Xuất khẩu cá tra sang EU giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022 Năm 2023, xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 1,8 tỷ USD Tháng 11/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Brazil tăng đột biến |
Xuất khẩu cá trasang Mỹ về đích với 271 triệu USD
Lần đầu Mỹ ghi nhận tăng trưởng dương về nhập khẩu cá tra Việt Nam sau 11 tháng sụt giảm |
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ năm 2023 về đích với 271 triệu USD, giảm 50% so với năm 2022. Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn thứ 2 về cá tra Việt Nam sau Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc).
Trong tháng 12/2023, lần đầu Mỹ ghi nhận tăng trưởng dương về nhập khẩu cá tra Việt Nam sau 11 tháng sụt giảm, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 20 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022.
Trước đó, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đều giảm từ 22 - 81% trong 11 tháng đầu năm 2023. Mặc dù doanh số bán cá tra sang Mỹ trong tháng cuối năm 2023 tăng trưởng, tuy giá trị xuất khẩu trong tháng này vẫn ở mức thấp hơn so với các tháng giữa năm. Giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng 12/2023 chỉ “nhỉnh” hơn so với tháng 1, tháng 2 và tháng 7/2023.
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 10 tháng năm 2023, Mỹ nhập khẩu hơn 1,4 tỷ USD cá thịt trắng từ thế giới, chủ yếu là các sản phẩm phile đông lạnh mã HS 0304. Việt Nam chiếm 19% thị phần cá thịt trắng Mỹ nhập khẩu từ thế giới, đồng thời là nguồn cung cá thịt trắng thứ 2 của Mỹ, chỉ sau Trung Quốc (chiếm 45%).
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dòng chảy thương mại về Mỹ đã tăng mạnh sau khi nước này mở cửa hoàn toàn sau giai đoạn dịch Covid. Nhu cầu tăng cao khiến nhập khẩu ồ ạt vào nửa đầu năm 2022 dẫn đến dư cung khiến lượng tiêu thụ cá tra của siêu cường này từ nửa cuối năm 2022 và cả năm 2023 chững lại đáng kể.
Lượng hàng tồn kho khổng lồ chờ tiêu thụ từng là nguyên nhân lớn nhất khiến các nhà nhập khẩu tại Mỹ e dè hơn trong nhập khẩu năm 2023, giờ đây đã không còn là vấn đề chi phối. Giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ đang từng bước khả quan hơn, thu hẹp khoảng cách sụt giảm và tăng trưởng nhẹ vào tháng cuối cùng của năm 2023.
Những tuần đầu năm 2024, kinh tế Mỹ cho thấy nhiều tín hiệu tích cực của hồi phục và tăng trưởng. Lạm phát đã giảm nhiều, tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn, thu nhập đuổi kịp và vượt lạm phát, mức chi của người tiêu dùng cũng sẽ thoải mái hơn so với năm 2023 đầy biến động.
Để xuất khẩu cá tra sang Mỹ phục hồi trong năm 2024, không chỉ cần sự chung tay từ nhà nước, các Bộ, ngành, sự tính toán kĩ càng của các doanh nghiệp, mà còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan và tình hình thế giới: xung đột Nga - Ukraine kéo dài, giao tranh giữa Israel - Hamas, bất ổn tại Trung Đông, căng thẳng Biển Đỏ,... Trong đó, cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 có khả năng sẽ khiến nền kinh tế chung đối mặt nhiều bấp bênh, thậm chí bất ổn xã hội nếu như bên thua không chấp nhận kết quả bầu cử...
Xuất khẩu cá tra hướng đến mục tiêu 2 tỷ USD năm 2024
Xuất khẩu cá tra hướng đến mục tiêu 2 tỷ USD năm 2024 |
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng - chuyên gia thị trường Cá tra VASEP cho biết, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2023 đạt hơn 1,8 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2022. Trong đó, riêng tháng 12/2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt hơn 158 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp giá trị xuất khẩu cá tra ghi nhận tăng trong năm 2023 đầy khó khăn.
Các loại sản phẩm xuất khẩu, gồm: Cá tra phi lê đông lạnh đạt 1,49 tỷ USD, giảm 29% so với năm trước; cá tra đông lạnh/khô đạt đạt 314 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, cá tra giá trị gia tăng đạt 29 triệu USD, giảm 22% so với cùng kỳ.
