Để tạo ra những cây cảnh độc, lạ phải bỏ nhiều công chăm sóc, bảo vệ vườn. |
Sưu tầm cây độc lạ xuyên biên giới
Sinh ra và lớn ở miền biên giới, đến tuổi trưởng thành, anh Lợi đi nhiều nơi tìm kế mưu sinh. Có một thời gian khá dài buôn bán nông sản qua về ở huyện Sê Pôn (Lào) và Lao Bảo, anh thường bắt gặp người dân nước bạn đi đào những gốc cây đẹp về bán. Thế là anh nắm bắt, tìm hiểu nhu cầu và thị trường về loại cây cảnh, quyết định thử sức với nghề kinh doanh cây cảnh bonsai. Từ số vốn dành dụm, 3 năm trước, anh đầu tư gần 300 triệu đồng để thực hiện mô hình. Thời gian đầu, bắt tay vào kinh doanh, anh Lợi cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Do kinh nghiệm về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh còn ít nên khá nhiều cây cảnh trong vườn bị chết. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ tại địa phương không nhiều, nhất là thời gian diễn ra COVID-19. Đứng trước những thử thách đó, anh Lợi vẫn không bỏ cuộc mà kiên trì tìm hiểu kỹ hơn về cách trồng, chăm sóc cây cảnh qua mạng internet, sách báo và những người có kinh nghiệm. Tận dụng lợi thế của công nghệ 4.0, thông qua mạng xã hội facebook, zalo, anh Lợi đã giới thiệu và quảng bá rộng rãi các loại cây cảnh trong vườn. Nhờ đó, ngày càng có nhiều người biết đến mô hình của anh.
Mô hình kinh doanh cây cảnh bon sai của anh Lợi (người ngoài cùng bên trái) cho lợi nhuận 300 triệu đồng/năm. |
Nhờ biết cách chăm sóc cây và thu hút khách hàng, vườn cây cảnh bonsai của anh ngày càng phát triển. Trên bãi đất rộng hơn 1 ha, từ vài chục cây cảnh, đến nay vườn của anh Lợi đã có gần 200 cây cảnh bonsai, chủ yếu là mai, hoa giấy, bằng lăng... với số vốn gần 1 tỉ đồng.
Các loại cây giống được anh mua về để cung cấp cho khách hàng có nhu cầu. Đối với những cây chưa đẹp, anh Lợi tiếp tục chăm sóc cho đến khi cây xanh tốt, có đủ tán, đủ cành và tiếp tục tạo thế cho cây. Tùy vào kích thước, kiểu dáng từng cây mà anh có thể bán với giá dao động từ 10 - 20 triệu đồng/cây. Hiện, thị trường tiêu thụ cây cảnh của anh Lợi chủ yếu là các tỉnh miền Nam. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu nhập trung bình gần 300 triệu đồng.
Nghề tạo dáng bonsai đòi hỏi kỳ công
Theo anh Lê Giá Lợi, để tạo ra những cây cảnh đẹp, lạ mắt phải bỏ nhiều công chăm sóc, bảo vệ vườn. Ngoài bản thân, anh còn thuê 3 lao động với mức tiền công từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng để chăm sóc cây. Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ cây cảnh tăng, vườn cây của anh còn tạo việc làm thời vụ cho khá nhiều lao động tại địa phương.
Anh Lợi chia sẻ: “Với suy nghĩ muốn thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên quê hương mình tôi đã vượt qua nhiều khó khăn, vất vả. Trời không phụ lòng người, đến nay, tôi bước đầu thành công với mô hình kinh doanh cây cảnh bonsai. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình và tìm hướng phát triển ra nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước”.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, anh Lợi còn được biết đến là một thanh niên có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt từ thiện tại địa phương. Anh luôn tham gia ủng hộ, gây quỹ giúp đỡ người nghèo, các phong trào văn nghệ, thể thao tại địa bàn thị trấn Lao Bảo.
Nhiều bạn trẻ ở địa phương đến học tập kinh nghiệm khởi nghiệp từ mô hình kinh doanh cây cảnh bonsai của anh Lợi. |
Bí thư Đoàn thị trấn Lao Bảo Phan Thị Mỹ Liên, cho biết: “Hiện tại, trên địa bàn thị trấn có khoảng 20 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ hoạt động hiệu quả, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều thanh niên địa phương. Đặc biệt, có nhiều mô hình đổi mới, sáng tạo trong cách thức thực hiện để duy trì ổn định và phát triển bền vững, trong đó có mô hình kinh doanh cây cảnh bonsai của anh Lợi. Các cấp bộ đoàn ở thị trấn đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp thanh niên để giúp họ mở rộng thị trường và tìm đầu ra cho sản phẩm”.
Từ sự nhạy bén tìm tòi, chàng trai vùng biên Lê Giá Lợi đã khởi nghiệp thành công với mô hình cây cảnh bonsai. Những gốc cây độc lạ được anh sưu tầm rồi kỳ công uốn tỉa đã tạo ra những tác phẩm bonsai nghệ thuật được nhiều người ưa thích bởi vậy đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Lợi còn là tấm gương để các bạn trẻ học hỏi trong hành trình khởi nghiệp./.