Vườn Quốc gia Ba vì được mệnh danh là “lá phổi xanh” của thủ đô
Nằm cách thủ đô Hà Nội 60km về phía Tây, Vườn Quốc gia Ba Vì là một trong những khu bảo tồn, thăm quan, giải trí đẹp, thuộc xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Nơi đây phong cảnh ngoạn mục, cảnh sắc thiên nhiên hòa quyện với con người.
Do địa hình núi cao, độ che phủ của rừng lớn tạo cho vùng Ba Vì có khí hậu rất mát mẻ, nhất là vào mùa hè (từ tháng 4 đến tháng 10 dương lịch). Về mùa đông, mây mù bao phủ tạo một cảnh quan rất ấn tượng. Ba Vì là một quần thể núi gồm 6 đỉnh, cao nhất là đỉnh Vua cao 1.296m, đỉnh Tản Viên cao 1.227m, đỉnh Ngọc Hoa cao 1.131m…
Vườn Quốc gia Ba Vì không chỉ được mệnh danh là Lá phổi của thủ đô Hà Nội mà còn là nơi sinh sống của hàng trăm loài động vật hoang dã, có rất nhiều loài quý, hiếm có tên trong Sách đỏ của Việt Nam.
Thảm thực vật phong phú, đa dạng trên độ cao hơn 1000m
Thảm thực vật được ví như bộ khung chính của một hệ sinh thái trên cạn, có vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Đa dạng thảm thực vật và sự biến đổi của thực vật theo độ cao tại Vườn quốc gia Ba Vì với 3 kiểu rừng: Rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới; rừng kín thường xanh hỗn giao cây lá rộng và cây lá kim á nhiệt đới và kiểu rừng lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới trên núi thấp.
Núi Ba Vì với 2 đai cao nên hệ thực vật nơi đây khá phong phú và đa dạng, đã ghi nhận 1209 loài thực vật bậc cao thuộc 99 họ, 472 chi với nhiều loài cây quý hiếm như bách xanh, thông tre, sến mật, giổi lá bạc, quyết thân gỗ, bát giác liên. Ngoài ra, tại VQG cũng đã thống kê được 503 loài cây làm thuốc.
Theo danh mục thực vật đã được thu thập mẫu và kết quả điều tra bổ sung, cho tới nay Vườn Quốc gia Ba Vì có 1201 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 649 chi và 160 họ. như vậy, qua kết quả nghiên cứu mới nhất đã khẳng định sự phong phú đa dạng loài thực vật của vườn. So với kết quả điều tra năm 1998, số họ thực vật phát hiện mới tăng 61 họ, số chi tăng 177 chi và số loài tăng 389 loài.
Trong đó cây thuốc có tới 503 loài thuộc 118 họ, 321 chi chữa 33 loại bệnh và chứng bệnh khác nhau trong đó có nhiều loài thuốc quý như: Hoa tiên (Asarum maximum), Huyết đằng (Sargentodoxa cuneata), Bát giác liên (Podophyllum tonkiensis), Râu hùm (Tacca chantrieri), Hoàng đằng (Fibraurea tinctoria)…
Cây Râu hùm (Tacca chantrieri), 1 trong những cây thuốc quý trong Vườn quốc gia
Theo kết quả điều tra bổ sung mới nhất, khu hệ động vật có xương sống ở Vườn Quốc gia Ba Vì thống kê được 342 loài, trong đó có 65 loài thú, 169 loài chim, 30 loài bò sát, 27 loài lưỡng cư. Yếu tố đặc hữu của khu hệ động vật có xương sống ở Ba Vì là 2 lớp bò sát (thằn lằn) và lưỡng thê (ếch vạch). Nhóm động vật quý, hiếm ở Vườn Quốc gia Ba Vì có 66 loài, phần lớn là loài động vật rừng nhỏ, hoặc trung bình, tiêu biểu như cầy vằn, cầy mực, cầy gấm, beo lửa, sơn dương, sóc bay, gà lôi trắng, yểng quạ, khướu bạc má… và các loài đặc hữu hẹp hiện có ở Vườn Quốc gia Ba Vì.
Về các loài côn trùng, kết quả điều tra chuyên đề của VQG đã phát hiện được 552 loài côn trùng thuộc 364 giống, 65 họ, 14 bộ, trong đó có 7 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam gồm bọ ngựa xanh thường , cà cuống, bướm khế, ngài mặt trăng, bướm rồng đuôi trắng, bướm phượng Hêlen, bướm đuôi kiếm. Hệ côn trùng ở Vườn đã tạo nên sự phong phú, đa dạng loài và làm nổi trội giá trị thiên nhiên của Vườn Quốc gia Ba Vì.
Nhờ được sự ưu ái của thiên nhiên về địa hình, khí hậu đã tạo cho Vườn Quốc gia Ba Vì trở thành một trong bốn khu du lịch sinh thái vùng núi cao nổi tiếng (Đà Lạt, Sa Pa, Ba Vì, Tam Đảo). Không những thế, vùng núi Ba Vì còn là nơi du lịch tâm linh của người Việt. Hàng năm, Vườn Quốc gia Ba Vì đón vài chục nghìn lượt người đến tham quan và học tập. Đến đây, mọi người sẽ được tận hưởng không khí trong lành mát dịu; hương vị của núi rừng, cây cối; chim hót và suối reo hai bên đường.
Yên Thư