Cũng như một số tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Bạc Liêu có lợi thế là vùng đất đan xen nước mặn và nước lợ, với tổng diện tích nuôi tôm của tỉnh đến nay hơn 136 ngàn ha, trong đó 22 ngàn ha nuôi theo mô hình thâm canh, bán thâm canh và hơn 1 ngàn ha nuôi theo mô hình siêu thâm canh trong nhà kín ứng dụng công nghệ cao, có thể cho năng suất từ 120 đến 150 tấn/ha mỗi năm.
Bạc Liêu - vùng nuôi tôm lớn của Đồng bằng sông Cửu Long
Cùng với đó, tỉnh Bạc Liêu còn là trung tâm sản xuất tôm giống lớn trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, với gần 200 cơ sở sản xuất, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 20 tỷ con giống, chiếm đến 40% sản lượng tôm giống của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và 15% của cả nước.
Với lợi thế trên, tỉnh Bạc Liêu đã xác định con tôm là lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh, theo đó tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng và phát triển chuỗi hệ thống toàn phần, từ sản xuất con giống, vật tư ngành tôm, phát triển các mô hình nuôi tôm công nghệ cao và chế biến xuất khẩu.
Năm 2019, ngành thủy sản Bạc Liêu đã có những bước phát triển vượt bật (sản lượng vượt 5.000 tấn tôm so với KH). Ngành Nông nghiệp đã tập trung triển khai tích cực, quyết liệt và hiệu quả, trong đó chú trọng phát triển ngành nuôi tôm, trọng tâm là Khu nông nghiệp công nghệ cao, đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.
Tại Bạc Liêu có nhiều DN, trang trại và hộ gia đình nuôi tôm trong tỉnh đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào SX, được Bộ NN-PTNT công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản đầu tiên trong cả nước như: Cty TNHH MTV Hải Nguyên, Cty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh. Ngoài ra, còn một số DN khác đã đạt được các chứng nhận với các tiêu chuẩn khác như Cty TNHH MTV Huy Long An - Bạc Liêu, Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam - Bạc Liêu, Cty CP Việt Úc - Bạc Liêu, Cty TNHH MTV Long Mạnh...
Tập huấn ToT kỹ thuật nuôi tôm thẻ siêu thâm canh tại Bạc Liêu (Ảnh Khuyến nông quốc gia)
Mới đây, Trung tâm khuyến nông Bạc Liêu đã tổ chức lớp tập huấn ToT “Kỹ thuật nuôi tôm thẻ siêu thâm canh theo hướng an toàn sinh học và phát triển bền vững” cho 30 học viên là cộng tác viên khuyến nông và nông dân.
Theo đó, mục đích của lớp tập huấn nhằm trang bị, nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành cụ thể trong quy trình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh, tôm thẻ chân trắng theo hướng an toàn sinh học góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế rủi ro dịch bệnh, nâng cao năng suất, giảm chi phí giá thành sản phẩm và tăng chất lượng sản phẩm.
Lớp tập huấn được tổ chức theo hình thức thảo luận đa chiều, học viên là trung tâm, những vấn đề thắc mắc của học viên sẽ được giảng viên tận tình giải đáp giúp học viên nắm rõ nội dung. Bên cạnh đó, các học viên tham gia lớp học là những cộng tác viên khuyến nông, nông dân có nhiều kinh nghiệm sản xuất trong nuôi trồng thủy sản nên tạo thuận lợi cho cả giảng viên và học viên trong quá trình thảo luận.
Các học viên được tham quan thực tế tại Công ty TNHH sản xuất giống thủy sản Đức Nguyên tại khóm Chòm Xoài, phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu. Qua buổi tham quan, các học viên có thêm kiến thức thực tế, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm trong quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh theo hướng an toàn sinh học của nông dân điển hình tiên tiến. Từ đó, đúc kết kinh nghiệm, áp dụng có hiệu quả công nghệ mới vào sản xuất, giúp học viên cải tiến quy trình sản xuất hiện tại của gia đình, góp phần tăng hiệu quả kinh tế ở những mùa vụ tiếp theo.
Yên Thư