Sầu riêng nghịch mùa 200.000 đồng/kg, thương lái lùng khắp các vườn để mua Xuất khẩu sầu riêng giảm mạnh có đáng lo? Giá sầu riêng trái vụ giảm sâu dù nguồn cung khan hiếm |
Xuất khẩu sầu riêng dự kiến thu về trên 3,2 tỷ USD trong năm 2024. Ảnh Long Phương |
Trong 10 tháng năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng đạt xấp xỉ 1,5 triệu tấn, trị giá gần 6,68 tỷ USD, tăng 10,1% về lượng và tăng 4,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng tiêu thụ sầu riêng tại thị trường Trung Quốc chiếm 91% lượng tiêu thụ trên toàn thế giới vào năm 2023, cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường này.
Đáng chú ý, Thái Lan dù giữ vị trí nhà cung cấp sầu riêng lớn nhất tại thị trường Trung Quốc trong 10 tháng năm 2024, nhưng đang chịu sự cạnh tranh rất lớn đến từ các quốc gia Đông Nam Á, điển hình là Việt Nam.
Cụ thể, Trung Quốc đã chi gần 3,87 tỷ USD để nhập khẩu khoảng 785.000 tấn sầu riêng từ Thái Lan với giá bình quân 4.927 USD/tấn. Song, lượng sầu riêng nhập từ Thái Lan giảm 13,2% và giá trị giảm 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, trong 10 tháng vừa qua, nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam tăng mạnh 55% về lượng và giá trị tăng tới 42,5% so với cùng kỳ năm trước. Sầu riêng Việt Nam chiếm tới 46,9% lượng sầu riêng Trung Quốc nhập khẩu, đứng thứ 2 chỉ sau Thái Lan với 52,4%.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, Trung Quốc đẩy mạnh mua sầu riêng Việt Nam giúp loại trái cây này lập kỷ lục lịch sử xuất khẩu trên 3 tỷ USD trong chỉ 10 tháng, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, đóng góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành rau, quả trong 10 tháng năm 2024, khi tỷ trọng chiếm 49,11% tổng kim ngạch.
Đông Nam Á lo ngại mất thị phần sầu riêng tại Trung Quốc
Theo TTXVN, một số nhà xuất khẩu sầu riêng lớn từ Malaysia, Thái Lan, Philippines và các nước Đông Nam Á cho biết họ lo ngại về sự cạnh tranh từ sầu riêng nội địa của Trung Quốc, chẳng hạn như sầu riêng được trồng ở tỉnh Hải Nam.
Ông Jeremy Chin, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của LKE Group, một công ty kinh doanh sầu riêng có trụ sở tại Kuala Lumpur, cho biết Trung Quốc có công nghệ tốt nhưng không giống như Malaysia, đất canh tác thích hợp để trồng sầu riêng tại Trung Quốc rất ít ỏi. Mặc dù Hải Nam được coi là một địa điểm tốt, nhưng những hạn chế về địa chất và khí hậu của nơi này đồng nghĩa với việc chi phí trồng trọt và sau đó là giá bán lẻ sẽ cao hơn nhiều. Theo ông Chin, tự cung tự cấp sầu riêng là một nhiệm vụ khó khăn đối với Trung Quốc và nước này có thể vẫn phải dựa vào nhập khẩu.
Đồng quan điểm, ông Albert Liu, Phó chủ tịch điều hành của Hiệp hội Sầu riêng Quốc tế có trụ sở tại Singapore, cũng cho biết sầu riêng Hải Nam quá đắt để trồng ở quy mô lớn. Chi phí trung bình để trồng sầu riêng ở Hải Nam khoảng 60 NDT (8,29 USD)/kg, trong khi chi phí để trồng sầu riêng ở Đông Nam Á chỉ vào khoảng 20 NDT/kg.
Tuy nhiên, những nhà sản xuất sầu riêng đầy tham vọng ở Hải Nam không hề nao núng trước những hạn chế đó. Theo ước tính của Viện Khoa học Nông nghiệp Hải Nam, sản lượng sầu riêng trồng thử nghiệm dự kiến sẽ tăng gấp bốn lần lên 200 tấn trong năm nay. Tuy vậy, những cơn bão đổ bộ vào hòn đảo này trong năm nay đã gây ra tổn thất rất lớn.
