xa nhìn thành quả sau một năm vất vả trồng trọt bị rụng. Ông Hải cho biết, gia đình đã giằng dây cho cây an toàn nhưng chưa kịp giằng quả, gió lốc quá bất ngờ khiến gia đình trở tay không kịp.
Có những nhà vườn chịu thiệt hại lớn khi giông lốc làm rụng cả tấn sầu riêng non. (Ảnh minh họa) |
Theo UBND xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, mưa lớn kèm theo gió lốc mạnh xảy ra vào chiều tối 8/7 đã khiến hàng trăm cây sầu riêng chuẩn bị cho thu hoạch bị bật gốc, hư hỏng hoàn toàn… Người dân đang tất bật cưa dọn cây sầu riêng bị gãy đổ và thu gom hết quả để xử lý vườn cây đúng quy trình kỹ thuật. Chính quyền địa phương và ngành chức năng đang thống kê thiệt hại trình UBND huyện Krông Pắc hỗ trợ nhân dân theo quy định.
Trước đó, vào giữa tháng 5, giai đoạn sầu riêng xổ nhụy, làm quả, thời tiết trên địa bàn tỉnh mưa nhiều, có những ngày nắng nóng, nhiệt độ quá cao vào buổi trưa, mưa nhiều vào buổi chiều và tối làm nhiều ha sầu riêng ở các huyện Krông Pắk, Cư Kuin, Krông Năng… bị sốc nhiệt, rụng quả non. Xã Ea Yông (huyện Krông Pắk) có 20 thôn, buôn trồng sầu riêng với diện tích hơn 1.700 ha, sản lượng bình quân đạt khoảng 26.500 tấn/năm. Tuy nhiên, thời điểm mưa nhiều vào tháng 5/2023, nhiều hộ dân trồng sầu riêng trên địa bàn xã bị rụng quả non hàng loạt, giảm năng suất khoảng 30% so với mọi năm.
Gia đình ông Nguyễn Văn Chương, thôn 19/8, xã Ea Yông trồng gần 2 ha sầu riêng, hiện có khoảng 150 cây cho thu hoạch. Năm 2022, gia đình ông Chương thu được 24 tấn sầu riêng. Tuy nhiên, năm nay, do thời tiết bất lợi, mưa nhiều vào thời điểm sầu riêng xổ nhụy, làm quả, vườn của gia đình ông Chương bị ảnh hưởng nặng, có những cây bị rụng gần hết quả non.
Theo ông Chương, năng suất sầu riêng phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm xổ nhụy, làm quả - thời điểm quyết định hiệu quả kinh tế của vụ sầu riêng hàng năm. Tuy nhiên, ảnh hưởng của thời tiết khiến nhiều hộ mất mùa, chỉ mong chờ vào giá cả thời điểm thu hoạch để bù lại tiền chi phí sản xuất.
Sầu riêng nhạy cảm với thời tiết không nên trồng theo phong trào
Huyện Krông Pắk là “thủ phủ” sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk. Trước tình hình thời tiết bất lợi ảnh hưởng tới vườn sầu riêng của nông dân, chính quyền địa phương và ngành chức năng huyện đã thống kê thiệt hại, xem xét các phương án hỗ trợ nông dân; tìm hiểu nguyên nhân để có hướng xử lý, khắc phục.
Theo Tiến sĩ Hoàng Mạnh Cường, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, phương pháp hạn chế rụng quả ở cây sầu riêng là phải thường xuyên giữ ẩm cho vườn cây. Nông dân phải thường xuyên tưới đủ nước cho cây, nếu không tưới đều, vườn sầu riêng khô, gặp mưa đột xuất thì cây sẽ bị sốc nước làm rụng quả non.
Nhiều nhà vườn sảy ra hiện tượng sầu riêng rụng trái non mà không có giải pháp khắc phục. (Ảnh minh họa) |
Ngoài lý do thời thiết, việc chăm sóc không đúng cách cũng sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây sầu riêng. Nông dân không nên bón nhiều phân đạm, phân tổng hợp NPK mà cần tăng cường bón phân lân, phân kali cho vườn cây để tăng sức đề kháng cho cây và quả sầu riêng.
Trước đó, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk cũng đã khuyến cáo nông dân cần thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, theo số đông. Thay vì tăng diện tích cây sầu riêng, nông dân cần tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng.
Cây sầu riêng nhạy cảm với thời tiết và chi phí đầu tư lớn nên ngành chức năng khuyến cao không nên ồ ạt chặt bỏ cây trồng khác để trồng sầu riêng. (Ảnh minh họa) |
Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk cũng khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện khí hậu, đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng mà cần tuân thủ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp.
Theo Phạm Thụy Luân - Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước cho biết ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân không nên chạy theo phong trào, ồ ạt trồng sầu riêng vì đây là cây trồng đòi hỏi chuyên môn cao trong tất cả các khâu từ trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản. Sầu riêng rất nhạy cảm với thời tiết, sâu bệnh, việc điều trị khi bị nhiễm bệnh rất khó và chi phí rất cao. Do lợi nhuận từ cây sầu riêng, thời gian gần đây tại nhiều địa phương ở miền Nam và Tây Nguyên người dân đang đua nhau chặt bỏ điều, cao su để trồng sầu riêng và không tìm hiểu kỹ thuật trồng. Do vậy, có nhiều ý kiến cho rằng, các ngành chức năng cần có những giải pháp, định hướng để sầu riêng không trở thành cây "làm nghèo"./.