Sau giai đoạn tăng trưởng liên tục từ 2014 đến 2018, thị trường BĐS năm 2019 và những tháng đầu năm 2020 có xu hướng giảm, thể hiện qua một số chỉ tiêu, lượng giao dịch giảm hơn 40%, nguồn cung giảm 10% so với năm 2018.
Đáng chú ý, từ những tháng cuối năm 2019, các chỉ tiêu của thị trường đều giảm. Lượng giao dịch BĐS giảm hơn 70%, nguồn cung dự án mới giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước đó.
Nguyên nhân được Bộ Xây dựng cho biết, là do ảnh hưởng của tốc độ phát triển kinh tế vĩ mô, ách tắc trong việc cấp phép mới dự án, tín dụng BĐS bị siết chặt và sự suy giảm của các ngành dịch vụ - du lịch do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong những tháng đầu năm 2020.
Thị trường bất động sản (BĐS) đang dư thừa khoảng 70 – 100 triệu m2 sàn nhà ở trung và cao cấp
Điểm bất cập của thị trường tồn tại đã lâu nhưng đến nay chưa có hướng giải quyết là sự mất cân đối trong quan hệ cung – cầu BĐS. Trong khi nhu cầu nhà ở của người dân đối với phân khúc nhà ở trung, cao cấp (có giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm từ 20-30% thì nguồn cung nhà ở dạng này lại chiếm hơn 65% sản phẩm triển khai. Thị trường hiện đang dư thừa khoảng 70-100 triệu m2 sàn nhà ở cao và trung cấp.
Điều nghịch lý nữa là nhu cầu về phân khúc nhà ở thương mại bình dân, giá rẻ (dưới 25 triệu đồng/m2) dù chiếm đến 70-80% thị trường nhưng lại thiếu nguồn cung trầm trọng. Đặc biệt là tại các thị trường lớn như TP.HCM và Hà Nội, sự lệch pha cung – cầu ngày càng nghiêm trọng.
Theo số liệu từ Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) ghi nhận, trong 2 quý đầu năm 2020, TP.HCM gần như không có thêm một dự án nhà ở bình dân nào được triển khai.
Nghiên cứu từ Công ty CP DKRA Việt Nam (DKRA Vietnam) cũng chỉ ra, từ năm 2019 đến nay, loại hình nhà giá rẻ đã biến mất khỏi thị trường, phân khúc cao cấp, hạng sang chiếm hơn 30% tổng sản phẩm chào bán tại TP.HCM. Việc rà soát, điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu các dự án BĐS cho phù hợp với nhu cầu của thị trường vẫn chưa được các địa phương quan tâm thực hiện.
Cùng với loại hình nhà thương mại bình dân, nguồn cung nhà ở xã hội cũng khan hiếm.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng ghi nhận, cả nước có 1.040 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp. Trong đó đã hoàn thành 248 dự án, với khoảng hơn 103.500 căn, đang tiếp tục triển khai 264 dự án, với khoảng 216.500 căn. Tuy nhiên hiện có 206 dự án nhà ở xã hội đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Mặc dù đã hoàn thành hơn 5.175.000 m2 nhà ở xã hội cũng mới chỉ đạt được khoảng 41,4% so với mục tiêu đề ra trong "Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020".
Đề xuất giải pháp, Bộ Xây dựng cho biết, các địa phương cần tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản chậm triển khai, để đất hoang hóa, chủ đầu tư yếu kém không còn khả năng triển khai dự án để quyết định việc cho giãn tiến độ, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với nhu cầu thị trường hoặc thu hồi dự án.
Bộ Xây dựng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới các dự án BĐS, đặc biệt là các dự án BĐS cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu tránh để tình trạng dư thừa tồn kho, gây bất ổn cho thị trường BĐS, bảo đảm tuân thủ pháp luật, hiệu quả đầu tư, ngăn chặn các hành vi trục lợi, tham nhũng, làm thất thoát tài sản nhà nước, nhất là trong sử dụng đất đai.
Ngọc Hà