Vụ thu hoạch sầu riêng thương mại đầu tiên của Hải Nam - chỉ 50 tấn - đã xuất hiện trên thị trường Trung Quốc vào năm 2023, chỉ chiếm 0,005% tổng lượng sầu riêng tiêu thụ nội địa trong năm đó.
Mặc dù các thương nhân sầu riêng Đông Nam Á tin tưởng rằng loại trái cây của họ sẽ tiếp tục làm hài lòng khẩu vị của người Trung Quốc, nhưng tình trạng cung vượt cầu và nhu cầu của tầng lớp trung lưu Trung Quốc đối với “vua của các loại trái cây” đang giảm dần khiến triển vọng trở nên kém hấp dẫn hơn.
Khi ngày càng nhiều khu vực nhảy vào cuộc đua cung ứng sầu riêng để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc, các thương nhân từ những nước xuất khẩu lớn đã bày tỏ lo ngại tại một diễn đàn ở Thượng Hải giữa tuần qua.
Ông Terry Lin, Giám đốc bán hàng tại Agrionex, một nhà cung cấp công nghệ nông nghiệp có trụ sở tại Malaysia, cho biết: “Chúng ta hiện đang trong thời kỳ hoàng kim của sầu riêng ở Trung Quốc, nhưng đà tăng trưởng có thể chậm lại và có thể là thời kỳ bạc trong 5 năm tới, khi có thể xảy ra tình trạng cung vượt cầu, đặc biệt là vì trái cây tươi có thời hạn sử dụng ngắn”.
Đông Nam Á lo ngại mất thị phần sầu riêng tại Trung Quốc. |
Sầu riêng Việt Nam khiến các đối thủ cạnh tranh lớn phải dè chừng
Thông tin trên Báo Công Thương, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết, năm nay, xuất khẩu sầu riêng dự kiến thu về trên 3,2 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm ngoái.
Đáng chú ý, dù ngành sầu riêng Việt Nam mới phát triển từ năm 2023 đến nay, trong khi sầu riêng Thái Lan hay Malaysia có thâm niên phát triển hàng chục năm, nhưng sầu riêng Việt cũng đã khiến các đối thủ cạnh tranh lớn phải dè chừng tại thị trường Trung Quốc.
Mặt khác, trong khi sầu riêng Thái Lan hay Malaysia mùa vụ chỉ kéo dài 3 - 4 tháng, sầu riêng Việt Nam có quanh năm. Cùng với lợi thế về logistics, kỳ vọng xuất khẩu sầu riêng sẽ được tiếp tục mở rộng tại thị trường Trung Quốc.
Không chủ quan trước các đối thủ, bà Phan Thị Mến - Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Khoa học và Công nghệ SUTECH - thông tin, hiện, trên các kệ hàng bày bán sầu riêng tại các trung tâm thương mại ở Bắc Kinh, hầu hết đều không có sầu riêng của Việt Nam mà chủ yếu là sầu riêng của Thái Lan và Malaysia.
Trong trung tâm thương mại, đối với sầu riêng tươi, chủ yếu là sầu riêng Dona của Thái Lan, còn sầu riêng cấp đông chủ yếu là sầu Musangking cấp đông nguyên quả của Malaysia. Nếu như tại Việt Nam, sầu riêng loại C thường chuyển sang cấp đông thì sầu riêng Thái Lan vẫn bày bán loại C này. Về sầu riêng cấp đông, tại Trung Quốc, người dân cực kỳ ưa chuộng sầu riêng cấp đông nguyên quả của Malaysia.
Để chiếm "miếng bánh" thị phần tại thị trường tỷ dân này, bà Phan Thị Mến khuyến nghị, bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và nhà nước cần có biện pháp thay đổi, thúc đẩy để nâng cao chất lượng, hình thức sầu riêng nói riêng và sản phẩm nông nghiệp nói chung. Đồng thời, có những chiến lược kết nối để tăng độ tiếp cận đến với người dân Trung Quốc. Có như vậy, sầu riêng Việt Nam mới chiếm lĩnh được thị trường Trung Quốc.
195.000 đồng/kg sầu riêng vẫn không có hàng để mua |
Thái Lan khởi động dự án “sầu riêng kỹ thuật số”, sầu riêng Việt có đáng lo? |
Nông nghiệp Việt nối dài "kì tích" xuất khẩu |