Nguồn gốc của xoài cát Hòa Lộc là được trồng tại xã Hòa Lộc, quận Giáo Đức, tỉnh Định Tường nay là ấp Hòa, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang nên được mang tên là xoài cát Hòa Lộc. Đây là vùng đất phù sa ven sông nên giàu chất dinh dưỡng, rất thích hợp cho xoài cát Hòa Lộc sinh trưởng và phát triển.
Xoài Cát Hòa Lộc là một đặc sản nổi tiếng của Đồng bằng sông Cửu Long
Xoài cát Hòa Lộc cho năng suất khá ổn định, trung bình khoảng 100kg/cây/năm (cây 10 năm tuổi). Cây có thể cho quả sau 3-4 năm trồng , mùa vụ thu hoạch tập trung từ tháng 3 đến tháng 5 dương lịch, nếu áp dụng các biện pháp xử lý ra hoa sớm thì có thể thu hoạch vào tháng 11 đến tháng 1.
Quả xoài cát Hòa Lộc có trọng lượng trung bình 450 - 600g, dạng quả thuôn dài, bầu tròn phần gần cuống. Lúc quả phát triển đến giai đoạn thành thục có nhiều chấm nhỏ màu nâu xuất hiện trên vỏ quả sau đó lớn dần đồng thời trê n vỏ quả cũ ng có lớp phấn mỏng phủ bên ngoài. Khi chín vỏ quả có màu vàng tươi, thịt quả mịn có màu vàng nhạt, vị ngọ t và có mùi thơm đặc trưng, hạt khá nhỏ, tỷ lệ ăn được hơn 70%.
Xoài cát Hòa Lộc là một trong những giống xoài nổi tiếng nhất ở đồng bằng sông Cửu Long và là một trong những loại quả được ưa chuộng bởi màu sắc hấp dẫn, mùi vị thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Những năm gần đây, xoài cát Hòa Lộc đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con nhân dân hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp.
Xoài cát Hòa Lộc có xuất xứ tại xã Hòa Lộc, quận Giáo Đức, tỉnh Định Tường (nay là ấp Hòa, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang)
Riêng tại Tiền Giang, xoài cát Hòa Lộc được trồng nhiều ở huyện Cái Bè với khoảng hơn một ngàn ha, sản lượng hàng năm khoảng 15.000 tấn, tập trung ở 13 xã gồm Hòa Hưng, An Hữu, An Thái Trung, Tân Hưng, Tân Thanh, Mỹ Lương, An Thái Đông, Mỹ Đức Tây, Mỹ Đức Đông, Thiện Trí, Hòa Khánh, Hậu Thành và Đông Hòa Hiệp. Ngoài ra, nó còn được trồng rải rác ở các huyện khác.
Những năm gần đây do nhu cầu thị trường tăng cao, xoài Cát Hòa Lộc được tiêu thụ mạnh tại Thành Phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc. Xoài Cát Hòa Lộc có vụ giá cao lên đến 23.000 đến 25.000 đồng/kg (loại I), loại II từ 18.000 đến 20.000 đồng/kg.
Để đáp ứng yêu cầu pháp lý trong lưu thông phân phối và quan hệ thương mại trong thời kỳ hội nhập kinh tế, ngày 6/7/2005, Hợp tác xã Hòa Lộc của huyện Cái Bè (Tiền Giang) đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ độc quyền Nhãn hiệu tập thể số 77988; 77989 cho sản phẩm xoài cát Hòa Lộc.
Nhằm bảo vệ tính pháp lý cao nhất cho các sản phẩm đặc trưng mang tên địa danh, năm 2009, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý số 00016 theo QĐ số 1737/QĐ-SHTT theo đơn đăng bạ quốc gia về Chỉ dẫn địa lý xoài cát Hòa Lộc của UBND tỉnh Tiền Giang.
Xoài Cát Hòa Lộc đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính và đầy tiềm năng như Pháp, Hoa Kỳ, Canada, Australia, Nhật Bản, Singapore và Trung Quốc
Với sự thành công này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang tiếp tục triển khai quản lý và phát triển tài sản sở hữu trí tuệ Chỉ dẫn địa lý Hòa Lộc nhằm quảng bá rộng rãi, bảo vệ tính đặc trưng của sản phẩm truyền thống và nâng cao giá trị sản phẩm xoài của Tiền Giang trên thị trường nội địa và quốc tế.
Hiện nay, trên địa bàn huyện đã thành lập được 2 hợp tác xã là Hợp tác xã Hòa Lộc, Hợp tác xã Mỹ Lương và 1 tổ hợp tác xoài Tân Thanh với tổng diện tích trên 60 ha; trong đó, Hợp tác xã Hòa Lộc có quy mô và diện tích lớn nhất, được thành lập từ năm 2002 với 32 xã viên.
Qua hơn 10 năm hoạt động, Hợp tác xã Hòa Lộc đã mở rộng quy mô với hơn 100 xã viên, được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP với diện tích trên 20 ha và đã đầu tư cải tạo, mở rộng diện tích nhà xưởng sơ chế- đóng gói sản phẩm, trang bị một số thiết bị chuyên dụng như bồn rửa trái cây, bồn xử lý nhiệt, bàn phơi trái, kho ủ khí etylen, kho mát... Nhờ đó, trái xoài cát Hòa Lộc đảm bảo về chất lượng, giảm bớt tổn thất sau thu hoạch và tăng thêm giá trị cũng như thời gian bảo quản.
Đồng thời, việc thành lập các tổ chức sản xuất cũng tạo điều kiện thuận lợi để gắn kết với các siêu thị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chế biến và xuất khẩu. Từ đó, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp tăng thu nhập và tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ người trồng xoài cát Hòa Lộc tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đồng thời gắn kết với doanh nghiệp để tạo nên chuỗi giá trị và đảm bảo đầu ra bền vững cho sản phẩm.
Mai Quỳnh