Kiên Giang: Thu hàng nghìn tỷ từ nuôi cá lồng bè trên biển Hưng Yên xây dựng thương hiệu cho nghề nuôi cá lồng trên sông Hòa Bình tích cực mở rộng, phát triển mô hình nuôi cá lồng bè |
![]() |
Nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh ở Hải Dương. |
Xã nghèo trỗi dậy từ cá lồng
Hơn chục năm trở về trước, xã Nam Tân từng là vùng quê nghèo của huyện Nam Sách nhưng giờ đã khác. Nam Tân trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu của Hải Dương với những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đường làng, ngõ xóm rộng mở, hạ tầng cơ sở được nâng cấp phục vụ nhu cầu của người dân. Có được kết quả này, ngoài sự chung sức đồng lòng của người dân và chính quyền địa phương còn có sự tác động to lớn từ nghề nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy.
Năm 2009, tận dụng lợi thế gần sông Kinh Thầy, một số gia đình ở Nam Tân thử sức với nghề nuôi cá lồng. Cũng từ đây, nghề nuôi cá lồng đã mở ra hướng đi mới cho lĩnh vực nuôi thủy sản của địa phương. Nam Tân cũng trở thành “cái nôi” của nghề nuôi cá lồng ở Hải Dương.
Nam Tân có bãi sông thoải, dòng chảy phù hợp để đặt các lồng nuôi cá. Chưa đầy 5 km sông Kinh Thầy chảy qua địa bàn xã có tới 1.080 lồng nuôi cá của hơn 60 hộ dân. Nơi đây đã hình thành cộng đồng dân cư nhỏ cùng sinh sống gắn kết với nghề nuôi cá lồng. Loại cá được nuôi chủ yếu là cá lăng đen, chép giòn, trắm giòn, diêu hồng...
![]() |
Ông Trần Văn Đương (xã Nam Tân) hiện có 40 lồng nuôi cá. |
Gắn bó với khúc sông này nhiều năm, ông Trần Văn Đương hiện có 40 lồng nuôi cá. Theo ông Đương, nuôi cá ở sông có thể thực hiện với quy mô lớn vì nước sông luôn sạch, cá sống khỏe hơn nuôi trong ao. Trung bình, mỗi lồng có diện tích 36 - 54 m2 người nuôi có thể cho thu hoạch tới 5 tấn cá. Mỗi vụ nuôi cá lồng kéo dài từ 1 - 2 năm, tùy vào kích thước lúc cá mới thả lồng và loại cá khác nhau. Mỗi lồng nuôi, từ đầu tư xây dựng, tiền giống, tiền thức ăn đến thuê nhân công hết từ 300 – 400 triệu đồng. Sau khi thu hoạch, trừ chi phí, mỗi lồng lãi khoảng 100 triệu đồng/vụ. Những năm được giá, một lồng cá có thể lãi đến 150 triệu đồng. Hiện với khoảng 60% tổng số lồng nuôi được thu hoạch mỗi vụ, ông thu lãi cả tỷ đồng.
“Đã gắn bó và trải qua nhiều thăng trầm với nghề nuôi cá lồng nên tôi có thể khẳng định, không nghề chăn nuôi nào hiệu quả như nuôi cá lồng. Chỉ cần kiên trì, bền bỉ cùng với sự cần cù, sáng tạo thì dòng sông sẽ cho ta những gì xứng đáng”, ông Đương chia sẻ.
Cá lồng nâng tầm nhờ lựa chọn cá đặc sản chất lượng cao
Nghề nuôi cá lồng ở Nam Tân phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng lan sang các địa phương khác trong đó có phường Nam Đồng (TP Hải Dương). Đến nay, toàn phường có hơn 900 lồng nuôi cá của 86 hộ.
Ông Mạc Văn Bộ ở khu dân cư Đồng Ngọ là một trong những hộ đầu tiên nuôi cá lồng ở phường Nam Đồng. Từ một vài lồng ban đầu, đến nay ông đã có 20 lồng nuôi cá, chủ yếu là trắm và chép. Những năm đầu, số lồng nuôi còn ít nên cá lồng phát triển thuận lợi với giá bán cao. Thời ấy, mỗi lồng nuôi cá có thể lãi tới vài trăm triệu đồng nhưng những năm gần đây giá cá biến động trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên thu nhập không còn cao như trước. Dù vậy, những người bám trụ với nghề vẫn có lãi.
![]() |
Chưa đầy 5 km sông Kinh Thầy chảy qua địa bàn xã Nam Tân có tới 1.080 lồng nuôi cá của hơn 60 hộ dân. |
Không chỉ là “cái nôi” cá lồng Hải Dương, Nam Tân còn là địa phương đi đầu trong phong trào nuôi cá đặc sản như cá lăng, ngạnh, quế, trắm, chép giòn… Để nuôi được cá trắm, chép giòn cũng công phu và cầu kỳ ngay từ khâu lựa chọn giống. Trong giai đoạn đầu cá được nuôi và cho ăn bình thường như các loại cá khác. Đến khi cá đạt trọng lượng khoảng 2kg trở lên (khoảng 1 năm tuổi) sẽ chọn để đưa sang lồng nuôi thành cá giòn. Cá trắm, chép chọn nuôi phải khỏe mạnh, hình dáng đẹp.
Khi được đưa vào lồng nuôi cá giòn, cá sẽ chỉ ăn hạt đậu tằm. Có những thời điểm, cá giòn bán được với giá từ 170.000 – 180.000 đồng/kg, với 5 tấn cá mỗi lồng, người nuôi dễ dàng thu lãi gần 150 triệu đồng/vụ. Không dừng lại ở đó, nhiều hộ nuôi cá lồng ở Nam Tân còn đang nuôi thử nghiệm cá tầm, một loại cá chỉ quen sống trong môi trường nước lạnh.
Ông Hoàng Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Nam Tân chia sẻ: “Xã có hơn 1.000 lồng nuôi cá trên sông thì có tới 80% số lồng nuôi cá đặc sản cho giá trị kinh tế cao. Từ năm 2021, một số hộ còn thử nghiệm nuôi cá tầm và đã đạt được những thành công nhất định. Từ một vài hộ nuôi đến nay đã có chục hộ nuôi với khoảng 100 lồng nuôi cá tầm. Đây sẽ là hướng đi mới, nhiều triển vọng cho người nuôi cá lồng địa phương”.
![]() |
Không chỉ là “cái nôi” cá lồng Hải Dương, Nam Tân còn là địa phương đi đầu trong phong trào nuôi cá đặc sản. |
Theo số liệu của Cục Thống kê, Hải Dương hiện có 7.358 lồng đang nuôi, sản lượng cá nuôi lồng đạt trên 20.000 tấn, chiếm gần 22% sản lượng thủy sản nuôi trồng trên địa bàn toàn tỉnh. Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Hải Dương là địa phương có truyền thống nuôi cá nước ngọt với quy mô lớn, đồng thời có hệ thống sông ngòi dày đặc, chất lượng nước, địa hình bãi sông rất phù hợp để phát triển cá lồng. Với việc ứng dụng công nghệ cao, nhiều cơ sở được lắp đặt hệ thống chăm sóc theo dõi tự động, trích xuất QR code, gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhiều năm nay, cá lồng Hải Dương đã đem lại nguồn lợi không nhỏ cho người nuôi và các địa phương”./.