Làm thế nào để xử lý vỏ sầu riêng để tránh ô nhiễm môi trường. |
Tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành sầu riêng
Ngày 19/8 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, hôm nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức ký kết nghị định thư đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Việc ký kết nghị định thư này là một bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông sản giữa hai nước, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sầu riêng đông lạnh được xem là sản phẩm ưu tiên với tiềm năng đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu nông sản. Việc mở cửa chính thức thị trường Trung Quốc cho sản phẩm này dự kiến tạo ra cơ hội lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam.
Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng, đạt kim ngạch 2,3 tỉ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 90%. Sầu riêng đông lạnh là sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao hơn so với sầu riêng tươi.
Việc mở cửa thị trường cho sản phẩm này sẽ giúp đa dạng hóa chế biến, giảm áp lực về thời vụ thu hoạch, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành sầu riêng.
Dự kiến xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt kim ngạch 400 - 500 triệu USD ngay trong năm 2024, là năm đầu tiên sau khi ký kết nghị định thư và sớm góp mặt trong danh sách mặt hàng nông sản xuất khẩu giá trị tỉ USD ngay trong năm 2025.
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Krông Pắc (nơi được mệnh danh là "thủ phủ" sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk) phấn khởi thông tin: địa phương đã sẵn sàng đáp ứng các điều kiện phục vụ xuất khẩu sản phẩm sầu riêng đông lạnh vào thị trường tỷ dân.
“Khi Nghị định thư có hiệu lực thì Krông Pắc cùng với các cơ quan chuyên môn sẽ phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đảm bảo các tiêu chí xuất khẩu không chỉ cấp đông múi sầu riêng mà còn cấp đông quả tươi theo quy định để chúng ta khẳng định thương hiệu” - bà Ngô Thị Minh Trinh nói.
Biến vỏ sầu riêng thành tài nguyên
Xử lý băm vỏ sầu riêng tại Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm. |
Một trái sầu riêng, phần ăn được (cơm sầu) chỉ chiếm 30-35% trọng lượng quả, còn 65-70% là vỏ và hạt đang bị vứt bỏ.
Nhiều năm nay, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Cũng bởi vậy, Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn đề tăng phát thải khí nhà kính khi cây sầu riêng và sản phẩm vỏ sầu riêng tạo ra lượng CO2 khổng lồ.
Thời gian tới, Việt Nam sẽ chính thức xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, nhiều người đặt vấn đề về xử lý khối lượng vỏ khổng lồ phía sau như thế nào ở Việt Nam.
Trong vỏ sầu riêng, lượng chất hữu cơ chỉ chiếm khoảng 35% nhưng có đến 0,94% chất đạm, 0,6% lân hữu hiệu và 0,9% kali hữu hiệu. Đây là kết quả phân tích mà Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm (TP. Buôn Ma Thuột) thực hiện trước khi bắt tay vào việc xử lý vỏ sầu riêng thành phân bón hữu cơ.
Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc công ty chia sẻ, kết quả này cho thấy giá trị dinh dưỡng trong vỏ sầu riêng cao hơn nhiều so với rơm rạ, vỏ trấu, vỏ cà phê…. Nếu không tận dụng làm phân bón thì rất lãng phí và gây ô nhiễm môi trường.
Chính vì thế, ngay từ năm 2022, Công ty đã đầu tư máy băm vỏ sầu riêng ngay tại nhà máy và hợp đồng với một công ty phân bón để xử lý ủ vỏ sầu riêng theo quy trình sinh học. Toàn bộ vỏ sầu riêng mà Công ty thải ra trong quá trình sản xuất với tổng khối lượng từ 50 – 60 tấn/ngày đã được ủ với các chế phẩm sinh học nhằm thúc đẩy quá trình phân hủy, xử lý các loại nấm bệnh. Sau đó, đơn vị gia công tiếp tục phối trộn với các loại đạm cá, trung lượng, vi lượng để tạo ra hai sản phẩm phân bón hữu cơ dành cho giai đoạn phục hồi cây sau thu hoạch và nuôi dưỡng trái. Lượng phân bón hữu cơ làm ra được Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm cung ứng cho các nông hộ, trang trại trong chuỗi liên kết canh tác nông nghiệp hữu cơ.
