Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 302 hợp tác xã (HTX), trong đó có 238 HTX hoạt động về nông nghiệp (HTX NN), với việc tập trung các dịch vụ hỗ trợ thành viên và thúc đẩy kinh tế hộ, thủy lợi, giống, bảo vệ thực vật, thủy sản, trồng rừng, vườn ươm...
Nhiều HTX đã tổ chức cho các hộ thành viên sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ, VietGap, đồng thời đăng ký nhãn mác, thương hiệu đưa vào siêu thị và bán ra thị trường ngoài tỉnh.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang thực hiện chính sách phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới
Trong số đó, có nhiều HTX đã hoạt động hiệu quả, điển hình như HTX NN Quảng Thọ 2 (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) đầu tư chế biến trà rau má, xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Trà rau má Quảng Thọ”; HTX NN Phú Hồ (huyện Phú Vang) xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Hồ” kết hợp tổ chức thu mua và xay xát thành phẩm. HTX NN Thủy Biều (TP. Huế) trồng cây đặc sản thanh trà hay, HTX Bao La (huyện Quảng Điền) những sản phẩm mây, tre đan,…
Để tạo điều kiện cho HTX NN phát triển, nâng cao hiệu quả các hoạt động cung cấp dịch vụ, những năm qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX như về nguồn nhân lực, tiếp cận nguồn vốn và ưu đãi lãi suất vay, hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và chính sách đất đai...
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đặc biệt quan tâm việc hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, xúc tiến thương mại nhằm giúp các HTX tiếp cận thông tin, đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, đưa phân bón hữu cơ vi sinh vào canh tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời thông tin, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường.
Việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển HTX trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, vị trí của HTX trong phát triển chung của nền kinh tế của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Chính quyền địa phương này cũng đã có các chủ trương, chính sách khuyến khích đổi mới HTX nông nghiệp đã phát huy tác dụng, tạo cho sự phát triển mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới với mục tiêu: Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động HTX gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng và phát triển mô hình HTX nhanh và bền vững.
Theo đó, Thừa Thiên - Huế phấn đấu đến 2025 có 350 HTX với khoảng 175.078 thành viên; doanh thu bình quân của HTX hàng năm tăng từ 7% - 10%, thu nhập bình quân hàng năm tăng gấp 1,5 lần; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX mỗi năm tăng trên 10%. Xây dựng tại mỗi huyện, thị xã, thành phố có 3 mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị và 1 mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao.
Năn 2016 UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành quyết định tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững
Tiếp tục thực hiện việc đổi mới HTX nông nghiệp trên các mặt như: Tập trung xây dựng và phát triển nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm là hàng hóa “sạch” dựa trên công nghệ mới, công nghệ cao, lấy tiến bộ khoa học kỹ thuật làm “đòn bẩy” cho phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia tích cực của “4 nhà” đảm bảo bền vững.
Từ năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành quyết định tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất nông sản an toàn.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đầu tư 12 tỷ đồng để hỗ trợ các cá nhân, tổ chức thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; trong đó, đối tượng áp dụng là các cá nhân, hộ gia đình, nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX, các doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Minh Nhật