Vì sao thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu sắn Việt Nam? |
Nhu cầu nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc liên tục giảm
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tháng 11 ước đạt 230.000 tấn và 88,5 triệu USD. Lũy kế đến hết tháng 11, nước ta đã xuất khẩu hơn 2,3 triệu tấn sắn và sản phẩm sắn các loại, thu về hơn 1,04 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu giảm 12,9% về lượng và giá trị giảm 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn bình quân 11 tháng năm 2024 ước đạt 449,3 USD/tấn.
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 10/2024 đạt 150.000 tấn, đem về 69,5 triệu USD. Luỹ kế 10 tháng năm 2024, tổng khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt gần 2,1 triệu tấn, với kim ngạch 948,7 triệu USD, giảm 13,8% về khối lượng và giảm 7,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn bình quân 10 tháng năm 2024 ước đạt 459 USD/tấn, tăng 7,1% so với cùng năm 2023. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 91,3% thị phần, giảm 9,2% về khối lượng và giảm 0,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Nhu cầu sắn lát của của thị trường Trung Quốc vẫn đang tiếp tục xu hướng giảm và đã kéo dài từ năm 2023 đến nay. Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu hơn 5,61 triệu tấn sắn lát, trị giá 1,55 tỷ USD, giảm 21% về lượng và giảm 24% về trị giá so với năm 2022. Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh nhập khẩu sắn lát. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 1,89 triệu tấn sắn lát, trị giá 482 triệu USD, giảm 60% về lượng và giảm 63% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Nigeria là 5 thị trường cung cấp sắn lát cho Trung Quốc. Lượng sắn lát nhập khẩu của Trung Quốc từ Thái Lan, Việt Nam và Nigeria tiếp tục giảm mạnh, trong khi nhập khẩu từ Lào và Campuchia tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 8 tháng năm 2024, dù vẫn là thị trường cung cấp sắn lát lớn thứ hai cho Trung Quốc, nhưng sắn lát Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc chỉ đạt 308.000 tấn, trị giá 79 triệu USD, giảm 47% về lượng và giảm 49% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Đâu là nguyên nhân?
Nông dân Cao Bằng thu hoạch sắn. |
Nguyên nhân Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh nhập khẩu sắn lát là do giá ngô thấp nên các nhà máy chế biến sắn tăng tỷ lệ sử dụng ngô thay cho sắn lát.
Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc cũng giảm liên tục, giá tinh bột sắn chào bán về các cảng chính của Trung Quốc đều ở mức thấp... Điều này khiến cho giá sắn Việt Nam liên tục giảm sâu trong thời gian gần đây.
Ngày 9/12, các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn ở mức giá giảm 10 USD/tấn so với tuần trước, trong khoảng 425 - 435 USD/tấn với giao hàng trên tàu tại cảng Hồ Chí Minh.
Theo VCA, mặc dù giá sắn tại Việt Nam đã giảm sâu, nhưng nhu cầu mua hàng từ các nhà máy Trung Quốc vẫn rất chậm, nhiều nhà máy rơi vào tình trạng đóng máy tại thời điểm chính vụ. Một số đơn vị kinh doanh xuất khẩu tinh bột sắn nhận định rằng, nguyên nhân sụt giảm có thể là do nhu cầu của Trung Quốc suy giảm, chuyển dịch công xưởng từ Trung Quốc qua các nước ASEAN…
VCA dự báo thị trường sắn lát vụ 2024-2025 sẽ tiếp tục có xu hướng giảm cả giá và nhu cầu. Các đơn vị kinh doanh sắn lát vụ 2024-2025 có thể sẽ tập trung thu mua sắn lát theo tiêu chuẩn làm thức ăn chăn nuôi thay vì mua số lượng lớn hàng dùng cho nhà máy sản xuất cồn.
Để trợ lực ngành sắn, năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Mục tiêu đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5 - 12,5 triệu tấn; trong đó, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính) chiếm khoảng 85%; diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%; diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%. Phấn đấu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8 - 2,0 tỷ USD.