Xuất khẩu sầu riêng giảm mạnh có đáng lo? Ảnh Mạnh Khương |
Xuất khẩu sầu riêng có dấu hiệu chậm lại
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam ước tính trong tháng 11, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt sơ bộ 445 triệu USD, giảm 14% so với tháng trước.
Trước đó, sầu riêng là loại trái cây chiếm khoảng 40-45% kim ngạch xuất khẩu rau quả 10 tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 10 sản lượng sầu riêng xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại, khiến tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành rau quả sụt giảm.
Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong tháng 10 chỉ đạt 212 triệu USD, giảm 68,4% so với tháng 9 và giảm gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc đại lục - thị trường lớn nhất, chiếm hơn 90% tổng lượng xuất khẩu - đã giảm nhập sầu riêng Việt Nam 70% so với tháng 9 và hơn 42% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt gần 190 triệu USD.
Các thị trường lớn khác như Thái Lan, Hong Kong, Đài Loan và Hàn Quốc cũng ghi nhận mức giảm từ 40% đến 56% so với tháng trước. Đặc biệt, Campuchia không nhập khẩu bất kỳ lô hàng nào từ Việt Nam trong tháng vừa qua.
Tuy nhiên, xuất khẩu sầu riêng lũy kế 10 tháng vẫn đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này chưa đạt kỳ vọng. Ông Nguyên cho biết năm nay Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 3,5 tỷ USD sầu riêng, nhưng sự sụt giảm sản lượng ở các vụ thu hoạch chính và trái vụ đã khiến kế hoạch này trở nên khó khăn.
Dự báo cả năm, xuất khẩu rau quả Việt Nam sẽ đạt hơn 7 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2023. Trong đó, riêng mặt hàng sầu riêng dự kiến đạt khoảng 3,2 tỷ USD, tiếp tục là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành. Với diện tích trồng hiện tại khoảng 154.000 ha và sản lượng gần 1,2 triệu tấn, sầu riêng Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, nhưng để đảm bảo bền vững, cần có chiến lược dài hạn trong việc nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường xuất khẩu.
“Vua trái cây Việt” được kỳ vọng mang về 3,5 tỷ USD trong năm nay
Xuất khẩu sầu riêng tháng 10 giảm mạnh do nhiều yếu tố. |
Trả lời Vnexpress, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết xuất khẩu sầu riêng tháng 10 giảm mạnh do nhiều yếu tố. Trước tiên, biến đổi khí hậu với thời tiết cực đoan như mưa kéo dài kết hợp nắng gắt đã ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng quả. Tại các vùng trồng trọng điểm ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, sầu riêng bị sượng, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt, mùa vụ năm nay kết thúc sớm hơn mọi năm khiến nguồn cung hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng xuất khẩu.
Ngoài ra, vụ sầu riêng trái vụ ở miền Tây Nam Bộ cũng không đạt kỳ vọng khi tỷ lệ cho trái chỉ đạt 30-50%. Lý do đến từ việc nhiều nhà vườn chưa xử lý cây đúng kỹ thuật và gặp phải thời tiết bất lợi như mưa bão kéo dài làm cây bị sốc nhiệt, rụng bông hàng loạt.
Ông Nguyên chia sẻ thêm, mùa thu hoạch chính ở Tây Nguyên gần như đã kết thúc nên lượng sầu riêng xuất khẩu từ nay đến cuối năm sẽ không nhiều như các tháng giữa năm. Tuy nhiên, miền Tây lại bước vào mùa thu hoạch sầu riêng nghịch vụ.
Điều đáng nói, thời điểm này cả thế giới chỉ Việt Nam có sầu riêng thu hoạch nên gần như độc quyền, đặc biệt là ở thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, sản lượng sầu riêng vụ nghịch tại miền Tây năm nay sụt giảm đã đẩy giá mặt hàng này tăng mạnh, lên mức cao chót vót, lãnh đạo Hiệp hội rau quả Việt Nam cho hay.
Thông tin từ Bộ NN-PTNT, tính đến hết tháng 10, sản lượng sầu riêng đã thu hoạch của cả nước ước khoảng 1,1 triệu tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng tháng 10/2024, sản lượng thu hoạch đạt 154.200 tấn, giảm 15% so với tháng 9.
Những ngày gần đây, giá sầu riêng tại các vùng trồng tăng mạnh do khan cung, trong khi cầu vẫn tăng cao. Ông Nguyễn Nhật ở xã Xuân Định (Xuân Lộc, Đồng Nai), cho biết, giá sầu riêng Thái tại khu vực Đông Nam Bộ đã tiến sát mốc 200.000 đồng/kg với hàng loại 1, sầu riêng Ri6 đang được thu mua tại vựa với giá 150.000 đồng/kg.
Về dự báo về kim ngạch xuất khẩu trong năm nay, ông Đặng Phúc Nguyên nhẩm tính “vua trái cây Việt” có thể mang về 3,5 tỷ USD.
Còn xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc, lãnh đạo Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình xin cấp mã số vùng trồng. Dự kiến, sớm nhất lô hàng đầu tiên có thể xuất khẩu sang Trung Quốc vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Tuy nhiên, do giá sầu riêng đang cao nên phần lớn doanh nghiệp sẽ chọn xuất khẩu hàng tươi nguyên trái. Còn nếu đưa vào cấp đông để xuất khẩu cơm sầu thì giá thành sẽ rất cao.
Ngành sầu riêng Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng cũng không ít thách thức |
Cần làm gì để xuất khẩu sầu riêng bền vững? |
Lợi thế và thách thức đối với sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc |