![]() |
Việt Nam chi gần 6,8 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu |
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 3,8 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu ngô và đậu tương lần lượt ở mức 2 tỷ USD và 934 triệu USD, giảm 14% và giảm 4% so với cùng kỳ.
Cục Chăn nuôi cho biết tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu các loại, cám các loại, bột cá…) của toàn ngành chăn nuôi của Việt Nam khoảng 33 triệu tấn/năm, chủ yếu dùng cho chăn nuôi heo và gia cầm.
Để đáp ứng nhu cầu này, Việt Nam cần số lượng rất lớn nguyên liệu thức ăn tinh, trong khi năng lực sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 13 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 35% tổng nhu cầu, số còn lại từ nguồn nhập khẩu.
Các sản phẩm chính của ngành trồng trọt có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi gồm 42,8 triệu tấn thóc (chủ yếu dùng tấm, cám); 4,6 triệu tấn ngô hạt; 10,5 triệu tấn sắn tươi; 65.400 tấn đậu tương.
Đối với chất phụ gia và thức ăn bổ sung chính như vitamin, axit amin..., Việt Nam phải nhập khẩu tới 80% do không có công nghệ sản xuất, thị trường tiêu thụ nhỏ nên không thu hút được đầu tư.
Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước chỉ sản xuất được một lượng nhỏ thức ăn bổ sung khoáng, chế phẩm vi sinh và thảo dược.
Theo Cục Chăn nuôi, cả nước hiện có 269 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp dạng hỗn hợp hoàn chỉnh với tổng công suất thiết kế đạt 43,2 triệu tấn.
Trong đó, 90 nhà máy thuộc sở hữu của doanh nghiệp FDI, chiếm 51% về công suất thiết kế, còn lại 179 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước, chiếm gần 49% về công suất.
![]() |
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu và thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước, Cục Chăn nuôi đã phát hiện và lập 08 Biên bản vi phạm hành chính đối với 08 đơn vị và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với những đơn vị này với tổng số tiền phạt 153 triệu đồng.
Đối với thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, Cục Chăn nuôi phát hiện 04 đơn vị có hành vi nhập khẩu thức ăn chăn nuôi có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng; 02 đơn vị có hành vi cố ý sửa chữa làm sai lệch nội dung trong hồ sơ đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Qua đó, Cục đã lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị này với số tiền phạt là 137 triệu đồng. Đồng thời, buộc tiêu hủy 2 lô thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; buộc tái xuất 1 lô thức ăn chăn nuôi; buộc sửa đổi thông tin chất lượng trên nhãn sản phẩm thức ăn chăn nuôi hoặc tài liệu kỹ thuật kèm theo lô sản phẩm thức ăn chăn nuôi 1 lô.
Đối với thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước, Cục Chăn nuôi phát hiện 2 đơn vị có hành vi sản xuất thức ăn chăn nuôi có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng (2 đơn vị này được phát hiện từ cuối năm 2022, xử lý vi phạm hành chính đầu năm 2023), đã lập Biên bản vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 đơn vị này với số tiền phạt là 16.000.000 đồng.
Cục Chăn nuôi nhận đinh, công tác kiểm tra giám sát chất lượng thức ăn chăn nuôi nhất là thức ăn sản xuất trong nước, thức ăn nhập khẩu thuộc diện hậu kiểm và miễn kiểm tra chưa được quan tâm nhiều ở các cấp địa phương và trung ương. Việc kiểm tra giám sát hoạt động của các đơn vị được chỉ định cũng chưa được thường xuyên.
Do đó, trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới, có biện pháp chỉ đạo kịp thời nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi trong bối cảnh giá vật tư đầu vào ở mức cao và đảm bảo về chất lượng thức ăn chăn nuôi.
Đồng thời, triển khai công tác quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, kiểm soát sử dụng chất cấm, kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi. Tăng cường giám sát quản lý chất lượng vật tư lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là kiểm soát an toàn thực phẩm.