Cần Thơ: Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững Tuyên Quang: Dấu ấn phát triển nông nghiệp hàng hóa Kỳ vọng từ giống cam chanh Vũ Quang trên vùng gò đồi huyện Lệ Thủy |
Là địa phương đầu tiên trong cả nước được Trung ương lựa chọn thí điểm xây dựng và thực hiện “Đề án tái cơ cấu nông nghiệp”, đến nay Đồng Tháp đã tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành kinh tế mũi nhọn vốn còn nhiều tiềm năng.
Sau một thời gian triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp không chỉ quan tâm đến trồng cây gì, nuôi con gì… mà còn chú trọng thay đổi tư duy sản xuất của nông dân.
Nông dân Đồng Tháp đã chuyển biến từ tư duy làm nông nghiệp lấy sản lượng làm lợi nhuận sang hướng phát triển kinh tế nông nghiệp chất lượng, hiện đại.
Ngoài các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như gạo, thủy sản, bánh phồng tôm, may mặc... thì xuất hiện sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao gồm: collagen, dầu cá, trái cây chế biến... Sản phẩm xuất khẩu của tỉnh ngày càng đa dạng.
Hiện, Đồng Tháp có tổng diện tích vườn cây ăn trái 33.000 ha, sản lượng trên 377.000 tấn/năm, trong đó trên 10.000ha xoài, sản phẩm trái cây xuất khẩu ra nhiều nước.
Tái cơ cấu nông nghiệp: Đồng Tháp tập trung phát triển cây ăn quả |
Theo Sở NN&PTNT Đồng Tháp, sản xuất cây ăn trái đã tạo nguồn nguyên liệu quan trọng cho công nghiệp, góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng. Ba năm trở lại đây, trái cây là nguồn nguyên liệu được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để xuất khẩu bởi chất lượng ổn định, chủng loại đa dạng, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
Hơn 25 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đồng Tháp đang đầu tư sản xuất chế biến từ các nguyên liệu xoài, chuối, ổi, nhãn, võ cam quýt, lá sen, hoa sen, hoa hồng và rau quả khác với trên 60 sản phẩm. Trong đó, 20 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao được tiêu thụ trong hệ thống các siêu thị.
Từ xu thế đó, nhiều địa phương đã chọn những ngành hàng chủ lực để tái cơ cấu nông nghiệp thông qua xây dựng chuỗi giá trị nhằm xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn để tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa lợi nhuận.
Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có trên 35.000 ha trồng cây ăn trái. Để đạt mục tiêu trên, ngành nông nghiệp Đồng Tháp sẽ đánh giá lại đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm đưa ra những định hướng mới phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị phù hợp thực tế từng địa phương. Đồng thời rà soát và đề ra những chính sách mang tính khả thi thúc đẩy sự phát triển tốt nhất cho từng ngành hàng.
Nông nghiệp Đồng Tháp cũng sẽ tập trung đầu tư vào khâu cải tạo giống cho tất cả các loại cây ăn trái chủ lực, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật có tính ứng dụng cao vào sản xuất. Tăng cường sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học trong cải tạo thổ nhưỡng và sản xuất, thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường trong sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến. Kêu gọi đầu tư các dự án bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm từ các sản phẩm cây ăn trái, phát triển kinh tế tập thể để xây dựng vùng nguyên liệu có sản lượng đủ lớn với chất lượng đạt yêu cầu và chi phí tối ưu nhất.