Tinh hoa của đồng bào Ba Na
Ngày 22/9, Rượu ghè Mẹ Dung đã chính thức có mặt trên thị trường. Đây là một sản phẩm truyền thống của người Ba Na. Chủ nhân của sản phẩm là chị Yet (người dân tộc Ba Na) ở làng Kon Pơ Nang, xã Hà Tây, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai.
Đồng bào Ba Na đi lấy vỏ cây hyam về làm men rượu. Ảnh: Như Trang. |
Rượu ghè Mẹ Dung có thành phần chính là gạo lứt. Rượu ghè không nấu mà được ủ với loại men đặc biệt. Loại men này được là hỗn hợp giữa ớt tươi, bột gạo và vỏ cây hyam trên rừng.
Theo chị Yet, vỏ cây hyam chính là nguyên liệu quyết định để làm men rượu truyền thống của người dân tộc Ba Na. Hyam là loại cây thường chỉ có trong rừng sâu ở Tây Nguyên. Do đó để tìm được vỏ cây này người làm rượu cần phải rất vất vả. Hyam có 2 loại, một loại có nhựa màu vàng và một loại có nhựa màu trắng. Nhưng chỉ có vỏ hyam có nhựa màu vàng mới làm được rượu ghè ngon, không bị chua.
Vỏ cây hyam được đem giã nhuyễn để lấy nước. Ảnh: Như Trang. |
Vỏ cây hyam được giã nát, ngâm lấy nước. Gạo cũng được ngâm nước rồi giã nhiều lần cho mịn rồi giã chung với ớt tươi, sau đó đổ nước vỏ cây hyam vào trộn chung để làm men rượu. Men rượu được nắn thành từng bánh nhỏ đem hong trên bếp củi một thời gian rồi mang phơi nắng trong 2 tuần thì dùng được.
Để ủ rượu cần, người Ba Na dùng gạo lứt nấu thành cơm vừa chín tới. Cơm nấu chin được trải ra rồi rắc men lên ủ trong một đêm rồi mới đem bỏ vào ghè. Công đoạn cuối cùng, người Ba Na dùng lá chuối hong cho mềm bọc kín ghè rượu.
Men rượu được trộn nước vỏ cây hyam với bột gạo và ớt giã nhuyễn. Ảnh: Như Trang. |
“Các công đoạn tưởng chừng như đơn giản nhưng nếu người làm không dụng công, dụng tâm mà lơ là trong một khâu nào đó thì rượu ghè sẽ không ngon. Mọi thứ phải chỉnh chu, tỉ mỉ thì mới làm ra được một ghè rượu đúng vị truyền thống của đồng bào Ba Na. Ngoài ra, người Ba Na cũng tin rằng, muốn rượu ghè không bị chua, bị hỏng thì người làm rượu cần kiêng cữ một số thứ ngay từ lúc bắt tay vào làm cho tới khi hoàn thành”- chị Yet nói.
Men say của núi rừng
Rượu ghè của người Ba Na được ủ từ 2 đến 3 tuần mới có thể đem ra uống. Khi những lớp lá chuối được bóc ra, những ghè rượu sẽ toả ra hương thơm nồng nàn như dẫn dụ khiến người ta lâng lâng muốn nếm ngay vị của nó.
Men rượu được hong trên bếp củi. Ảnh: Như Trang. |
Rượu ghè Mẹ Dung cũng thế, cũng thơm nồng quyến rũ. Rượu vào đầu lưỡi sẽ có vị cay, rồi hương nồng xộc lên mũi nhưng sau đó lại có dư vị ngọt rất dễ chịu khiến người uống lại muốn uống thêm lần nữa.
Cũng như tất cả các loại rượu, bia khác, rượu ghè uống nhiều sẽ say. Tuy nhiên, do hoàn toàn không sử dụng hoá chất, được lên men tự nhiên nên rượu ghè không có hại cho sức khoẻ. Ngược lại, rượu ghè được dùng vừa phải sẽ có nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ, kích thích hệ tiêu hoá và lợi tiểu.
Sau khi được ủ từ 2-3 tuần, rượu ghè có thể mang ra uống. Ảnh: Như Trang. |
Chị Yet cho biết, “Rượu ghè Mẹ Dung” là sản phẩm được chị kế thừa từ ông bà các đời truyền lại. Tuy cùng chung một công thức ủ, nhưng mỗi gia đình người Ba Na lại có bí quyết riêng để tạo ra những ghè rượu thơm ngon.
“Tôi làm rượu ghè không chỉ là muốn giữ lại nghề truyền thống của tổ tiên mà còn muốn lưu giữ phát huy một nét văn hoá ẩm thực đặc sắc của dân tộc mình”- chị Yet nói.
Chị Yet cho biết thêm, khi quyết định đưa sản phẩm Rượu cần Mẹ Dung ra thị trường, ngoài mong muốn sản phẩm của mình được nhiều người biết đến hơn, chị cũng muốn tất cả mọi người cảm nhận được cái ngon, cái tình đậm vị núi rừng, đậm chất Ba Na. Hơn thế, chị muốn quảng bá một đặc sản có từ rất lâu đời của người Ba Na cho tất cả du khách gần xa.