Kết quả xuất khẩu cá tra trong năm 2023 cho thấy xu hướng xuất khẩu và xu hướng tiêu thụ của năm 2024 sẽ không chỉ tập trung vào các phile đông lạnh - sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, mà sẽ mở rộng và tăng dần với cá tra giá trị gia tăng và các sản phẩm phụ.
Việc Trung Quốc mở cửa mạnh dạn hơn so với đầu năm khiến giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này dần tăng trở lại, thị trường này đã tăng nhập khẩu các sản phẩm cá tra từ tháng 9/2023 và liên tiếp ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng sau đó. Sang tháng 12/2023 kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm nhẹ 2% khiến tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 573 triệu USD, giảm đến 20% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng vẫn là thị trường tiêu thụ hàng đầu cá tra từ Việt Nam trong năm qua.
Nhập khẩu cá tra của Trung Quốc trong năm 2023 giảm sâu nên nhiều đại lý tại nước này đang bắt đầu tích trữ và nhập khẩu thêm các sản phẩm cá tra để đáp ứng nhu cầu trước Tết Nguyên đán 2024. Dự báo, năm 2024 nhu cầu từ Trung Quốc sẽ phục hồi tốt hơn. Mặc dù sản phẩm cá tra được sử dụng rộng rãi và ưa thích tại hệ thống nhà hàng ăn uống, tuy nhiên giá xuất khẩu sẽ tiếp tục làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường tỷ dân này.
Tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ trong năm 2023 đạt hơn 271 triệu USD, chiếm tỷ lệ 14,7%, giảm 49,6% so với năm 2022. Tháng 12/2023, xuất khẩu cá tra sang Mỹ lần đầu ghi nhận tăng trưởng dương 21% so với cùng kỳ năm 2022, sau 11 tháng sụt giảm liên tiếp. Câu chuyện với Mỹ - thị trường lớn thứ hai của cá tra Việt Nam chủ yếu do lượng hàng tồn kho tại nước này ở mức quá cao từ đợt nhập khẩu ồ ạt cuối năm 2022. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ liên tục tăng trưởng âm so với cùng kỳ trong suốt năm 2023.
“Bước sang năm 2024, tồn kho tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU không còn là vấn đề. Giá xuất khẩu sẽ tăng trở lại ở các thị trường. Ngoài sản phẩm phile đông lạnh, xu hướng nhập khẩu cá tra giá trị gia tăng và các sản phẩm phụ (bong bóng cá, chả cá tra) tiếp tục tăng”, bà Hằng nói.
Trước các tín hiệu tích cực của thị trường, ngành cá tra đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2024: Diện tích thả nuôi cá tra đạt 5.700ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt khoảng 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2 tỷ USD, tăng 11,11% so với năm 2023.
Để đạt được mục tiêu này, toàn ngành cần tập trung hơn nữa cho việc xây dựng thương hiệu mạnh, chiến dịch tiếp thị nhằm tăng cường sự hiện diện, uy tín của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm cá tra thông qua triển lãm, hội chợ quốc tế, xây dựng mạng lưới đối tác và khách hàng trong, ngoài nước.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP cho rằng, ngành thuỷ sản năm 2024 có nhiều điểm tựa. Song, vẫn sẽ khó khăn trong nửa đầu năm do lượng hàng tồn kho thế giới còn cao, cùng một loại thuỷ sản có nhiều nhà cung cấp, lực cung đang lớn hơn lực cầu. Đối với ngành cá tra, sau dịch COVID-19, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 30%, chi phối 70% giá thành sản phẩm thuỷ sản chủ lực, giá nguyên liệu cá tra hiện nay chỉ đủ trang trải chi phí thức ăn. Hiệu suất và hiệu quả của ngành đang ở mức thấp, gây áp lực lớn cho nông dân, doanh nghiệp.
Năm 2024 dự báo giá xuất khẩu sẽ tăng trở lại, nhưng những căng thẳng trên Biển Đỏ gần đây cũng gây ra không ít khó khăn trong quá trình vận tải, nhất là những thách thức về cước vận chuyển gia tăng. Giá bán đến tay người tiêu dùng tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng.
Doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình, chủ động lên các phương án thích hợp bao gồm cả việc mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và tổn thất khi hàng hóa phải kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyến đường này, hay tìm kiếm thêm các phương thức vận chuyển khác để đảm bảo chuỗi cung ứng.