ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 lên 6,6% 4 “biến số” đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025 CEBR dự báo quy mô kinh tế Việt Nam sẽ vượt Singapore |
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao hơn nhóm ASEAN-6
Mạnh mẽ vượt qua tác động khủng khiếp của cơn bão mạnh nhất trong 70 năm qua – bão Yagi, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng GDP cao nhất khu vực ASEAN-6 (bao gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan) với 7,4% trong quý III/2024 (theo Tổng cục Thống kê). Dự kiến, tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%, thuộc top 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới và gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đồng thời, lạm phát duy trì dưới 4%, trong ngưỡng Quốc hội cho phép.
Tại khu vực ASEAN, theo Báo cáo tóm tắt Hội nhập Kinh tế ASEAN năm 2024 (ASEAN Economic Integration Brief, số 15) của Ban Thư ký ASEAN, các nền kinh tế trong khu vực dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn, đạt 4,6% trong năm 2024, và nhích lên 4,7% vào năm 2025.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm và duy trì ở mức thấp, kinh tế Việt Nam nổi bật như một điểm sáng với mức tăng trưởng ước đạt 7%/năm.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024 đánh dấu giai đoạn phục hồi và bứt phá mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, sau thời gian chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19. Dự kiến, GDP sẽ tăng trưởng trên 7%, đưa quy mô nền kinh tế vượt ngưỡng 450 tỷ USD. Đáng chú ý, mức tăng trưởng 7% của Việt Nam còn là con số cao nhất trong khu vực ASEAN, nơi nhiều quốc gia vẫn đang phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm.
Cùng với đó, nhập khẩu hướng tới mốc lịch sử là 800 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, tăng 15% so với năm ngoái và vượt xa so với mục tiêu kế hoạch Chính phủ giao (6%). Cán cân thương mại duy trì xuất siêu ở mức cao, gần 25 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp. Điều này cho thấy Việt Nam không chỉ duy trì được sự ổn định mà còn đẩy mạnh khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 sau hơn 6 tháng thi công
Sáng 29/8, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cùng 9 địa phương khánh thành dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên).
Đây là một trong những công trình trọng điểm quốc gia, gồm 4 dự án thành phần, có chiều dài 514 km nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) tới Phố Nối (Hưng Yên) với tổng vốn đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD). Các dự án này đều khởi công tháng 10/2023 và tháng 1/2024. Gần 1 tỷ USD nhưng được giải ngân trong 6 tháng, hoàn thành giải phóng mặt bằng các vị trí móng trong 2 tháng, nhập khẩu và vận chuyển vật tư đáp ứng nhu cầu khối lượng lớn.
Công trình 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối được đưa vào vận hành mang ý nghĩa chiến lược, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần khắc phục tình trạng thiếu điện cục bộ tại miền Bắc. Cạnh đó, công trình có ý nghĩa với doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài về bảo đảm cung ứng điện, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, tin tưởng vào quyết tâm của phía VN "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là có kết quả cụ thể, đo lường, cân đong đo đếm được"…
VinFast bán chạy số 1 Việt Nam
Đến hết tháng 10, VinFast cho biết bàn giao hơn 51.000 ôtô điện các loại, đứng trên Toyota và Hyundai Việt Nam.
Hai tháng bán chạy liên tiếp tạo đà cho VinFast lần đầu đạt doanh số tích lũy cao nhất so với đối thủ tại thị trường ôtô trong nước. Tháng 9, hãng này bàn giao hơn 9.300 xe và tháng 10, con số là hơn 11.000 xe, tương đương mức tăng trưởng 21%.
Chủ lực giúp doanh số VinFast thăng hoa là VF 3 với gần 5.000 chiếc và VF 5 hơn 2.600 chiếc. Đáng chú ý, mẫu xe điện nhỏ nhất của VinFast có gần 27.700 đơn đặt hàng sau 66 giờ mở bán hôm 14/5. Hiện hãng đã bàn giao khoảng 18%.
Sự kiện VinFast trở thành hãng xe bán chạy nhất Việt Nam là dấu mốc quan trọng, mang ý nghĩa bước ngoặt với ngành công nghiệp ô tô nước nhà. Chỉ trong vòng 5 năm gia nhập thị trường, VinFast không chỉ khẳng định vị thế vững chắc mà còn chính thức vượt qua các hãng xe ngoại quốc để chiếm lĩnh thị phần lớn nhất. Đặc biệt, VinFast cũng là hãng xe điện đầu tiên vượt qua các hãng xe xăng đối thủ chỉ sau 2 năm chuyển đổi sang thuần điện để trở thành thương hiệu dẫn dắt thị trường.
