Yên Hợp là xã miền núi có gần 100% đồng bào Thái sinh sống. Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Đảng ủy, Uỷ ban nhân dân (UBND) xã Yên Hợp xác định những nội dung liên quan đến tạo sinh kế, nâng cao đời sống Nhân dân được ưu tiên làm trước.
Xã Yên Hợp nhận thấy, có Tiểu dự án 2 ở Dự án 3 có mục đầu tư cho phát triển mô hình cây dược liệu để tạo sinh kế cho đồng bào. Địa phương có sẵn tiềm năng lợi thế về cây dược liệu, hơn nữa người Thái ở Yên Hợp, lâu nay cũng có truyền thống trong khai thác và sơ chế nhiều loại dược liệu tự nhiên. Từ đó, một đề án phát triển theo chuỗi giá trị về cây dược liệu được xây dựng và triển khai...
Bà Lá Thị Lan ở xóm Hợp Thành, xã Yên Hợp (Quỳ Hợp) đang chăm sóc vườn dược liệu của gia đình mình. |
Tháng 8 năm 2022, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc cùng với sự giúp sức của nhiều phòng ban chuyên môn cấp huyện, Đề án phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị được xây dựng ở xã miền núi Yên Hợp ra đời. Nguồn vốn từ Chương trình, với tổng kinh phí hỗ trợ trồng cây dược liệu theo quy trình là 300 triệu đồng.
Trong đó, phân chia tỷ lệ % hỗ trợ các bước trong quy trình rõ ràng như hỗ trợ phân bón 80%; hỗ trợ thuê người hướng dẫn kỹ thuật cho đồng bào trồng dược liệu 10%.... Hơn 5ha cây dược liệu bao gồm các loại: Cà gai leo; cây lá khôi tím, cây xạ đen, cây bách bộ và cả rau má được người Thái ở Yên Hợp trồng theo quy mô kế hoạch của Đề án.
Nhờ phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nên cây dược liệu phát triển rất tốt. Sau 9 tháng trồng và chăm sóc theo quy trình chuẩn hữu cơ, nhiều hộ gia đình người Thái ở Yên Hợp đã có thu nhập khá từ vườn của gia đình.
Bà Lá Thị Lan ở xóm Hợp Thành, xã Yên Hợp (Quỳ Hợp) là một điển hình. Gia đình bà Lan bắt đầu đưa các loại dược liệu quý ở rừng về trồng trong vườn nhà như: Cà gai leo, Xạ đen, Dây thìa canh, Bách bộ, Trinh nữ hoàng cung, Rau má… Theo đề án phát triển cây dược liệu của xã. Trên diện tích đất vườn gần 1.000 m2 bà Lan chia ra thành nhiều khoảnh khác nhau, chỗ vườn thoáng mát thì trồng rau má, cây dây thìa canh; dưới tán cây ăn quả bà trồng cây Bách bộ, cây Trinh nữ hoàng cung, dọc bờ ao, ven theo bờ rào bà trồng cây Cà gai leo...
Cây dược liệu của đồng bào Thái ở xã Yên Hợp được Hợp tác xã Nông dược Tĩnh Sáng Đường bao tiêu và nhập về chế biến theo tiêu chuẩn của đề án. |
“Trồng dược liệu theo đề án không sử dụng phân bón, thuốc hóa học. Chỉ sử dụng phân chuồng, khai thác thủ công theo hướng dẫn của cán bộ xã và đơn vị bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, gia đình đã cắt bán được 2 lứa rau má, mỗi lứa 2 tạ. Với giá bán 15.000 đồng/kg, gia đình tôi thu về 3 triệu đồng. Ngoài ra, dây thìa canh, cà gai leo cũng bắt đầu cho thu hoạch”, bà Lá Thị Lan chia sẻ.
Hộ ông Đinh Trọng Sơn ở xóm Cầu Đá, xã Yên Hợp cũng là một trong những hộ gia đình được chọn để triển khai dự án trồng thảo dược theo chuỗi giá trị ở xã. Ông bắt tay cải tạo lại vườn tạp, trồng 2 sào cà gai leo. Đến nay, đã cho thu hoạch 3 lứa, tổng cộng được 1,8 tấn dược liệu. Toàn bộ số cà gai leo nói trên của gia đình ông Sơn được Hợp tác xã Nông dược Tĩnh Sáng Đường đóng trên địa bàn thu mua tại vườn với giá 10.000 đồng/kg.
Còn ông Lã Văn Dụng cùng các thành viên trong gia đình chọn hướng đi mới bằng cách thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông dược Tĩnh Sáng Đường. HTX chọn hướng làm ăn bao tiêu sản phẩm cây trồng dược liệu cho đồng bào ở địa phương mình, từ đó kinh doanh theo chuỗi với mong muốn đưa nguyên vẹn dược tính của nhiều cây quý đến với người tiêu dùng.
Ngoài ra, HTX Nông dược Tĩnh Sáng Đường còn xây dựng mô hình trồng cây dược liệu với diện tích 10ha. Điều này góp phần tạo công ăn việc làm cho đồng bào người Thái trên mảnh đất quê hương. Hơn nữa, đây cũng là mô hình trực quan sinh động để đồng bào thực hiện thành công đề án Phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị mà địa phương Yên Hợp đang xây dựng.
HTX được đầu tư bài bản, hoàn chỉnh nhà máy, dây chuyền chế biến thảo dược từ khâu chọn nguyên liệu đến phòng phơi sấy vô trùng. Những máy móc rang xay, nghiền bột….đều được đầu tư hiện đại. Cơ bản cán bộ, công nhân đang làm việc tại HTX Nông dược Tĩnh Sáng đường đều là người dân địa phương và đều là người Thái.
Nhiều lao động người đồng bàoThái ở xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp phấn khởi vì có công ăn việc làm ưng ý, thu nhập ổn định ngay trên chính mảnh đất quê hương. |
HTX hiện nay đã đủ năng lực bao tiêu đầu ra sản phẩm trồng cây dược liệu cho bà con toàn xã Yên Hợp. Đồng thời đang có nhiều sản phẩm đạt OCOP như Trà lọc xạ đen, Mật ong Tính Sáng Đường… cung cấp ra thị trường tỉnh Nghệ An và trên cả nước.
Ông Quáng Vi Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: “Trong Chương trình mục tiêu Quốc gia, mục tiêu tạo sinh kế luôn được chúng tôi quan tâm thực hiện. Mô hình phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị tuy mới được triển khai ở xã Yên Hợp, nhưng đã cho thấy hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế. Từ mô hình này, chúng tôi sẽ nghiên cứu, rút kinh nghiệm để mở rộng quy mô trên diện rộng trong thời gian tới".
Thiết nghĩ, để mô hình này phát triển mang tính bền vững cần hoàn thiện hơn nữa về quy hoạch đến diện tích của từng loại cây dược liệu. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng như Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh... và chính quyền địa phương từ huyện đến xã cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và các hộ gia đình tích cực quảng bá thương hiệu, tiếp cận các hoạt động maketing như đưa sản phẩm đi tham gia các hội chợ, hội nghị, hội thảo, diễn đàn nông nghiệp trong tỉnh, trong nước và quốc tế để tìm đầu ra ổn định, thường xuyên, nâng cao giá trị cho các sản phẩm, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào, phát huy hiệu quả của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.