Bánh đa nem Trung Hà - Tiến Thịnh nức tiếng khắp cả nước chứ không chỉ riêng gì ở vùng đất cổ Mê Linh này. Dẫu có lúc thăng, lúc trầm nhưng những chiếc bánh đa ấy vẫn luôn tồn tại với thời gian và ngày càng xây dựng được chỗ đứng cho riêng mình trên thị trường cả nước.
Đã từ lâu bằng đôi bàn tay khéo léo và sự chịu khó của mình người dân làng Trung Hạ đã làm ra loại sản phẩm mang đậm hương vị riêng của quê nhà, đó là những chiếc bánh đa nem. Những chiếc bánh đa ấy đã một phần mang lại cuộc sống sung túc hơn cho nhiều hộ gia đình, đồng thời nó cũng làm nên sức sống cho một làng nghề nghèo tiền mà không nghèo tình.
Những chòng bánh đa nem được người dân phơi trên những con đường, hẻm ngõ từ đầu làng đến cuối làng
Gian nan giữ lửa làng nghề
Ghé thăm cơ sở sản xuất của anh Phan Văn Thuận, một trong những người đầu tiên bước vào nghề tráng bánh đa nem của làng Trung Hà. Gọi là cơ sở thế thôi nhưng thật ra anh Thuận vẫn sản xuất bánh đa nem theo kiểu hộ gia đình.
Tầm đầu giờ chiều anh đang tất bật đóng gói sản phẩm để những thương nhân đến lấy hàng chuyển đi tiêu thụ. Dù bận rộn nhưng khuôn mặt anh luôn toát lên một nét đẹp lao động.
Anh Thuận chia sẻ: “Bánh đa nem làng chúng tôi hoàn toàn làm bằng bột gạo tự nhiên. Mà phải là loại gạo Khang Dân hay Quy Năm thì làm mới ngon, bánh mới đạt tiêu chuẩn, còn những thứ gạo dẻo khác thì lại cho thành phẩm không được như mong muốn.”
Kể về màu sắc vàng ruộm bắt mắt của những chiếc bánh đa nem anh nói chỉ cần cho một chút kẹo đắng thì bánh sẽ lên màu đẹp như vậy. Khi gói rán thì nem sẽ giòn, màu sắc sẽ đẹp hơn. Hiện nay, thì người dùng thường ưa chuộng bánh đa vàng hơn bánh đa trắng truyền thống.
Khuôn mặt vui tươi, hiện lên đâu đó là nét đẹp lao động của anh Phan Văn Thuận khi đang đóng gói, hoàn thiện sản phẩm bánh đa nem để đưa đi tiêu thụ
Chia sẻ về công việc làm bánh của gia đình anh nói: “Tôi làm nghề từ những năm tuổi còn đôi mươi, vậy là tính ra gắn bó với nghề này cũng được 30 năm rồi. Khó khăn, vất vả lắm chứ cô. Nhất là những ngày đầu khi mẻ bánh đa nem đầu tiên ra mắt trên thị trường mọi người không đón nhận. Họ bảo sao bánh được làm 100% từ bột gạo tẻ tự nhiên mà lại dẻo, màu sắc thì đẹp mắt như vậy được.”
Nhiều lúc khó khăn, sản phẩm làm ra không bán được, anh cũng tính đến chuyện bỏ nghề. Nhưng rồi lại nghĩ, mình không làm thì ai làm, ai sẽ duy trì cái nghề truyền thống của cha ông ở cái làng quê này. Cũng phải mất một thời gian rất lâu sau đó sản phẩm bánh đa nem của người dân làng Trung Hà mới được người tiêu dùng đón nhận.
