Quả lê Tai nung hình tròn, vỏ màu xanh phớt hồng |
Quả lê Tai Nung hình tròn, vỏ màu xanh phớt hồng, thịt quả trắng, hương vị thơm nhẹ thoang thoảng, nhiều nước, ăn có vị ngọt mát nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng trong mùa hè. Lê Tai Nung được dùng để ép nước uống hoặc làm salad đều rất phù hợp.
Tháng 7, tháng 8 hằng năm là mùa thu hoạch lê Tai Nung. Bởi thế đến Bắc Hà, Bát Xát và Si Ma Cai dịp này, du khách sẽ có cơ hội được thưởng thức những quả lê tươi ngon ngay tại vườn. Bên cạnh đó, trái lê Tai Nung cũng được phân phối tới các miền, được bán tại các chợ truyền thống, siêu thị và các sàn thương mại điện tử.
Nông dân xã Phiêng Khoài (Yên Châu) chia sẻ kinh nghiệm trồng giống lê Tai Nung |
Gia đình chị Đinh Thị Mây bản Cồn Huốt 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La) là hộ đầu tiên của xã Phiêng Khoài đưa giống lê Tai Nung vào trồng. Năm 2014, qua tìm hiểu trên sách báo và trực tiếp tham quan mô hình trồng lê của một người bạn ở tỉnh Lào Cai, chị Mây quyết định trồng 1.000 gốc lê; sau 3 năm, cây ra quả sai trĩu, quả to tròn, ngọt đậm và giòn… Ngay vụ bói quả đầu tiên, nhà chị Mây thu trên 7 tạ quả và bán 40.000 đồng/kg, thu gần 30 triệu đồng. Chị Mây phấn khởi: Hiện, 6 ha lê của gia đình tôi thu hơn 20 tấn quả/năm, khách hàng đến thu mua đều khen lê ngon, ngọt. Lê bán cho thương lái được chia làm 3 loại, loại 1 từ 3-4 quả/1 kg giá 50-60 nghìn đồng; loại 2 từ 5-6 quả/kg giá 30-40 nghìn đồng; còn loại 3 bán xô từ 20-25 nghìn đồng/kg, dự kiến cả vụ lê năm nay, gia đình tôi thu trên 800 triệu đồng.
Từ những kết quả khả quan ban đầu, xã Phiêng Khoài đã tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi diện tích cây ngắn ngày hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây lê; tổ chức cho nhiều hộ tham quan học tập mô hình trồng lê tại bản Cồn Huốt 1 để nhân rộng. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc lê. Lồng ghép các chương trình, dự án của Nhà nước hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình trồng cây lê. Năm 2019, từ Chương trình 135 của Chính phủ đã hỗ trợ tiền mua cây giống hỗ trợ cho các hộ nghèo trồng 30 ha lê Tai Nung, đến nay, toàn xã đã trồng mới 60 ha lê (11 ha đã cho thu hoạch) tập trung tại các bản: Cồn Huốt 1, Thanh Yên 1, Thanh Yên 2, Quỳnh Chung, Kim Chung 3.
Nhận thấy trồng lê Tai Nung cho hiệu quả kinh tế cao, năm 2019, anh Phan Đình Sơn, bản Thanh Yên 2 đã học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng thử nghiệm 1 ha. Anh Sơn chia sẻ: Thời gian đầu, cây lê chưa cho thu hoạch, tôi trồng xen lạc, đậu, đỗ để tăng thêm thu nhập. Năm nay, 1 ha lê bói quả, được hơn 1 tấn; gia đình tôi thu hoạch đến đâu, thương lái đến tận vườn mua với giá 50 nghìn đồng/kg, trừ chi phí còn lãi hơn 40 triệu đồng; hiện nay, gia đình tôi đã nhân rộng cây lê trồng kín 5 ha đất của gia đình.
