Sâm Ngọc Linh trên "chợ mạng" có giá 1-3 triệu đồng/kg, thậm chí chỉ 300.000 đồng/củ. |
Từ xa xưa sâm Ngọc Linh được xem là quốc bảo của Việt Nam vì quý hiếm, dược tính cao. Nhiều năm qua, hạt, hoa, lá, củ sâm đều quý và giá tăng cao tới vài chục triệu đồng một củ. Nhưng gần đây, chúng được đăng bán rầm rộ trên mạng với giá chỉ vài trăm nghìn đồng một củ hoặc một cây.
Khi người tiêu dùng chỉ cần gõ tìm kiếm từ khóa “củ sâm Ngọc Linh tươi”, hàng ngàn kết quả được hiển thị.
Điều đáng chú ý, nơi các shop đặt trụ sở chủ yếu ở các địa phương như Gia Lai, Lai Châu, TP.HCM, Thanh Hóa… Rất hiếm cửa hàng có địa chỉ tại "thủ phủ" của sâm Ngọc Linh là Quảng Nam hay Kon Tum.
Bất ngờ hơn, nhiều củ sâm Ngọc Linh tươi được rao giá chỉ 780.000 đồng/kg (với 10-20 củ). Hay 6 củ/1kg với giá hơn 1,2 triệu đồng.
Trong khi trên thực tế, giá sâm Ngọc Linh tươi tại núi Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) dao động từ 60 triệu đồng đến 160 triệu đồng/kg tùy theo loại.
Với lá sâm Ngọc Linh dao động 10-12 triệu đồng/kg, hoa sâm 15-17 triệu đồng/kg, hạt sâm có giá 80-100 triệu đồng/1.000 hạt.
Sâm Ngọc Linh giá rất đắt, do đó nhiều loại củ như tam thất, sâm Trung Quốc có bề ngoài rất giống với “quốc bảo” được trà trộn vào thị trường, nhằm nâng giá sản phẩm để bán trục lợi.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, đồng thời tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tập trung ngăn ngừa các hành vi quảng cáo, mua bán sản phẩm sâm Ngọc Linh giả trên các mạng xã hội và tăng cường hoạt động kiểm tra nguồn gốc xuất xứ sâm Ngọc Linh củ.
Trong đó, Công an tỉnh Quảng Nam tăng cường công tác trinh sát hiện trường, sớm phát hiện các hành vi mua bán, trao đổi, kinh doanh sâm Ngọc Linh giả; lập các chuyên án điều tra đối với đường dây, tụ điểm sản xuất kinh doanh, vận chuyển các sản phẩm sâm giả.
Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng biết về tình trạng lừa bán sâm giả sâm Ngọc Linh đang phổ biến trên mạng; những dấu hiệu nhận biết sâm thật - sâm giả; khuyến cáo người tiêu dùng chỉ mua sâm Ngọc Linh ở những địa chỉ đáng tin cậy và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; giới thiệu phiên chợ sâm Ngọc Linh hằng tháng tại huyện Nam Trà My.
UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) xử lý, đề nghị xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng tên miền “samngoclinh” để rao bán các sản phẩm sâm củ và các sản phẩm khác từ sâm gắn với thương hiệu sâm Ngọc Linh theo đúng các quy định về sở hữu trí tuệ.
Sở KH&CN tham mưu triển khai sớm cơ sở phân tích, kiểm nghiệm và tổ chức thực hiện công tác kiểm định chất lượng theo yêu cầu kiểm định chất lượng của người tiêu dùng, bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng tại huyện Tu Mơ Rông - tỉnh Kon Tum. |
Tại tỉnh Kon Tum, để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh và quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng, UBND tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp căn cơ, trong đó phải kể đến việc đầu tư mua sắm hệ thống máy móc, thiết bị để phân tích ADN sâm Ngọc Linh.