Kết quả, đến nay anh đã làm đến 80 - 100 cân gạo, xuất ra thị trường gần 100 cân bánh đa mỗi ngày. Thậm chí, những ngày cận tết con số này có thể nhiều hơn do nhu sức mua và nhu cầu của thị trường lớn. Chính điều đó đã giúp ảnh đảm bảo kinh tế hơn, cũng như giải quyết việc làm cho vài công nhân lao động mỗi ngày. Đây cũng chính là động lực lớn để anh giữ lửa cho nghề.
Làm bánh đa nem rất vất vả, nếu không thật sự yêu nghề thì rất khó để duy trì
Thời gian gần đây, nhờ biết áp dụng công nghệ vào sản xuất nên công việc tráng bánh đa nem dường như đã nhàn hơn trước rất nhiều. Người dân đã sử dụng máy tráng bánh thay vì tráng thủ công bằng tay như trước đây, qua đó tiết kiệm được thời gian cũng như công sức cho nhiều hộ dân làm nghề tại làng Trung Hà.
Để làm ra những chiếc bánh đa nem thơm phức phục vụ cho các món ăn của người Việt, người làm bánh phải rất kỳ công và vất vả. Bánh phải trải qua nhiều công đoạn như tạo bột, rây bột, tráng qua khuôn phim, sau đó qua lò hấp chín rồi mới đến công đoạn phơi khô. Phơi khô xong thì phải cắt gọt cho vuông vắn rồi mới có thể đem bán.
Để làm ra được những chiếc bánh ấy anh Thuận cũng như những người làm bánh làng Trung Hà phải dậy từ tờ mờ sớm. Bánh được làm ra qua các công đoạn đều phải thật kỹ lưỡng, đảm bảo vệ sinh, đảm bảo thời gian và phụ thuộc nhiều vào cả thời tiết trong quá trình phơi khô. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác mới có thể tạo ra sản phẩm đạt yêu cầu đẹp về hình thức và chuẩn về chất lượng. Được tận mắt chứng kiến, theo chân anh Thuận làm việc, tôi mới thấu hiểu được nỗi cơ cực ấy.
Duy trì, đẩy mạnh phát triển xây dựng thương hiệu làng nghề bánh đa nem Trung Hà
Năm 2017, cùng với nhiều làng khác tại huyện Mê Linh làng nghề bánh đa nem truyền thống Trung Hà đã vinh dự được đón nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống của Hà Nội” được UBND thành phố trao tặng.
Được biết thôn Trung Hà hiện tại có khoảng 562 hộ thì có tới hơn 326 hộ làm bánh đa nem
Để đảm bảo và duy trì làng nghề truyền thống bánh đa nem phát triển, ông Phan Văn Thịnh, trưởng thôn Trung Hà cho biết: Trong những năm qua các cấp Ủy Đảng, chính quyền từ xã tới thôn luôn quan tâm đến phát triển thương hiệu sản phẩm, nguồn cung cấp gạo làm bánh, tận dụng lao động sẵn có của địa phương, đặc biệt là quan tâm hơn đến môi trường khu dân cư. Để từ đó các hộ gia đình yên tâm sản xuất để đảm bảo bánh đa nem được thị trường trong cả nước tin dùng.
Hiện nay, dưới sự quan tâm của Thành phố, sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp làm bộ mặt nông thôn xã có nhiều thay đổi; thương hiệu làng nghề bánh đa nem thôn Trung Hà xã Tiến Thịnh tiếp tục được duy trì và phát triển, góp phần quan trọng ổn định kinh tế, xã hội ở địa phương.
Bên cạnh đó, để duy trì và phát triển quy mô làng nghề sâu rộng hơn nữa, xã Tiến Thịnh tiếp tục mong muốn được các cấp có chính quyền quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề bánh đa nem Trung Hà để quảng bá và xúc tiến thương mại; thực hiện chương trình khuyến nông, khuyến công tạo điều kiện cho nhân dân phát triển làng nghề, đa dạng sản phẩm, sản xuất hàng hóa theo hướng chất lượng cao, mở rộng thị trường… giúp tăng thu nhập kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, ổn định phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Lê Thoa