Cây gừng trâu là loại cây chịu được khô hạn, phát triển khá tốt, phù hợp với vùng cao Lục Khu (Cao Bằng). |
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình anh Hoàng Văn Nam ở xóm Thượng Sơn, xã Thượng Thôn (huyện Hà Quảng, Cao Bằng) đang tích cực trồng hết gần 300 kg gừng giống để kịp thu hoạch và bán sản phẩm vào dịp giáp Tết Nguyên đán năm sau. Nơi gia đình anh trồng gừng trâu trước đây vốn là thung lũng đá tai mèo, bỏ hoang nhiều năm.
Từ năm 2017, khi chính quyền địa phương vận động, gia đình anh đã khai hoang để trồng gừng hữu cơ, ký kết bán sản phẩm cho doanh nghiệp xuất khẩu. Không chỉ vậy, người dân còn được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc đúng quy trình, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học mà chỉ bón phân vi sinh, ủ phân chuồng, phân xanh chăm bón cây trồng. Sau 5 năm tham gia mô hình, gia đình anh Nam không chỉ có của ăn, của để mà còn tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất. Trồng gừng không quá vất vả, nhưng lợi nhuận lại cao hơn nhiều so với trồng ngô, đỗ tương.
Người dân xóm Lũng Rẩu, xã Vân An (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) trồng gừng trâu mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Lục Khu là tên gọi chung của 12 xã đặc biệt khó khăn của huyện Hà Quảng như Thượng Thôn, Nội Thôn, Cải Viên, Lũng Nặm, Kéo Yên, Tổng Cọt... Nơi đây có nhiều bà con dân tộc Nùng sinh sống.
Tuy khó khăn về nước sinh hoạt, bốn bề là núi đá vôi, song vùng Lục Khu có nhiều tiềm năng nông nghiệp. Bên cạnh các loại cây trồng truyền thống như ngô, lạc, đỗ… thì bà con ở đây còn trồng gừng trâu. Đây là cây trồng có khả năng chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, có thể trồng trên đất rẫy, khe đá, rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và điều kiện sản xuất của địa phương.
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp để phù hợp với địa hình và điều kiện thiên nhiên ở các xã của Lục Khu, năm 2016 chính quyền huyện Hà Quảng đã vận động người dân khai hoang để phát triển trồng trọt, trong đó ưu tiên phát triển trồng gừng làm cây mũi nhọn. Cũng thời điểm này, một công ty phát triển nông nghiệp và tư vấn môi trường có trụ sở tại Hà Nội đã đến khảo sát và đánh giá vùng đất Lục Khu rất phù hợp để trồng gừng hữu cơ.
Sau giai đoạn đầu trồng thử nghiệm thành công, công ty này đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi sang trồng gừng, dần dần đã thành lập các tổ hợp tác để trao đổi kỹ thuật, giúp đỡ nhau trong sản xuất. Điển hình, năm 2018, tại huyện Hà Quảng có khoảng 1.000 hộ trồng 80ha gừng, tập trung tại 4 xã Cải Viên, Vân An, Nội Thôn, Lũng Nặm, với năng suất khoảng 20 tấn/ha.
Tại xã Thượng Thôn, nếu như năm 2018 mới có hơn 200 hộ trồng hơn 8 ha gừng trâu, sản lượng đạt khoảng 120 tấn, thì đến năm 2022, diện tích gừng trồng được đã tăng gần gấp 4 lần, đạt 30 ha, năng suất đạt 170 tạ/ha, sản lượng đạt 365,5 tấn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm từ 3 - 5% trở lên/năm. Với những kết quả tích cực đã đạt được, xã Thượng Thôn xác định gừng trâu là cây trồng mũi nhọn để giảm nghèo.
Người dân vùng cao Lục Khu Hà Quảng trồng gừng trâu. |
Gừng trâu là giống gừng cho củ lớn, trọng lượng 100gram trở lên. Củ gừng trâu ít nhánh, có vân nhạt, không cay và nhiều xơ như gừng sẻ, nhưng nhiều nước và thân mập. Gừng trâu được dùng nhiều trong sản xuất mứt, bánh kẹo, sản xuất trà gừng…
Được biết, để xây dựng chiến lược vùng nguyên liệu gừng hữu cơ, huyện Hà Quảng đã xác định mục tiêu đến năm 2025 mở rộng diện tích lên 500ha và đến năm 2030 là 1.000 ha.
Việc đẩy mạnh phát triển cây gừng theo hướng hàng hóa, hình thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng, đã nâng cao thu nhập cho bà con nông dân vùng Lục Khu. Sau khi thu mua của bà con, gừng được chuyển về nhà máy chế biến, chiết xuất tinh dầu và xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản… Trồng gừng trâu đã được huyện Hà Quảng coi đây là cây xóa đói giảm nghèo./.