Giá nông sản hôm nay 1/4: Cà phê duy trì đà tăng, hồ tiêu đi ngang Giá nông sản hôm nay 2/4: Cà phê và hồ tiêu giữ ổn định Giá nông sản hôm nay 3/4: Cà phê đảo chiều tăng mạnh, hồ tiêu quay đầu giảm |
Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. |
Đứng thứ 3 về xuất khẩu gia vị toàn cầu
Việt Nam hiện đứng thứ 3 về xuất khẩu gia vị toàn cầu và chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng. Trong đó, Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Xuất khẩu quế cũng đứng đầu thế giới kể từ năm 2022 và đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu hoa hồi.
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 264.094 tấn hồ tiêu các loại, kim ngạch 906,5 triệu USD. So với năm 2022, lượng xuất khẩu năm 2023 tăng 13,8%, tuy nhiên kim ngạch giảm 8% do giá xuất khẩu giảm.
Quế và hồi cũng là hai loại gia vị chủ lực của Việt Nam. Diện tích trồng cây quế ở nước ta liên tục tăng nhanh, nếu như năm 2000 chỉ có 13.863 ha, thì đến năm 2023 đã lên tới 186.000 ha. Hiện Việt Nam đã trở thành nước có diện tích quế lớn nhất trên thế giới, với sản lượng vỏ quế đạt 72.000 tấn (năm 2023).
Theo ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhiều mặt hàng gia vị của Việt Nam đã khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế.
Việt Nam có tiềm năng lớn sản xuất các loại gia vị như quế, hồi, các loại rau gia vị đặc trưng cho ẩm thực Á Châu. Bên cạnh các thị trường trọng điểm, thị trường với nhiều cộng đồng cư dân châu Á sinh sống cũng là hướng đi mới với tệp khách hàng tiềm năng trong tiêu dùng các sản phẩm đặc sản nhiệt đới và sản phẩm gia vị.
Ông Lê Việt Anh - Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu và gia vị Việt Nam (VPSA) thông tin, nhu cầu về gia vị của các thị trường vẫn ở mức cao không chỉ trong ngành Thực phẩm mà còn được tiếp tục nghiên cứu và phát triển để đáp ứng nhu cầu trong ngành Dược phẩm, Mỹ phẩm, Thực phẩm chức năng. Cùng với đó là những thuận lợi như: Chính phủ, bộ, ngành có có vai trò quan trọng việc cập nhật các chính sách hỗ trợ ngành hàng Hồ tiêu phát triển là một trong những ngành chủ lực xuất khẩu của Việt Nam; Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt Hiệp định EVFTA, CPTTP... Vì vậy, ông Lê Việt Anh nhấn mạnh cần tận dụng triệt để những thuận lợi này để đẩy mạnh xuất khẩu gia vị.
Nhìn từ góc độ thị trường, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại EU Trần Văn Công cho biết, châu Âu ngày càng tăng nhu cầu đối với các loại gia vị được sản xuất bền vững, các sản phẩm gia vị có lợi cho sức sức khỏe và dùng gia vị, hương liệu trong ẩm thực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần rất lưu ý, thị trường này sẽ áp dụng một số yêu cầu bắt buộc đối với gia vị, hương liệu nhập khẩu vào châu Âu như kiểm soát thực phẩm chính thức, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát chất gây ô nhiễm...
Thông tin về một thị trường trọng điểm khác của gia vị Việt Nam là Hoa Kỳ, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại Hoa Kỳ tại Việt Nam Phạm Quang Huy nhấn mạnh, để tăng thị phần tại thị trường này cũng như đưa Việt Nam trở thành điểm đến được lựa chọn trong chuỗi cung ứng gia vị toàn cầu, bên cạnh các sản phẩm thô, cần đa dạng hóa sản phẩm gia vị phục vụ ngành Công nghiệp thực phẩm, Hóa mỹ phẩm, Dược phẩm...
Những thách thức đối với ngành hàng trong thời gian tới
Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu quế và đứng thứ hai về xuất khẩu hoa hồi. |
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, năm 2023 là giai đoạn khó khăn của ngành hồ tiêu Việt Nam. Cụ thể, tính đến hết tháng 10/2023 dù lượng xuất khẩu đạt trên 223.000 tấn, tăng đến gần 15% nhưng giá trị chỉ đạt gần 751 triệu USD, giảm gần 12% so với cùng kỳ. Về nguyên nhân, theo VPA, do kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu thụ giảm dẫn đến giá giảm. Đáng chú ý, việc giá trị của cây hồ tiêu giảm dẫn đến diện tích trồng loại cây này ở các địa phương cũng giảm mạnh. Thống kê của VPA cho thấy, diện tích hồ tiêu từ mức hơn 130.000 ha trong năm 2020 thì nay đã giảm xuống chỉ còn 120.000ha. “Ước tính 1 ha hồ tiêu thu về gần 2.000 USD, trong khi đó sầu riêng lại lên tới 40.000 USD/ha – tức là cao gấp hơn 20 lần so với hồ tiêu. Có lẽ đây cũng là lí do diện tích trồng hồ tiêu giảm dần do bà con chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn như cà phê và sầu riêng”- VPA chỉ ra. Đó là chưa kể, các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ và EU ngày càng áp dụng nhiều tiêu chuẩn quản lý dư lượng hóa chất trên sản phẩm hồ tiêu. Tính đến ngày 20/11, châu Âu đã đưa ra quy định mức MRLs cho 513 hoạt chất trên cây tiêu; Hoa kỳ quy định 8 hoạt chất. Đây là thách thức lớn với ngành hàng này trong thời gian tới. Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam dự báo rằng, trong năm 2024 tình hình kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Chủ tịch VPSA khuyến nghị, để phát triển bền vững trong thời gian tới, các doanh nghiệp buộc phải chủ động củng cố kiến thức, hội nhập thương mại quốc tế, thị trường, gia tăng vùng nguyên liệu bền vững. Đồng thời, tăng liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, cần đánh giá thực trạng của ngành về vấn đề dư lượng thuốc BVTV.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho rằng để phát triển ngành hồ tiêu và gia vị bền vững, phù hợp với các yêu cầu của thị trường, thì vấn đề cốt lõi hiện nay là “giải bài toán” tổ chức sản xuất; tập huấn cho nông dân canh tác bền vững, giảm sử dụng thuốc BVTV; liên kết sản xuất an toàn; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hồ tiêu an toàn, hồ tiêu hữu cơ, bền vững, giảm phát thải.