Xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ hưởng lợi trong 3 năm tới Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt mốc 1 tỷ USD Gạo Việt Nam “lên kệ” chuỗi siêu thị Carrefour của Pháp |
Ban Tổ chức cuộc thi trao giải Nhất thể loại gạo thơm cho gạo TBR39 của ThaiBinh Seed. |
Cuộc đua của những thương hiệu gạo hàng đầu
Sáng ngày 4/11, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức cuộc thi “Gạo ngon Việt Nam” lần thứ 3 năm 2022.
Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam năm 2022 quy tụ 12 sản phẩm của 6 doanh nghiệp tham gia. Đây đều là những đơn vị uy tín trong lĩnh vực chọn tạo, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam, gồm: Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty TNHH Thương mại HK (Tiền Giang), Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam và Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long.
DNTN Hồ Quang Trí nhận giải Nhì cho gạo ST24 tại Gạo ngon Việt Nam lần thứ III năm 2022. |
Cuộc thi dành cho hai chủng loại gạo: gạo thơm các loại và gạo nếp. Sản phẩm dự thi phải đáp ứng các yêu cầu gồm: giống sản xuất phải được chọn tạo tại Việt Nam, đã được lưu hành hoặc đã được gửi đi khảo nghiệm quốc gia tối thiểu một vụ tại một trong 4 trung tâm khảo kiểm nghiệm giống cây trồng trên phạm vi cả nước.
Về hình thức, sản phẩm dự thi phải có độ thuần tối thiểu 98%, không hạt vàng, hạt hư, hạt xanh non và sọc đỏ. Yêu cầu gạo trước khi nấu phải có độ đồng đều, màu sắc; gạo sau khi nấu thành cơm phải có độ trắng, mùi thơm, độ dẻo, độ ngọt, độ thuần và giữ nguyên hạt.
Trải qua các vòng thi, gạo thơm TBR39 của ThaiBinh Seed đã xuất sắc giành giải nhất Gạo ngon Việt Nam năm 2022. Giải Nhì được trao cho gạo ST24 của DNTN Hồ Quang Trí. Giải Ba thuộc về Lộc Trời 28 của Tập đoàn Lộc Trời.
Đây là 3 loại gạo sẽ đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi Gạo ngon thế giới được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị gạo thế giới lần thứ 12 sắp tới.
Về nếp, giải Nhất thuộc về nếp A Sào của Tập đoàn ThaiBinhSeed. Giải Nhì thuộc về giống nếp của Viện lúa đồng bằng Sông Cửu Long. Giải Ba tiếp tục thuộc về Tập đoàn ThaiBinh Seed với giống nếp TBR78.
Gạo Lộc Trời 28 của Tập đoàn Lộc Trời đạt giải Ba cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ III năm 2022. |
Theo Ban tổ chức, 3 tiêu chí để xác định loại gạo ngon nhất là đánh giá mẫu trước khi nấu, sau khi nấu và thuyết minh đặc tính của gạo. Yêu cầu gạo trước khi nấu phải có độ đồng đều, màu sắc. Gạo sau khi nấu thành cơm phải có độ trắng, mùi thơm, độ dẻo, độ ngọt, độ thuần và giữ nguyên hạt. Trên thang điểm 100, mẫu gạo sau khi nấu chiếm đến 75 điểm.
Ban giám khảo cuộc thi gồm đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các đầu bếp thuộc Hội Đầu bếp Việt Nam, đại diện Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Nam Bộ…
Đại diện ban giám khảo cho biết các thành viên trong ban đã thử nhiều mã gạo (gạo được mã hóa thành các con số), xác định mùi vị, độ dẻo, độ ngọt và rất đắn đo để đưa ra kết quả khách quan nhất.
Giới thiệu gạo ngon Việt Nam ra thế giới
Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết cuộc thi Gạo ngon Việt Nam được tổ chức từ năm 2019 để quảng bá, giới thiệu trong nước và chọn tham gia các cuộc thi gạo ngon quốc tế.
Kết quả đạt được tại các cuộc thi quốc tế đã gây tiếng vang cho hạt gạo Việt khi gạo Việt Nam được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới. Kết quả đó cũng đã khẳng định thành tựu của ngành nông nghiệp, sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Hạt gạo Việt Nam đã mở ra trang sử mới.
Cuộc thi năm nay nhằm chọn các chủng loại gạo thơm và gạo nếp với các đặc tính ưu việt, ổn định, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam đồng thời để giới thiệu đến cộng đồng quốc tế.
Ban giám khảo đánh giá gạo sau khi nấu. |
"Cuộc thi là một sân chơi lành mạnh, giúp các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp, cá nhân, các nhà khoa học nghiên cứu, sản xuất, lai tạo các giống lúa cùng nhau phát triển và hoàn thiện hơn. Đồng thời là cầu nối, liên kết giữa các bên tham gia cuộc thi hình thành mối liên hệ bền vững, hỗ trợ nhau trong quá trình nghiên cứu sáng tạo trong tương lai", ông Nam nói. Cũng theo ông Nam, với các loại gạo ngon từ cuộc thi, người tiêu dùng trong nước và thế giới được thưởng thức gạo ngon Việt Nam an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết trong 20 năm trở lại đây, người dân nói chung và người tiêu dùng nói riêng có xu hướng chuyển từ đủ ăn sang ăn ngon hơn, chất lượng tốt hơn.
Ông Tùng kỳ vọng, với việc chọn tạo giống lúa tốt cùng sự tham gia của các đơn vị, Viện lúa sẽ góp phần cải thiện bộ mặt lúa gạo Việt Nam trong nước và thế giới cũng như tiếp cận các thị trường, quảng bá lúa gạo Việt Nam./.