Trong 7 tháng đầu năm 2022, thị xã Sa Pa đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đối với 08 sản phẩm của 03 tổ chức kinh tế tham gia đợt 1 năm 2022.
Hội đồng thẩm định, đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh đã thực hiện thẩm định lần 1, hiện phòng đang hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế hoàn thiện hồ sơ để tham gia, đánh giá cấp tỉnh lần 2.
Tính đến nay, trên địa bàn thị xã Sa Pa có 32 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (08 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao và 24 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao) của 08 tổ chức kinh tế thuộc 09 nhóm.
Trong 32 sản phẩm được chứng nhận có 02 sản phẩm tiềm năng nâng hạng 5 sao (sản phẩm Cao mềm Actiso Sa Pa và Trà phun sương Actiso Sa Pa của Công ty TNHH MTV Traphacosapa) hiện đang trình đánh giá cấp Trung ương.
Hội đồng đánh giá, xếp hạng OCOP tỉnh Lào Cai thẩm định sản phẩm tại Hợp tác xã Tả Phìn Xanh. |
Dựa theo Kết quả triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP) năm 2022 trên địa bàn thị xã Sa Pa, UBND thị xã Sa Pa đã xây dựng các phóng sự, tin bài tuyên truyền về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên các phương tiện truyền thông thị xã, các xã, phường; quảng bá, giới thiệu các tổ chức kinh tế, các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP trên địa bàn nhằm thúc đẩy xúc tiến thương mại; đồng thời lồng ghép tuyên truyền thông các buổi họp thôn, tổ dân phố về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đến các tổ chức, cá nhân biết, hưởng ứng và tham gia thực hiện.
UBND thị xã Sa Pa đã hỗ trợ các tổ chức kinh tế, cá nhân phát triển sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm đã có. Đồng thời tư vấn phát triển sản phẩm để hoàn thiện về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, hoàn thiện nhãn mác, bao bì, giấy tờ liên quan, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm.
Thông qua đó, phòng Kinh tế UBND thị xã Sa Pa cũng đánh giá công việc cần hoàn thiện đối với các tổ chức kinh tế trong quá trình sản xuất, phát triển hoàn thiện sản phẩm đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định hiện hành và hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đã được ban hành tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 20/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Khu sinh thái Tả Phìn Xanh đạt sao OCOP vào năm 2019. |
Đầu năm 2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình sản xuất của các cơ sở bị hạn chế, nguồn lực đầu tư ít cùng với đó chưa tìm được địa điểm thuận lợi để thực hiện xây dựng, lượng khách du lịch đến với Sa Pa giảm sút nghiêm trọng ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm và duy trì sản xuất hàng hóa.
7 tháng đầu năm 2022, UBND thị xã Sa Pa đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, triển khai các hoạt động giới thiệu, quảng bá trên các trang thương mại điện tử, các sàn giao dịch, các trang mạng xã hội, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời giới thiệu, kết nối tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế tham gia các Hội chợ, triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.
UBND thị xã đã bố trí nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách thị xã là 108,4 triệu đồng cho các hoạt động của Chương trình. Ngoài ra, còn nhiều hoạt động từ các Chương trình, dự án hỗ trợ cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình phát triển vùng nguyên liệu để phục vụ sản xuất trên địa bàn thị xã, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm đã được chứng nhận đạt chuẩn OCOP cũng được phòng phối hợp với các Sở, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai thực hiện.
Danh sách các sản phẩm đã được chứng nhận đạt chuẩn OCOP trên địa bàn Thị xã Sa Pa. |
Bởi vì trên địa bàn thị xã Sa Pa có nhiều sản phẩm đặc trưng đa dạng, có tiềm năng để phát triển đạt chuẩn sản phẩm OCOP, cho nên việc triển khai được đảm bảo theo chu trình, các bước triển khai cụ thể đảm bảo hiệu quả khi thực hiện Chương trình.
Cũng vì lẽ đó, công tác triển khai thực hiện Chương trình đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong quá trình thực hiện, bố trí cán bộ theo dõi, tổ chức thực hiện.
Chương trình cũng dần dần được người dân, các tổ chức kinh tế trên địa bàn biết đến; từng bước hoàn thiện về mẫu mã cũng như chất lượng, mang tính đặc trưng, lợi thế của vùng góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Thông qua quá trình hoàn thiện và phát triển sản phẩm, quá trình xúc tiến thương mại đã giúp cho các sản phẩm đặc trưng của Sa Pa được quảng bá, giới thiệu rộng rãi hơn đến người tiêu dùng và dần tiến tới đưa vào thị trường các siêu thị, hệ thống phân phối có uy tín, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.