Sắp diễn ra Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các đối tác Ấn Độ và Pakistan 2021 Xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ: Cẩn trọng trước các rủi ro |
Xuất khẩu hàng hóa sang Ấn Độ tăng trưởng khá
Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Ấn Độ trong tháng 8/2021 đạt 552,5 triệu USD, tăng 15,4% so với tháng 7/2021.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3,95 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu hàng hóa sang Ấn Độ đạt 3,95 tỷ USD trong 8 tháng |
Trong tháng 8/2021 nhóm ngành hàng điện thoại các loại và linh kiện dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 99,4 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng/2021 lên 821,1 triệu USD, giảm 5,8% và chiếm 20,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường này.
Xuất khẩu nhóm ngành hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 8/2021 đạt trên 87,4 triệu USD, nâng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng/2021 lên 548,1 triệu USD, tăng 1,09% và chiếm 13,8% tổng trị giá hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ.
Hàng hóa xuất khẩu sang Ấn Độ 8 tháng đầu năm 2021 nhìn chung tăng kim ngạch so với 8 tháng đầu năm 2020. Trong đó, xuất khẩu tăng khá ở các nhóm hàng như: Hóa chất tăng 126,5%; chất dẻo nguyên liệu tăng 431,9%; cao su tăng 121,2%; xơ sợi dệt các loại tăng 111,1%; than các loại 152,1%; sản phẩm mây, tre, cói thảm tăng 124,1%.
Ngược lại, xuất khẩu lại sụt giảm ở một số nhóm sau: Cà phê 33,3%; hạt điều 12,4%; gỗ và sản phẩm gỗ 14,5%.
Nhiều cơ hội để xuất khẩu sang Ấn Độ
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để xuất khẩu sang Ấn Độ. Ông Đỗ Thanh Hải, Tham tán, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ nhận định, qua nhiều hội thảo đã xác định dệt may, dược phẩm, công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực năng lượng tái tạo, hàng nông sản là động lực mới cho quan hệ thương mại và nhiều ngành khác còn nhiều tiềm năng.
Nông sản là một trong những mặt hàng có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang Ấn Độ |
Tuy nhiên, để biến các động lực và tiềm năng này thành hiện thực thì rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, cộng động doanh nghiệp và những buổi giao thương trực tuyến là kênh quan trọng để doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Để giúp doanh nghiệp Việt Nam tránh được những rủi ro khi xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, ông Hiren Gandhi – Chủ tịch, Ủy ban Thực phẩm và An toàn vệ sinh thực phẩm, Phòng Thương mại và Công nghiệp Gujarat khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Ấn Độ cần sử dụng hợp đồng thương mại hợp pháp để thoát những tranh chấp thương mại, được bảo vệ trước sự gian lận, cam kết sai, vấn đề hậu cần và khắc phục rủi ro trong kinh doanh.
“Hợp đồng pháp lý phù hợp có thể giúp bạn thoát khỏi 80% các tranh chấp thương mại. Tôi quan sát thấy nhiều người Việt Nam gặp rắc rối khi thực hiện các hợp đồng thương mại không có hiệu lực. Ngoài ra, khi xuất khẩu sang Ấn Độ, doanh nghiệp Việt Nam không nên sử dụng môi giới hoặc đại lý, bởi họ không có giá trị pháp lý”, ông Hiren Gandhi nhấn mạnh.
Ông Hiren Gandhi cũng cảnh báo, doanh nghiệp Việt Nam không nên giao kết mua bán với người mua trực tuyến ngay mà trước hết cần kiểm tra năng lực tài chính của người mua, yêu cầu họ đặt cọc trước cho các đơn hàng (ít nhất 20%-30% giá trị đơn hàng) và đưa ra vấn đề về quyền xử lý hậu cần trong các hợp đồng thương mại.