Nhờ chuyển đổi từ trồng ngô, sắn sang trồng sâm Bố Chính giúp người dân thu nhập hàng tỷ đồng/ha. |
Là vùng đất đồi gò, bán sơn địa, những năm trước, người dân ở xã Thanh Mỹ chỉ tập trung trồng ngô, sắn và lúa. Do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, hiệu quả trồng những hoa màu này khá thấp nên có những vụ người dân đành bỏ trống đất canh tác.
Nhận thấy tiềm năng của vùng đất gò đồi, bà Uông Tuyết Nhung - Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm đã mạnh dạn đầu tư, liên kết các hộ nông dân trong xã để xây dựng mô hình trồng sâm Bố Chính.
Mô hình trồng sâm canh tác theo quy trình hữu cơ và ứng dụng một phần công nghệ cao ở những công đoạn như: Tưới nước tự động, ươm giống. Cùng với đó, HTX còn đầu tư công nghệ để chế biến các sản phẩm từ hoa, lá, thân và củ sâm như: Mỹ phẩm dưỡng da, tinh bột hoa sâm nano, tinh bột nhân sâm nano, sâm tươi… Trung bình mỗi ngày HTX có thể thu hái khoảng 300-400kg hoa sâm, đem sấy lạnh hoặc để chế biến thành trà sâm, được bán với giá 70.000 đồng mỗi hộp 65 gram. Ước tính khi thu hoạch trọn 1 vụ mỗi ha sâm Bố Chính cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.
Sâm Bố Chính hay còn gọi là sâm thổ hào, sâm núi, là sản vật quý, xưa kia được người dân dùng để tiến vua. |
Trung bình mỗi ngày HTX có thể thu hái khoảng 300-400kg hoa sâm, đem sấy lạnh hoặc để chế biến thành trà sâm, được bán với giá 70.000 đồng mỗi hộp 65 gram. Ước tính khi thu hoạch trọn 1 vụ mỗi ha sâm Bố Chính cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, với mức giá HTX thuê của người dân là 1,5 triệu đồng/sào/năm, tính ra thu nhập của người dân còn cao hơn cả trồng ngô, sắn. Không chỉ dừng lại ở đó, trồng sâm còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động trong xã với mức lương ổn định 6-7 triệu đồng/tháng. Nhận thấy việc trồng sâm có hiệu quả cao, nhiều nông dân trong xã cũng tham gia vào góp đất để liên kết, hợp tác, giúp hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thay đổi diện mạo.
Ứng dụng hệ thống tưới nước tự động tại cánh đồng sâm Bố Chính ở xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây. |
Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Phát triển nông thôn, Văn phòng Phát triển nông thôn mới, TP Hà Nội cho biết, vùng núi đồi Hà Nội nếu để người dân tổ chức sản xuất canh tác theo truyền thống thì hiệu quả không cao.
Mô hình trồng sâm Bố Chính tại xã Thanh Mỹ của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm là một trong số các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp bước đầu đạt hiệu quả cần được nhân rộng trên địa bàn. Sâm Bố Chính hay còn gọi là sâm thổ hào, sâm núi, là sản vật quý, xưa kia được người dân vùng Quảng Bình dùng tiến vua, chúa. Sâm Bố Chính có vị ngọt, tính mát.
Theo y học cổ truyền sâm Bố Chính có một số tác dụng chính như: Điều trị ho, tác dụng hạ sốt, tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng cường chức năng tiêu hóa, điều hòa kinh nguyệt, hỗ trợ điều trị ung thư… Theo các nhà khoa học sâm bố chính có dược tính rất cao, dược tính sâm Bố Chính được cho là tương đương nhân sâm Hàn Quốc và chỉ thua dược tính sâm Ngọc Linh.
Theo các nhà khoa học, sâm Bố Chính có dược tính cao, được cho là tương đương nhân sâm Hàn Quốc. |
Ông Lê Văn Long - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Mỹ cho biết: “Vùng đất này trước đây người dân chỉ dùng để trồng ngô, sắn cho hiệu quả kinh tế thấp. Mô hình bước đầu được đánh giá tốt. Dự kiến thời gian tới, HTX sẽ vận động bà con có đất tham gia tiếp, hỗ trợ họ về mặt kỹ thuật cũng như bao tiêu sản phẩm. Và đây cũng là cách để giải bài toán về ruộng hoang đang xuất hiện mỗi lúc một nhiều ở những vùng nông thôn. Bởi vậy mà mô hình trồng sâm Bố Chính của HTX rất cần được hỗ trợ để phát triển, không phải chỉ cho đơn vị mà còn cho các vấn đề an sinh xã hội khác nữa, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn xã”.
Việc thành công bước đầu của mô hình trồng sâm Bố Chính ở xã Thanh Mỹ đang mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới cho thị xã Sơn Tây. Đây là mô hình mới với sản phẩm nông nghiệp được bảo quản, chế biến bằng công nghệ cao, có sự hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy cho nông dân, là một hướng đi mới, cần được phát huy trong tương lai./.