Cuối năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) được UBND tỉnh phê duyệt dự án Cải tạo, sửa chữa phòng thí nghiệm, kiểm định và mua sắm thiết bị tại Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ khoa học và công nghệ tỉnh, nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các thành tựu công nghệ sinh học, góp phần thực hiện các mục tiêu, định hướng về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học và phục vụ công tác kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác trên địa bàn tỉnh, từ đó khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, đảm bảo phát triển kinh tế -xã hội bền vững.
Thiết bị được đầu tư gồm hệ thống máy móc, dụng cụ, vật tư, hóa chất phân tích ADN sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác (tách chiết, nhân bản, kiểm tra, định lượng ADN) phục vụ giám định, kiểm định sâm Ngọc Linh thật và giả cùng hệ thống máy móc, thiết bị, dụng cụ, vật tư, hóa chất phân tích hàm lượng Saponin và các hoạt chất sinh học khác trong sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác.
Ngày 28/02/2023, Sở KH&CN đã hoàn thành các công tác đầu tư, mua sắm trang thiết bị, bàn giao cho Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ khoa học và công nghệ (đơn vị trực thuộc Sở) quản lý và vận hành đối với 2 hệ thống: Hệ thống thiết bị phục vụ công tác tách chiết, nhân bản, kiểm tra ADN với 25 thiết bị chủ yếu; Hệ thống thiết bị kiểm định thành phần hoạt chất sinh học saponin sâm Ngọc Linh với 11 thiết bị chủ yếu phục vụ công tác chuyên kiểm tra chất lượng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh
Sau khi đầu tư hệ thống máy móc, Sở KH&CN mời chuyên gia của Viện Di truyền và Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) đào tạo 04 cán bộ về vận hành trang thiết bị, chuyển giao quy trình kỹ thuật phân tích, kiểm định ADN sâm Ngọc Linh và phân tích hàm lượng saponin sâm Ngọc Linh.
Đến nay, các thiết bị đã được trang bị đầy đủ, đảm bảo điều kiện để phân tích, kiểm định sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác. Các cán bộ kỹ thuật của Sở KH&CN đã được đào tạo, làm chủ được 02 quy trình kỹ thuật phân tích, kiểm định phục vụ phân biệt sâm Ngọc Linh thật, giả. Hiện đang phối hợp với các đơn vị đào tạo, chuyển giao hoàn thiện quy trình kỹ thuật phân tích, kiểm định phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Để phục vụ cho công tác nghiên cứu, phân tích, Sở KH&CN đã chỉ đạo Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ khoa học và công nghệ phối hợp với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty Cổ phẩn sâm Ngọc Linh Kon Tum lấy 261 mẫu sâm để phân tích, xây dựng bộ chỉ thị chuẩn làm cơ sở phân biệt với các sâm khác.
Để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum và quyền lợi của người trồng sâm và người tiêu dùng, ông Bùi Thanh Bình - Giám đốc Sở KH&CN thông tin, trong thời gian tới, đơn vị sẽ thông tin đến các tổ chức, cá nhân biết về việc Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ khoa học và công nghệ đã được đầu tư hệ thống máy móc và làm chủ quy trình phân tích xác định, phân biệt sâm Ngọc Linh thật hay giả; chỉ đạo Trung tâm phối hợp với các đơn vị, tổ chức được giao quản lý sâm Ngọc Linh cũng như các đơn vị, tổ chức trồng tiến hành phân tích kiểm định nhằm phát hiện sâm thật, sâm giả.
Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp, Trường Đại học Khoa học tự nhiên hoàn thiện 2 quy trình công nghệ: Quy trình kỹ thuật kiểm định, tích xác định, phân biệt sâm Ngọc Linh và Quy trình kỹ thuật phân tích saponin tổng, phân tích định tính, định lượng một số hoạt chất saponin đặc trưng có trong sâm Ngọc Linh.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT (cơ quan quản lý nhà nước về giống và cây trồng) và các đơn vị liên quan, các huyện trên địa bàn tăng cường kiểm tra về giống và chất lượng cây sâm, đồng thời lấy mẫu tại vườn trồng sâm của các tổ chức, cá nhân để phân tích, kiểm tra sâm thật, sâm giả.