Sự tăng trưởng vượt trội của VinFast không chỉ khẳng định năng lực, bản lĩnh, đẳng cấp của người Việt trong lĩnh vực công nghiệp - công nghệ cao, mà còn cho thấy sự đón nhận và ủng hộ của người tiêu dùng với dòng sản phẩm ô tô điện thông minh, thân thiện với môi trường. Việt Nam cũng chính thức trở thành một trong số ít quốc gia có thương hiệu xe điện vượt xe xăng dẫn đầu toàn thị trường.
Tăng lương cơ sở cao nhất từ trước tới nay
Ngày 19/6, Bộ Chính trị đã kết luận về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024. Theo đó, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng thay cho mức 1,8 triệu đồng/tháng như trước đó.
Nghị định này quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với người hưởng lương, phụ cấp và chế độ tiền thưởng áp dụng đối với người hưởng lương làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động (sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị) ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.
Xuất - nhập khẩu năm 2024 xác lập kỷ lục mới, tiến đến mốc 800 tỷ USD
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất - nhập khẩu cả năm ước đạt kỷ lục mới 783 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước và vượt 2,5 lần kế hoạch được giao; cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD).
Trong đó, khu vực thị trường châu Á - châu Phi tiếp tục giữ vị trí chiến lược với tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hai chiều ước đạt 519,7 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2023, chiếm 66,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới (xuất khẩu ước đạt 197,4 tỷ USD, tăng 8,4%; nhập nhẩu ước đạt 322,3 tỷ USD, tăng 17,2%; nhập siêu 124,9 tỷ USD, tăng 34,6% so với năm 2023).
Riêng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao ở mức hai con số, với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD (vượt xa mức 354,7 tỷ USD của cả năm 2023), tăng 13,6% so với năm 2023 (năm 2023 giảm 4,6%), đây là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á (trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 12,7%, Hàn Quốc tăng 9,6%, Thái Lan tăng 4,9%, Indonesia tăng 1,33%).
Trong đó, xuất khẩu tăng mạnh ở nhóm hàng nông, lâm, thủy sản (11 tháng tăng 20,6%), với giá bán nông sản thuận lợi đã hỗ trợ tiêu thụ tốt đầu ra cho sản xuất nông nghiệp và người dân và nhóm hàng công nghiệp chế biến (11 tháng tăng 14,3%).
Bộ 3 Luật về bất động sản chính thức có hiệu lực
Từ ngày 1/8, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 chính thức có hiệu lực.
Điểm mới tại Luật Đất đai 2024 đã bãi bỏ quy định về khung giá đất so với luật năm 2013. UBND cấp tỉnh xây dựng, trình HĐND cùng cấp quyết định bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ 1/1/2026. Hàng năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1/1 của năm tiếp theo.
Ngoài ra, theo luật, sổ đỏ, sổ hồng sẽ có tên gọi thống nhất là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Đáng chú ý, đất được giao không đúng thẩm quyền cho hộ gia đình, cá nhân từ ngày 1/7/2014 đến trước ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực đáp ứng một số điều theo khoản 4 Điều 140 luật này thì được xem xét cấp sổ đỏ.
Theo Chuyên viên phân tích bất động sản, xây dựng, việc 3 luật liên quan trực tiếp đến ngành bất động sản được nghiên cứu sửa đổi và ban hành cùng thời điểm có thể tạo ra tính thống nhất trong quy định, khắc phục một số trường hợp mâu thuẫn, chồng chéo như đã xảy ra trước đây. Do đó, việc tổ chức thực hiện quy định sẽ trở nên hiệu quả hơn.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam
Chiều 30/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thủ đô Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh;
Về quy mô, đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 05 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Hình thức đầu tư công, áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa; bảo đảm hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả.
Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 10.827 ha, gồm: đất trồng lúa khoảng 3.655 ha, đất lâm nghiệp khoảng 2.567 ha và các loại đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai khoảng 4.605 ha. Trong đó: đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 3.102 ha; rừng đặc dụng khoảng 243 ha, rừng phòng hộ khoảng 653 ha, rừng sản xuất khoảng 1.671 ha.