Cuối năm 2023, trên báo Khánh Hoà cũng thông tin về một doanh nghiệp đã sản xuất thành công than sinh học và giấm gỗ từ vỏ sầu riêng.
Chia sẻ về quá trình biến vỏ sầu riêng thành than sinh học và giấm gỗ, ông Nguyễn Văn Xuân - Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng Resa - cho biết, trong quá trình nghiên cứu phương pháp xử lý rác thải, ông thấy nông dân thường đổ bỏ vỏ sầu riêng sau khi khai thác cơm sầu. Khi để trong tự nhiên, vỏ sầu riêng chậm phân hủy nên gây ô nhiễm môi trường.
Từ đó, ông nảy ra ý tưởng xử lý vỏ sầu riêng để chế biến thành than sinh học. Như vậy sẽ tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp này, vừa góp phần tăng thu nhập cho người dân vừa bảo vệ môi trường.
Ông Xuân chế tạo một thiết bị tạm thời gồm một lò nhiệt phân đựng vỏ sầu riêng tươi (50-100kg) và một lò ngưng tụ hơi. Tất cả năng lượng cung cấp cho các thiết bị đều sử dụng năng lượng mặt trời.
Sau thời gian thử nghiệm, lò nhiệt phân cho ra nhiều loại sản phẩm. Cụ thể, khi nhiệt độ lò đạt đến 150-190 độ C sẽ tạo ra dung dịch giấm gỗ; sau đó lò tiếp tục gia nhiệt để tạo thành khí cháy và bị đốt hết sẽ thu được than sinh học. Một mẻ nhiệt phân như vậy có thể thu được 25 lít giấm gỗ và 15-20kg than sinh học.
Ông Nguyễn Văn Xuân cho biết, giấm gỗ có nhiều công dụng như khử mùi chuồng trại chăn nuôi, làm thuốc bảo vệ thực vật, diệt côn trùng... Trên thị trường, 1 lít giấm gỗ có giá 100.000-150.000 đồng.
Với than sinh học, ngoài tác dụng như một loại phân bón cải tạo đất, nếu được nghiền ra pha trộn với phụ gia, ép thành viên, phơi khô có thể tạo thành than không khói, giàu năng lượng và không gây ô nhiễm môi trường. Than sinh học này có giá bán từ 14.000-15.000 đồng/kg.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trúc, Phó Trưởng Bộ môn Nông học (Viện Cây ăn quả Miền Nam) cho biết, vỏ trái sầu riêng cần được ủ thành phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng, còn bỏ phế sẽ gây ô nhiễm môi trường và làm phát sinh mầm bệnh cho con người và vật nuôi. `
“Không chỉ vỏ trái sầu riêng mà các loại phế phẩm nông nghiệp khác ở Việt Nam vẫn đang bị bỏ phí rất oan uổng khi người dân chưa biết ủ phân. Trong khi các phế phẩm chính là chất dinh dưỡng trả lại cho đất tốt nhất. Vỏ trái sầu riêng cứ để ngoài trời sẽ hôi thối, lây lan mầm bệnh ra nước, đất, gây mầm bệnh cho con người, môi trường và vật nuôi. Nếu có máy băm, cắt phế phẩm ra càng nhỏ càng mau phân hủy, sau đó trộn với vôi và đậy bạt lại. Sau một tuần vỡ bạt ra trộn với vi sinh phân hủy vỏ sầu riêng thành chất mùn, ủ thành phân bón”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trúc khuyến cáo.
Sầu riêng đông lạnh, dừa tươi xuất sang Trung Quốc cần đáp ứng yêu cầu gì? |
Giá sầu riêng tăng cao, thương lái vào tận vườn tìm mua |
3 tháng đầu năm, Trung Quốc chi 228 triệu USD mua sầu riêng Việt Nam |