Theo kinh nghiệm của những người trồng lê, để quả lê đạt chất lượng, năng suất cao, phải tuân thủ kỹ thuật chăm bón, tạo tán, tỉa quả. Lê là loại cây dễ trồng, ưa đất ẩm, từ khi đậu quả đến lúc thu hoạch phải bổ sung nước, nếu đủ nước thì quả to, da căng mỏng, vỏ màu vàng xanh bóng đẹp, nhiều nước, giòn, ngọt. Ngược lại, nếu thiếu nước trong thời kỳ phát triển thì quả sẽ bị héo và rụng. Bên cạnh đó, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khi quả bắt đầu 3 tuần tuổi, phải bọc trái để quả có mẫu mã đẹp, không bị nám hay thối rụng do bị ruồi vàng chích.
Lê Tai Nung là cây trồng duy trì thời gian cho quả gần 10 năm. Nếu chăm sóc tốt, năng suất bình quân mỗi năm một gốc thu khoảng 35-50 kg (3-4 tấn/ha, tính trung bình 40.000 đồng/kg, thu trên 150 triệu đồng/ha). Thời gian thu hoạch khoảng tháng 6 đến hết tháng 7 sẽ tiến hành đốn bỏ cành và thu dọn vườn để chuẩn bị đón vụ mới. Sau mỗi lần đốn cành phải tưới nước, bón phân đầy đủ để kích thích cây phát triển.
Anh Thào Seo Lìn chăm sóc những cây lê Tai Nung |
Anh Thào Seo Lìn, thôn Máo Choá Sủ, Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) cũng là người thành công với mô hình trồng lê Tai nung.
Sau khi tốt nghiệp Khoa Nông - Lâm - Ngư của trường Đại học Hùng Vương anh trở thành một trong những đội viên Dự án trí thức trẻ theo Nghị quyết 30A về công tác tại xã Bản Sen.
Và anh kỳ vọng với kiến thức mình đã được đào tạo tại môi trường Đại học sẽ góp phần giúp đồng bào mình thay đổi tư duy và mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thế rồi năm 2018, anh từ bỏ công việc ổn định tại cơ quan nhà nước và trở về địa phương khởi nghiệp bằng chính lĩnh vực nông nghiệp đầy may rủi.
Bước đầu, anh nhận thấy cây lê Tai Nung đã được nghiên cứu và trồng thử nghiệm thành công tại Trung tâm giống rau quả huyện Bắc Hà, đây là dạng cây ăn quả lâu năm cây trồng một lần có thể cho chu kỳ thu hoạch từ 30 - 40 năm.
Lê Tai Nung là giống cây ăn quả ôn đới có khả năng sinh trưởng phát triển mạnh, phù hợp với nhiều loại đất đai khác nhau. Với điều kiện khí hậu ở Tả Ngài Chồ cũng rất thích hợp để trồng loại cây ăn quả này nên anh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng truyền thống sang trồng cây lê Tai Nung trên diện tích đất của gia đình và tận dụng các vốn vay của ngân hàng để xây dựng một mô hình “Trồng lê Tai Nung bằng phương pháp hữu cơ”.
Đến nay, gia đình đã trồng được gần 2 nghìn cây lê Tai Nung với diện tích gần 3ha trong đó gần 1 nghìn cây đã cho thu hoạch quả vụ đầu tiên với trên hai tấn quả.
Vì được trồng và chăm sóc theo phương pháp hữu cơ cùng với áp dụng khoa học kỹ thuật như: vít cành, tỉa quả, bọc quả nên sản phẩm tạo ra được người tiêu dùng ưa chuộng, quả to, mã đẹp, mọng nước.
Dù thị trường tiêu thụ các loại nông sản đang gặp khó do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng quả lê của gia đình vẫn đều đặn nhận các đơn đặt hàng cả trong và ngoài tỉnh Lào Cai. Với giá lê Tai Nung tại thị trường giao động từ 25.000 đồng đến 50.000 đồng/kg tùy loại quả, mùa lê vừa qua sau khi trừ tất cả chi phí gia đình đã thu về gần 50 triệu đồng.