Tái khởi động dự án điện hạt nhân
Ngày 25/11/2009, Quốc hội Khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 41/2009/QH12 về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm nhà máy 1 và 2, với tổng công suất 4.000MW. Tổng mức đầu tư theo 3 kịch bản thấp 10,8 tỷ USD, cao là 11,2 tỷ USD và 12,2 tỷ USD, trên diện tích 1.642 ha.
Theo Nghị quyết 41 của Quốc hội, Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể số 460 ngày 18/3/2010, chia dự án này thành 7 dự án thành phần trong đó EVN được giao làm chủ đầu tư 6 dự án (chủ yếu là kỹ thuật, nhà máy) và tỉnh Ninh Thuận 1 dự án (di dân tái định cư).
Năm 2010, 2011, thực hiện chủ trương của Trung ương, Chính phủ đã tiến hành đàm phán với 2 nước Nga và Nhật Bản. Nga đã đồng ý hỗ trợ Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân với công suất là 2.000 MW và hỗ trợ về vốn. Còn Nhật Bản thì thống nhất hỗ trợ về kỹ thuật xây dựng nhà máy điện hạt nhân 2 và hỗ trợ về vốn.
Tuy nhiên, đến ngày 26/11/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Thực hiện Nghị quyết, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 – 2023 và hỗ trợ Ninh Thuận phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Sau khi dự án dừng thực hiện theo Nghị quyết số 31, thì các địa điểm này (1.642ha) đã được quy hoạch làm đất dự trữ chiến lược lâu dài cho năng lượng để có thể tiếp tục xây dựng nhà máy điện hạt nhân khi có chủ trương của cấp có thẩm quyền.
Sau 25 năm, đến ngày 25/11/2024 thực hiện nghị quyết của Trung ương, Quốc hội ra nghị quyết tiếp tục thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và NVIDIA, "cú bắt tay lịch sử"
Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Chiến lược định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam đến năm 2050 theo lộ trình 3 giai đoạn.
Việc ban hành chiến lược này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực và các cơ hội từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.
Và thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và NVIDIA ngày 5/12/2024 được coi là "cú bắt tay lịch sử" mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc phát triển công nghệ AI và bán dẫn, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế số của đất nước.
Theo thoả thuận, thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) và Trung tâm Dữ liệu AI đồng thời NVIDIA dự kiến đầu tư từ 4 đến 4,5 tỷ USD vào Việt Nam trong vòng 4 năm tới, tạo ra khoảng 4.000 việc làm trực tiếp và từ 40.000 đến 50.000 việc làm gián tiếp.
Chính thức thương mại hoá 5G
Ngày 15/10, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã chính thức khai trương mạng 5G và trở thành mạng di động đầu tiên của Việt Nam kinh doanh dịch vụ 5G…
Như vậy, sau 6 tháng nhận giấy phép sử dụng tần số 2.600 MHz, mạng 5G Viettel đã chính thức có mặt trên thị trường. Tại thời điểm khai trương mạng 5G, Viettel có hơn 6.500 trạm BTS, phủ sóng 100% thủ phủ của 63/63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học.
Mạng 5G Viettel có tốc độ có thể đạt từ 700Mbps-1Gb, gấp 10 lần so với 4G và độ trễ thấp gần như bằng 0. Mạng 5G Viettel triển khai đồng thời 5G trên cả 2 nền tảng kiến trúc 5G NSA (non stand alone) và 5G SA (stand alone).
5G NSA được Viettel triển khai thành công năm 2019, tuy nhiên, 5G SA mới là mạng 5G thực sự và độc lập hoàn toàn so với công nghệ 4G hiện tại. So với mạng 5G NSA, ngoài cung cấp các dịch vụ truyền tải dữ liệu tốc độ cao, 5G SA còn đáp ứng yêu cầu độ trễ siêu thấp, khoảng 1ms, tốt hơn nhiều mạng 5G NSA và gấp 20 lần 4G truyền thống giúp cung cấp các dịch vụ yêu cầu sự phản hồi tức thì như xe tự lái, phẫu thuật từ xa, điều khiển từ xa trong nhà máy thông minh, lớp học thực tế ảo,…