Những lợi ích tuyệt vời đến từ rong biển Sức khỏe: Cách ăn rong biển có lợi cho sức khỏe Loại đặc sản mọc lên từ đá, người dân đi lấy về bán giá hàng triệu đồng/kg |
Khai thác rong biển |
900.000ha đang “ngủ quên”
Ở Nhơn Hải, làng chài ven biển thuộc thành phố Quy Nhơn (Bình Định) có “cánh rừng” rong mơ. Từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 7 hàng năm là đến mùa sinh sản của các loài cá rạn, rừng rong mơ trở thành “nhà hộ sinh” để lũ cá tụ tập về đây sinh sản. Vào thời điểm này, vùng biển Nhơn Hải phong phú các loài cá như cá giò, cá dìa, cá mó, cá hồng, nhưng nhiều nhất là cá giò. Rong mơ chính là thức ăn khoái khẩu của cá giò nên chúng phát triển rất nhanh, khi ớn chúng đi từng đàn đến bạt nước.
Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch và thủy sản Nhơn Hải, cho biết, trước khi thành lập Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải để bảo vệ san hô, từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 7, người dân địa phương đổ xô ra biển khai thác rong, khi ấy rong đã già. Hiện nay, rong rau câu chân vịt được tư thương mua với giá 1,3 triệu đồng/kg khô, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, năm nào thu nhiều nhất cũng chỉ được khoảng 100kg khô. Hiện nay chúng tôi không cho bà con khai thác rong nữa là để bảo vệ san hô.
Theo Tổng cục Thủy sản, rong biển là nhóm thực vật bậc thấp sống trong thủy vực nước mặn và lợ tại các vùng ven biển, cửa sông và ven các đảo xa bờ. Rong biển và san hô là 2 hệ sinh thái quan trọng trong sinh thái biển, rong được ví như những cánh rừng sinh thái để các loài sinh vật biển cư trú và sinh trưởng. Rong biển dẫn đầu trong chuỗi thức ăn ở biển, giúp điều hòa môi trường và hệ sinh thái biển như giảm thiểu phú dưỡng; thu giữ, hấp thụ các bon; cải thiện axit hóa đại dương và bảo vệ bờ biển.
“Bên cạnh việc sử dụng làm thực phẩm và thức ăn bổ sung cho con người, rong biển còn được dùng trong nhiều lĩnh vực như phụ gia thực phẩm, thức ăn gia súc, dược phẩm, mỹ phẩm, dệt may, phân bón sinh học, chất kích thích sinh học, bao bì sinh học và nhiên liệu sinh học”, ông Trần Đình Luân chia sẻ.
Việt Nam có chiều dài bờ biển hơn 3.200km với nhiều đảo lớn, đảo nhỏ trải dài trên nhiều vĩ độ. Bên cạnh đó, sự đa dạng về khí hậu, dòng chảy bề mặt, nhiệt lượng mưa và độ mặn của các vùng ven biển rất thuận lợi cho rong biển phát triển. Các loài rong biển của Việt Nam còn chứa các hoạt tính sinh học cao, rất có giá trị.
Tính đến năm 2013, Việt Nam đã ghi nhận được 827 loài rong thuộc 4 ngành là rong lam 88 loài, rong đỏ 412 loài, rong nâu 147 loài và rong lục 180 loài. Vùng Trung bộ có tính đa dạng loài rong biển cao nhất nước, riêng Quảng Ngãi có 190 loài, Bình Định có 78 loài, Khánh Hòa có 516 loài, Ninh Thuận có 121 loài, Bình Thuận có 210 loài và Phú Yên có 169 loài.
Trong số đó, Việt Nam có 88 loài rong biển có giá trị kinh tế và có thể trồng được trên biển. Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, diện tích trồng rong biển tiềm năng ở Việt Nam là 900.000ha. Tuy nhiên, đến nay cả nước chỉ mới trồng được 10.150ha, do đó còn nhiều dư địa để phát triển.
“Tiềm năng lớn là vậy, nhưng trong thời gian qua, việc trồng và chế biến rong biển ở nước ta chưa được xem trọng, ít được ứng dụng vào đời sống nên việc phát triển ngành rong chậm phát triển hơn nhiều quốc gia khác trong khu vực. Hiện các loài rong đang được nuôi trồng ở Việt Nam có giá trị kinh tế cao là nhóm rong sụn, rong câu và rong nho. Năm 2013 Việt Nam xuất khẩu được 2.843 tấn rong biển, thu về 4,47 triệu USD. Hầu hết sản lượng rong của Việt Nam được sử dụng làm nguyên liệu chiết xuất agar, phần lớn lượng agar này được xuất khẩu sang các nước Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ. Đã đến lúc chúng ta phải “đánh thức” tiềm năng của ngành rong biển”, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nhấn mạnh. |
Kỳ vọng sớm bứt phá
Nông dân Khánh Hòa thu hoạch rong nho |
Dù có nhiều tiềm năng nhưng diện tích và sản lượng rong biển nước ta hiện còn rất thấp so với các quốc gia ven biển trong khu vực, thậm chí còn giảm. Những sản phẩm rong biển được sản xuất, chế biến từ các công ty Việt Nam khá “khiêm tốn” trước các sản phẩm ngoại nhập. Tại hệ thống siêu thị trong nước, các sản phẩm rong biển Hàn Quốc và Nhật chiếm ưu thế.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, ngay từ bây giờ cần nghiên cứu, chọn tạo để có những giống rong chất lượng dùng trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm. Tiếp đến là công nghệ trồng để có thể đạt sản lượng cao nhất, rút ngắn thời gian trồng, đặc biệt là đạt chất lượng xuất khẩu. Ngoài ra, chế biến cũng cần thoát khỏi sự đơn điệu, việc đầu tư cho nghiên cứu, chế biến cần đi vào chiều sâu. Các nhà khoa học cùng doanh nghiệp cần chung tay nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm giá trị của ngành rong Việt Nam, ông Luân nói.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, một trong những giải pháp cơ bản để tăng tốc toàn diện ngành rong biển là ứng dụng khoa học công nghệ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các nhiệm vụ lưu giữ nguồn gen và nghiên cứu chọn tạo giống rong biển phục vụ phát triển khoa học công nghệ về giống giai đoạn 2021 - 2025 thuộc Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Từ nay đến hết tháng 1.2023, Tổng cục Thủy sản phải trình Bộ chương trình cụ thể về phát triển rong biển.
Tổng cục Thủy sản sẽ nghiên cứu xu hướng tiêu thụ và thị trường rong biển bằng đánh giá nhu cầu rong biển trong nước và trên thế giới với nhiều lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp, công nghiệp dệt, in hoa, dược liệu, mỹ phẩm, năng lượng sinh học… để giúp doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. |
Những lợi ích tuyệt vời đến từ rong biển |
Sức khỏe: Cách ăn rong biển có lợi cho sức khỏe |
Loại đặc sản mọc lên từ đá, người dân đi lấy về bán giá hàng triệu đồng/kg |