Thanh Hóa phát triển kinh tế từ cây gai xanh Quảng Nam: Nhiều giải pháp mới phát huy tiềm năng cây quế Trà My Những công dụng ít người biết đến từ cây quế |
Quế được coi là cây nông nghiệp chủ lực của Yên Bái |
Quế là một cây có nhiều công dụng trong đời sống. Đây là một gia vị được ưa chuộng của nước ta và nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài lá, ta có thể khai thác từ vỏ thân, vỏ cành để làm tinh dầu quế.
Trong y học, quế còn được coi là "tứ bảo đông y" để chữa trị các triệu chứng về hô hấp, tiêu hóa, tim mạch. Trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, quế có thể sử dụng làm kem dưỡng da, nước hoa và hương liệu trong nhiều lĩnh vực sản xuất v.v.
Hiện nay, Yên Bái được coi là “thủ phủ” của quế. Nhận thấy quế là cây có giá trị tiềm năng lớn, bà con dân tộc người Dao, người Tày, người H’Mông... ở khắp các xã, huyện của tỉnh nhận đất trồng quế. Đặc biệt trồng quế theo hướng hữu cơ đang được bà con nhân rộng tích cực.
Ông Hà Đức Anh - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên chia sẻ: Huyện có gần 50.000 ha quế, chiếm trên 60% diện tích quế của Yên Bái, mỗi năm huyện xuất ra thị trường khoảng gần 8.000 tấn vỏ quế tươi; sản lượng cành lá quế khoảng 63.000 tấn/năm; sản lượng tinh dầu 300 tấn/năm; sản lượng gỗ quế 51.000 m3/năm.
Ngoài ra, ông Hà Đức Anh nhận định: Quế đã trở thành cây làm giàu cho huyện Văn Yên, doanh thu mỗi năm lên đến 600 tỷ đồng. Nhiều gia đình còn có đồi quế lên đến hàng chục tỷ, những hộ nông dân có đồi quế khoảng 4-5 tỷ thì rất nhiều.
Quế mang lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân |
Theo khảo sát, vỏ quế khô đang được các doanh nghiệp thu mua từ 58.000 - 59.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg; vỏ quế tươi 28.000 - 30.000 đồng/kg, tăng 6.000 - 7.000 đồng/kg; lá quế từ 1.800 - 2.000 đồng/kg, tăng 200 - 300 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021. Quế được các thương lái, doanh nghiệp đến tận nơi thu mua.
Nhằm đưa quế là cây phát triển chủ lực của tỉnh, Yên Bái đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để triển khai hiệu quả “Đề án Phát triển cây quế” (thuộc Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp). Bên cạnh đó cũng ban hành các chính sách hỗ trợ bà con về giống, cách chăm sóc và khai thác tối đa tiềm năng của cây quế.
Kết hợp đó, Yên Bái đã vận động, giúp đỡ, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thành lập các hội, phát triển các chuỗi liên kết từ khâu trồng trọt, chế biến và tiêu thụ. Ngoài ra áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm từ quế.
Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: tỉnh đã đặc biệt chú trọng phát triển, duy trì nguồn nguyên liệu chất lượng, làm tốt việc bảo tồn giống quế gắn với việc bảo tồn nguồn gen, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho sản phẩm...
Trong giai đoạn 2021-2025, Yên Bái đã ban hành những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị, đối với các dự án có quy mô từ 1.000 ha trở lên sẽ được hỗ trợ 2 tỷ đồng/dự án. Đây là cơ hội để phát triển sản xuất quế hữu cơ liên kết chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Yên Bái./.