Từ báo cáo của Vùng Tây Nguyên cho thấy, tình trạng suy giảm diện tích và chất lượng rừng vẫn diễn ra mạnh mẽ; mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển sản xuất lương thực, phát triển cây công nghiệp dài ngày với bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; tình trạng dân di cư tự do đang là vấn đề lớn gây áp lực vào rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp… Mục tiêu bảo vệ, khôi phục, phát triển bền vững vùng Tây nguyên giai đến năm 2030 là: Diện tích rừng đạt 2,72 triệu hécta và nâng tỉ lệ che phủ rừng lên 49,2%.
Ngành lâm nghiệp phấn đấu nâng tỉ lệ che phủ rừng Tây Nguyên lên 49,2%
Để đạt được điêu này, trong thời gian tới các tỉnh Tây Nguyên cần huy động sự phối hợp vào cuộc của các lực lượng chức năng, phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời các hành vi chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án phá rừng trong thời gian qua; kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và chống người thi hành công vụ.
Phối hợp các địa phương xử lý dứt điểm diện tích rừng bị chồng lấn giữa các tỉnh. Đẩy nhanh thực hiện công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, đặc biệt là diện tích rừng do UBND xã đang quản lý, đảm bảo toàn bộ diện tích rừng có chủ thực sự; rà soát lại diện tích trồng rừng thay thế để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra…
Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh có tổng diện tích tự nhiên 5.459.785ha, chiếm 16,8% diện tích cả nước, tổng dân số khoảng 5,6 triệu người. Là khu vực có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái. Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2019, toàn khu vực có 3.239.600ha đất lâm nghiệp, trong đó diện tích có rừng 2.559.596ha. Đây là khu vực có diện tích rừng lớn thứ hai cả nước (chiếm khoảng 17,5%), có tiềm năng lớn về tài nguyên rừng và nhiều lợi thế về phát triển kinh tế, phát triển lâm nghiệp; rừng trong khu vực gắn liền với đời sống đồng bào, có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu không chỉ cho khu vực mà còn cho các tỉnh duyên hải miền Trung, miền Đông Nam Bộ và toàn bộ vùng hạ lưu sông Mê Kông.
Tây Nguyên - Trọng điểm nhức nhối về nạn phá rừng của cả nước
Tuy nhiên, từ báo cáo của các tỉnh Tây Nguyên cho thấy, tình trạng suy giảm diện tích và chất lượng rừng vẫn diễn ra mạnh mẽ; mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển sản xuất lương thực, phát triển cây công nghiệp dài ngày với bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; tình trạng dân di cư tự do đang là vấn đề lớn gây áp lực vào rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp…
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp khôi phục rừng bền vững, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng công tác quản lý bảo vệ rừng thời gian qua đã có chuyển biến rõ nét, xã hội quan tâm sâu sắc hơn; chủ trương xã hội hóa nghề rừng được hiện thực hóa, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, với những kết quả nổi bật.
Công tác trồng rừng được các địa phương quan tâm, hằng năm, toàn quốc trồng được khoảng 230.000ha, góp phần phòng hộ, bảo vệ môi trường, tạo nguồn nguyên liệu từ gỗ rừng trồng trong nước cho công nghiệp chế biến gỗ.
Dự kiến trong năm 2020, toàn tỉnh Đắk Lắk sẽ trồng mới 1.770ha rừng; trong đó có 80ha rừng phòng hộ, 15ha rừng đặc dụng, 1.675ha rừng sản xuất. Hiện nay, các đơn vị đăng ký trồng rừng đã phát dọn thực bì, chuẩn bị đất và cây giống chờ thời tiết thuận lợi để xuống giống trồng rừng. Thời vụ trồng rừng trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11 hằng năm. Nguồn vốn để trồng rừng chủ yếu là vốn tự có và vốn vay của các doanh nghiệp, còn lại là vốn từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh để trồng rừng thay thế.
Năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên phát hiện và xử lý 1.309 vụ phá rừng, canh tác nương rẫy trái phép, diện tích rừng bị phá là 410,412ha; khai thác rừng trái pháp luật: 644 vụ; vi phạm về vận chuyển, mua, bán lâm sản trái pháp luật 2.120 vụ. Diện tích rừng tự nhiên của khu vực Tây Nguyên tiếp tục bị suy giảm: Năm 2019 giảm 15.753ha; tỉ lệ che phủ rừng đạt 45,92 %, giảm 0,09% so với năm 2018 (tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai).
Mai Quỳnh