Việt Nam tăng tốc xuất khẩu tôm hấp, tẩm gia vị và tẩm bột sang Hoa Kỳ Tận dụng cơ hội để ngành tôm Việt đạt mục tiêu xuất khẩu Thị trường xuất khẩu cá ngừ có nhiều biến động |
![]() |
2 tháng năm 2025, xuất khẩu thủy sản mang về hơn 1,4 tỉ đô. |
Ngày 5/3, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết 2 tháng đầu năm 2025 ghi nhận những tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, với tổng kim ngạch đạt 1,423 tỉ USD, tăng trưởng 18,2% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, tháng 2/2025 đạt 655,197 triệu USD, tăng trưởng ấn tượng 42,6%.
Tôm tiếp tục là điểm sáng lớn nhất
Trong đó, tôm tiếp tục là điểm sáng lớn nhất, đóng góp 542,387 triệu USD trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng 30,8%. Riêng tháng 2, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 231,406 triệu USD, tăng 33,9%.
Sự phục hồi này cho thấy ngành tôm đang lấy lại đà tăng trưởng sau giai đoạn giá thấp kéo dài trong năm 2023 - 2024. Dù nhập khẩu từ Trung Quốc và Mỹ giảm trong năm 2024, các thị trường khác như EU và một số khu vực mới nổi đã bù đắp khoảng trống, giúp sản xuất tôm toàn cầu duy trì ổn định trong khi giá cả cải thiện. Đây là dấu hiệu của sự cân bằng lành mạnh hơn giữa cung và cầu.
EU hiện là thị trường đáng chú ý với lượng nhập khẩu tôm chân trắng tươi đông lạnh và chế biến giá trị gia tăng đạt 376.875 tấn trong năm 2024, tăng 4% so với 2023.
Xu hướng tăng trưởng dài hạn rõ ràng khi lượng nhập khẩu năm 2024 cao hơn 26% so với năm 2019, chủ yếu nhờ sự đóng góp từ Ecuador (tăng 78%) và Ấn Độ (tăng 47%). Việt Nam cũng ghi nhận sự phục hồi một phần trong nguồn cung sang EU, củng cố vị thế trong nhóm các nhà cung cấp hàng đầu.
Tuy nhiên, cạnh tranh ngày càng gay gắt từ Ecuador và Ấn Độ, đòi hỏi Việt Nam phải tập trung vào các sản phẩm giá trị gia tăng và đa dạng hóa thị trường để duy trì lợi thế.
Cũng theo đánh giá của VASEP, triển vọng năm 2025 cho ngành tôm khá lạc quan, miễn là các yếu tố bất ổn như chiến tranh thương mại dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump không gây thêm gián đoạn.
Giá nhập khẩu trung bình tăng từ tháng 10/2024 và dự kiến duy trì ở mức cao trong suốt năm 2025 nhờ tồn kho ổn định, mang lại niềm tin cho cả nhà xuất khẩu và nhập khẩu.
Mặt hàng cá tra ghi nhận kim ngạch xuất khẩu đạt 253,241 triệu USD trong 2 tháng đầu năm, song tăng trưởng âm nhẹ (-0,8%) so với cùng kỳ nhưng nếu tính riêng tháng 2/2025 thì kim ngạch đạt 120,057 triệu USD, tăng trưởng mạnh 32,8%.
Giá cá tra thương phẩm hiện ở mức cao nhất trong 3 năm qua, đạt từ 32.000-33.000 đồng/kg (cá trên 1kg/con), mang lại lợi nhuận đáng kể cho người nuôi từ 2.000-3.500 đồng/kg. Đây là kết quả của nhu cầu xuất khẩu tăng, đặc biệt từ cuối năm 2024, khi các doanh nghiệp ghi nhận nhiều đơn hàng ổn định đến tháng 6/2025.
Xuất khẩu cá ngừ đạt 126,481 triệu USD trong 2 tháng đầu năm, giảm nhẹ 3,5%, với tháng 2/2025 đạt 59,986 triệu USD, tăng trưởng 15,9%. Ngành xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn từ các thị trường nhập khẩu chủ lực như EU và Mỹ. Quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp (IUU) vẫn là rào cản lớn đối với thủy sản khai thác, bao gồm cá ngừ, trong đó, quy định kích thước tối thiểu cá ngừ vằn 0,5m tại Nghị định 37/2024 đang khiến cho ngư dân và doanh nghiệp trong việc giải quyết bài toán nguyên liệu.
Các nhóm sản phẩm như cá các loại khác (302,7 triệu USD, tăng 13,6%), mực và bạch tuộc (101 triệu USD, tăng 13,8%), nhuyễn thể có vỏ (39 triệu USD, tăng 121,6%) và cua ghẹ (62 triệu USD, tăng 86,1%) đều cho thấy tiềm năng lớn. Đặc biệt, nhuyễn thể có vỏ và cua ghẹ ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc, nhờ nhu cầu tăng mạnh từ thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, tương tự cá ngừ, các sản phẩm khai thác như mực, bạch tuộc và cua ghẹ cũng chịu áp lực từ quy định IUU và MMPA. EU và Mỹ ngày càng siết chặt kiểm soát nguồn gốc, đòi hỏi truy xuất nguồn gốc đầy đủ và chặt chẽ. Nếu không đáp ứng, các mặt hàng này có nguy cơ bị từ chối nhập khẩu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kim ngạch xuất khẩu.
Mở rộng thêm thị trường mới cho tôm Việt Nam
![]() |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến. Ảnh Tùng Đinh |
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định năm 2025, xuất khẩu tôm sẽ tăng trưởng nhờ vào sự điều chỉnh chiến lược sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh từ các nước sản xuất tôm hàng đầu thế giới như Ecuador, Ấn Độ và Thái Lan vẫn rất lớn.
Bên cạnh đó, các quy định nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn chất lượng từ các thị trường như Mỹ và EU đang đặt ra yêu cầu cao đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh để giữ vững thị phần.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng cùng với việc đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển vùng nuôi, logistics, ngành hàng tôm cần phải tổ chức lại tổ chức sản xuất, các khâu thu hoạch, sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại để song hành với nhau.
Để nâng cao giá trị, tạo ra sự bứt phá ngành tôm phát triển bền vững, các địa phương, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng chất lượng nguồn giống đạt chất lượng cao để chủ động trong sản xuất và giảm chi phí trong quá trình nuôi cũng như hạn chế dịch bệnh.
Phương thức nuôi hướng đến sản xuất xanh, ít phát thải và ứng dụng công nghệ số, truy xuất nguồn gốc. Doanh nghiệp, người nuôi tôm cần xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn các điều kiện để chủ động sản xuất trong bối cảnh và tình hình mới trong nước và toàn cầu.
Đặc biệt là chủ động nghiên cứu các yêu cầu mới của thị trường, áp dụng công nghệ mới, cải tiến quy trình sản xuất, chặt chẽ từ khâu nguyên liệu đến khâu chế biến và thúc đẩy thương mại đảm bảo không vướng mắc các quy định mới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
![]() |
![]() |
![]() |