Cây quế bản địa Trà My từ bao đời nay được đánh giá có chất lượng rất cao nhờ hàm lượng tinh dầu cao, có một hương vị đặc trưng riêng, lớp vỏ dày và thơm, kích thước và trọng lượng lớn. Nhờ những đặc tính trên nên Quế Trà My được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng và cũng là “cao sơn ngọc quế” từ bao đời trước.
Đặc biệt trong thời gian gần đây huyện Nam Trà My đang dốc toàn lực để đưa nghề trồng quế tại đây trở thành một thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của huyện cũng như tỉnh, biến đây là một phương án thoát nghèo, giảm nghèo bền vững cho đồng bào nơi đây.
Vườn ươm giống Quế tại Huyện Trà My
Thời gian qua, cùng với triển khai lựa chọn 30 cây quế đầu dòng và xây dựng vườn giống quế chuyển hóa với hơn 10ha để lấy hạt làm giống, Huyện Nam Trà My đã và đang xây dựng vườn giống quế gốc với quy mô 5ha nhằm duy trì, phát triển nguồn gen, hướng đến việc bảo vệ thương hiệu cây quế Trà My.
Theo báo cáo, đến nay, diện tích trồng quế của huyện Nam Trà My đạt khoảng 3.688ha (trong đó, Nhà nước hỗ trợ trồng hơn 2.121ha và nhân dân tự bảo tồn, trồng phát triển hơn 1.566ha), chủ yếu ở các xã Trà Dơn và Trà Leng. Ngoài ra, từ nguồn giống sẵn có, người dân đã tiến hành thu hạt và tự gieo ươm hằng năm khoảng 150.000 - 200.000 cây, với tỷ lệ cây giống sống sau khi trồng đạt 85 - 90%.
Định hướng đến cuối năm nay (năm 2020, Nam Trà My ổn định diện tích quế từ 6.000ha trở lên, trong đó trồng tập trung khoảng 2.000ha và trồng phân tán 4.000ha. Đồng thời, phấn đấu đưa sản phẩm quế Trà My ra thị trường tiêu thụ theo hướng bền vững cả trong nước và thế giới...
Bên cạnh chia sẻ kinh nghiệm về công tác bảo tồn, chăm sóc và phát triển cây quế Trà My, các chuyên gia cũng đóng góp ý kiến về định hướng trong sản xuất chuỗi sản phẩm từ quế, nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị cây quế, giúp đem lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào địa phương.
UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi cho sự bảo tồn, đầu tư và thu hút sự đầu tư phát triển cây quế
Ông Lê Minh Hưng - Phó giám đốc sở Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, để tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho cây quế Trà My phát triển, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quết quy hoạch vùng bảo tồn và các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích việc nhân rộng diện tích trồng quế. “Trong thời gian tới, cần phát triển quế Trà My theo kiểu liên kết chuỗi giá trị, từ khâu chọn lựa giống, gieo ươm, chăm sóc thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, mỗi giai đoạn sẽ có một cơ quan chuyên trách đảm nhiệm riêng, như ở khâu bình chọn giống sẽ do sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh làm chủ trì phối hợp với huyện Nam Trà My chọn và lưu giữ nhiều giống tối ưu nhất”, ông Hưng chia sẻ.
Cùng với đó, UBND huyện Nam Trà My cũng đã có nhiều cơ chế chính sách và giải pháp để đưa ra hướng đi thích hợp để phát triển cây quế trên địa bàn. Các giải pháp chủ yếu là về cơ chế chính sách khuyến khích; điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến nâng cao chất lượng và giá trị nâng cao cho sản phẩm quế Trà My; công tác xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu Quế Trà My; thực hiện chính sách ưu đãi vay vốn và thuế cho tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển, chế biến sản phẩm quế...
Bên cạnh đó, việc thực hiện đề án đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây quế Trà My, tiến hành trồng mới cây quế trên địa bàn 10 xã với hơn 3 nghìn ha quế, xây dựng vườn quế gieo ươm từ 1,5 triệu giống mỗi năm, tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng. Thông qua đó, số lượng quế đã thu hoạch và bán ra cho nhiều ông ty sản xuất quế với số lượng lớn và bước đầu khẳng định vị thế đứng trên thị trường không những trong nước mà ngoài thế giới.
Mai Quỳnh