Xuất khẩu rau quả của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt |
Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong tháng 8/2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt hơn 700 triệu USD, tăng 26,8% so với tháng trước và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là một trong những tháng có giá trị xuất khẩu rau quả cao nhất năm do rơi vào giai đoạn cao điểm thu hoạch sầu riêng tại Tây Nguyên.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả ước đạt 4,58 tỉ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất với gần 2,5 tỉ USD rau quả từ Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, chiếm tới 64% thị phần. Tiếp đến là Hoa Kỳ, Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu lần lượt đạt 189 và 188 triệu USD, tăng 31% và 51%, chiếm 4,88% và 4,87% về thị phần.
Đáng chú ý, Thái Lan đã vươn lên vị trí thứ 4 trong danh sách các thị trường nhập khẩu rau quả từ Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Thái Lan đạt 123 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam - cho biết, thời gian qua Thái Lan tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng của nước ta, trong đó có sầu riêng đông lạnh. Điều này thúc đẩy giá trị xuất khẩu qua thị trường này tăng. Một số lô hàng sầu riêng của Việt Nam được Thái Lan nhập khẩu sẽ được dùng để xuất khẩu ngược sang Trung Quốc.
Xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc sẽ giúp ngành rau quả "bứt tốc" trong thời gian tới. |
Về thị trường Trung Quốc, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 3 nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, trái dừa tươi và cá sấu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Việc ký kết Nghị định thư này là một bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông sản giữa hai nước, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam bày tỏ: “Việc hai nước ký thêm nghị định thư cho xuất khẩu sẽ giúp ngành rau quả có thêm thị trường tiêu thụ, mở rộng cơ hội phát triển trong thời gian tới, qua đó góp phần nâng cao đời sống cho người dân và doanh nghiệp trong nước”.
Ông Nguyên đánh giá, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn của Việt Nam, chiếm 60 - 70% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Đây cũng là thị trường có vị trí thuận lợi cho công tác vận chuyển hàng hóa, giảm giá sản phẩm, tăng cơ hội nâng cao sức cạnh tranh. Ước tính đến hết tháng 8/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường này đạt 4,5 - 4,6 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Để triển khai các nghị định thư, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, thời gian tới, Bộ cam kết tiếp tục làm việc chặt chẽ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để tiến hành các bước tiếp theo, đảm bảo doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Trung Quốc một cách thuận lợi.
“Nếu việc thực hiện các thủ tục cần thiết như cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói… thuận lợi, thì dự kiến từ tháng 12 năm nay, các mặt hàng sầu riêng đông lạnh, trái dừa tươi có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Dự kiến, năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hai mặt hàng này sẽ đóng góp ít nhất 500 triệu USD vào kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước, tạo nguồn thu ổn định cho bà con nông dân khu vực miền Tây cũng như nâng cao giá trị gia tăng cho ngành”, ông Đặng Phúc Nguyên nhận định.
Rau quả tiếp tục là “điểm sáng” trong “bức tranh” xuất khẩu nông sản |
Xuất khẩu rau quả tăng trưởng 2 con số |
Sầu riêng thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng mạnh |