Bình Gia (Lạng Sơn): Phát triển kinh tế nhờ trồng cây Thạch đen Khắc phục triệt để hạn chế, yếu kém về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hướng dẫn hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp |
Lợi ích của trồng cây gai xanh
Cây gai xanh là loài cây ưa khí hậu nóng ẩm, có thể trồng trên đất dốc 10%, khả năng chịu hạn tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại nhiều huyện ở Thanh Hóa như: Cẩm Thủy, Thạch Thành, Như Xuân…
Đặc biệt đây là loài cây dễ chăm sóc, nếu trồng đúng kỹ thuật sau 75 ngày có thể thu hoạch vụ đầu tiên. Sau khi thu hoạch xong, người dân chặt sát gốc, cây mọc lại và có thể thu hoạch vụ thứ hai sau 50 ngày. Gai xanh trồng 1 lần nhưng có thể thu hoạch trong vòng 10 năm, mỗi năm thu từ 4 hoặc 5 lứa.
Cây gai xanh mang lại giá trị kinh tế cao |
Cây gai xanh là loài cây có giá trị kinh tế cao, thân và vỏ dùng sản xuất sợi dệt vải chất lượng cao; lá sử dụng trong chế biến bánh gai, tách chiết lấy tinh dầu; thân cây gai được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất giấy.
Vỏ cây là thành phần có giá trị kinh tế cao nhất của cây, chúng được làm nguyên liệu để dệt những loại vải cao cấp. Vải dệt từ sợi gai có đặc tính dễ nhuộm, có khả năng kháng khuẩn, chống bám bẩn tự nhiên, chống nấm mốc, bền với ánh sáng, phơi mau khô, chịu được nước nóng khi giặt… Vì vậy, các hãng thời gian cao cấp trên thế giới đều hướng tới các loại vải được dệt từ sợi gai.
Bên cạnh lợi ích kinh tế rõ rệt, cây gai xanh còn có tác dụng phục hồi đất rất lớn. Hiện nay, sau khi thu hoạch phần vỏ, thân cây và lá sẽ được băm nhỏ, rải đều lên diện tích trồng làm phân hữu cơ cho đất. Do có hàm lượng protein tốt nên thân và lá cây gai xanh nhanh chóng giúp đất trở nên tơi xốp, nhiều dưỡng chất. Đồng thời lá gai xanh có thể làm thức ăn cho vật nuôi.
Phát triển cây gai xanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Cây gai xanh sau khi được tách vỏ |
Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Thanh Hóa đã trồng được 460 ha diện tích cây gai xanh, bằng 76,67% kế hoạch, tập trung tại các huyện Cẩm Thủy, Lang Chánh và Ngọc Lặc.
Khối lượng vỏ gai khô đã được Công ty Cổ Phần Nông nghiệp An Phước thu mua đạt 387,77 tấn; năng suất trung bình vỏ gai khô đạt 600kg/ha/1 lần thu hoạch đối với cây gai đã lưu gốc từ năm thứ 2, đạt 300- 400 kg/ha/vụ nếu trồng từ năm thứ nhất.
Đặc biệt một số diện tích tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy và xã Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa đạt năng suất 1.000kg vỏ khô/ha/ lần thu hoạch.
Với giá thu mua bình quân 45.000 đồng/kg, thì hiệu quả sản xuất cây gai xanh so với một số cây trồng khác đạt cao hơn, như: so với mía tăng khoảng 25 triệu đồng/ha/năm, so với cây keo tăng khoảng 25 triệu đồng/ha/năm, so với cây sắn tăng khoảng 30 triệu đồng/ha/nặm.
Nhằm mở rộng diện tích đất trồng, năm 2022, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu phấn đấu phát triển tổng diện tích cây gai xanh nguyên liệu đạt 1.460 ha, trong đó diện tích gai lưu gốc là 460 ha; diện tích gai trồng mới là 1.000 ha, tập trung tại các huyện Cẩm Thủy, Thạch Thành, Như Xuân, Bá Thước, Mường Lát, Như Thanh...
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu phát triển thành vùng nguyên liệu cây gai xanh trên địa bàn tỉnh; phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025. Qua đó sử dụng đất có hiệu quả hơn, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người nông dân./.