Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ông Nguyễn Văn Việt cho biết, trong 5 năm qua, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản tăng bình quân 4,17%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước khoảng 3%). Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đem lại hiệu quả và giá trị gia tăng cao, như vùng cam 8.690 ha, vùng chè 8.588 ha, vùng bưởi 4.600 ha, vùng lạc 4.300 ha. Những vùng sản xuất này đều đứng tốp đầu các tỉnh miền núi phía Bắc. Đặc biệt, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp Nguyễn Văn Việt, giá trị sản xuất bình quân trên ha tăng đột phá, gấp 1,4 lần so năm 2015.
Vùng chè hàng hóa của phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) rộng trên 50 ha, năng suất đạt 30 tấn/ha
Tuyên Quang không dừng lại ở việc chỉ đứng đầu ở diện tích, năng suất, sản lượng mà không ngừng xây dựng chiến lược nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh cho nông sản. Toàn tỉnh có trên 1.690 ha cây trồng sản xuất nông nghiệp tốt (trong đó trên 88 ha sản xuất hữu cơ, 870 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và trên 730 ha sản xuất nông nghiệp bền vững); trên 15.000 m3 lồng nuôi cá đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Hết tháng 6/2020, đã có trên 50 nhãn hiệu nông sản hàng hóa; các thương hiệu nổi tiếng như: Chè Bát Tiên Mỹ Bằng, mật ong Tuyên Quang được “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2017”; cá lăng, chè đặc sản Vĩnh Tân được bình chọn danh hiệu “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam 2017”; bưởi Xuân Vân được Viện Sở hữu Trí tuệ Quốc tế xếp đứng TOP 10 Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng năm 2018. Nhiều nông sản hàng hóa tiếp tục khẳng định thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu.
Quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng quốc tế FSC phục vụ chế biến xuất khẩu gỗ rừng trồng cao nhất toàn quốc. Tuyên Quang hiện có 131.784 ha rừng trồng sản xuất gỗ nguyên liệu, rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ FSC là 25.366 ha (cao nhất cả nước). Trung bình mỗi năm các địa phương trong tỉnh trồng trên 11.000 ha rừng, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng trên 900.000 m3/năm, là tỉnh có sản lượng gỗ lớn nhất vùng Trung du miền núi phía Bắc. Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh đã thu hút 3 nhà máy chế biến gỗ: Cụm công nghiệp chế biến gỗ công suất 150.000 m3/năm tại xã Thắng Quân; Nhà máy sản xuất viên gỗ nén công suất 3.000 tấn/năm tại xã Hoàng Khai (Yên Sơn); Nhà máy chế biến gỗ Chiêm Hóa công suất 50.000 m3/năm. Qua đó, nâng tổng số nhà máy chế biến gỗ, bột giấy, tiêu thụ gỗ nguyên liệu trên địa bàn lên 8 nhà máy, công suất 1,3 triệu m3/năm.
Chăn nuôi trâu thịt hàng hóa theo chuỗi liên kết đang phát triển khá tốt tại một số xã huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn, hàng năm liên kết chăn nuôi khoảng trên 1.000 con trâu thịt, người chăn nuôi thu lãi từ 4 - 5 triệu/con. Ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho trâu đang được thực hiện tại nhiều xã của huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn, Sơn Dương, bước đầu mang lại kết quả khả quan, được nhiều hộ chăn nuôi thực hiện. Số nghé đẻ ra trên 300 con, trọng lượng sơ sinh lớn hơn giống trâu địa phương trên 10%.
Nông dân tổ 7, phường Ỷ La, TP Tuyên Quang thu hoạch lúa
Trong giai đoạn 2020-2025 tới, tỉnh Tuyên Quang sẽ thực hiện lãnh đạo công tác tham mưu, kiểm tra, hướng dẫn và phối hợp để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản. Tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân trên 4%/năm.
Trung bình mỗi năm tỉnh phát triển mới trên 150ha diện tích sản xuất trồng trọt áp dụng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Phấn đấu đến năm 2025 có trên 80% cơ sở chăn nuôi tập trung áp dụng hiệu quả quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.
Về lĩnh vực lâm nghiệp, từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ thực hiện trồng mới 50.000ha, trong đó có 10.000ha rừng gỗ lớn, sản lượng gỗ khai thác trên 900.000 m3/năm; tổ chức bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đồng thời thực hiện trồng rừng và khai thác rừng hợp lý để duy trì độ che phủ của rừng ổn định trên 60%; duy trì và cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo quy định cho trên 70.000ha rừng trồng; duy trì độ che phủ của rừng ổn định trên 60%.
Minh Nhật