Review Sapa: Mặc gì khi đi du lịch Sapa Review Sapa: Đi du lịch Sapa mùa nào đẹp nhất? Review Sapa: Sapa - Nơi gặp gỡ đất trời |
1. Thắng cố
Thắng cố là một món ăn truyền thống bắt nguồn từ dân tộc H’Mong |
Thắng cố được biết đến là món ăn truyền thống của người H’Mông, bắt nguồn từ vùng núi Hà Giang. Trước đây, người dân bản địa chế biến biến từ một con ngựa, không bỏ đi bất cứ thứ gì. Sau này, thịt trâu bò cũng đươc đưa vào để nấu món thắng cố. Món này ở Sapa có nhiều vùng nấu nhưng Thắng cố ngon nhất vẫn là thắng cố ngựa ở vùng Bắc Hà, Mường Khương.
Ngày nay Thắng cố là một món ăn đặc sản của các dân tộc miền núi Tây Bắc |
Thắng cố được nấu khá đơn giản.Trước khi nấu, thịt và nội tạng con vật được rửa sạch, luộc chín, ướp trước với các loại gia vị, sau đó thả vào nồi nước dùng có xương ngựa, nội tạng, tiết….
Nồi Thắng cố của đồng bào dân tộc còn được cho thêm chút ngô, rau và 12 thứ gia vị truyền thống bao gồm thảo quả, hoa hồi, quế chi, sả, gừng, lá chanh và nhiều loại gia vị đặc biệt khác của dân tộc vùng cao,…. Tất cả được ninh nhừ hàng tiếng đồng hồ cho ngấm gia vị. Khi ăn, người thưởng thức có thể thêm một chút ớt, tiêu hoặc muối.
Bạn sẽ thường gặp món Thắng cố tại các phiên chợ ở Lào Cai |
Thưởng thức món Thắng cố Sapa du khách có thể ăn cùng với mèn mén, bánh ngô nướng và đặc biệt, đừng bỏ qua rượu ngô Bắc Hà hoặc rượu San Lùng, thứ rượu nồng ấm, thơm phức, được kết tinh từ tinh hoa của núi rừng.
Trong không khí se lạnh của Sapa, còn gì tuyệt vời hơn khi được ngồi trước nồi lẩu Thắng cố đậm tình dân tộc, vừa tận hưởng vị cay tê nơi đầu lưỡi của rượu vùng cao bạn sẽ thấy yêu hơn vùng núi rừng Tây Bắc thơ mộng này.
Món ăn của mỗi vùng miền thường mang đậm những nét riêng, bản sắc riêng của người dân bản địa. Món Thắng cố Sapa cũng vậy, như toát lên sự nồng hậu, mến khách của người dân vùng núi cao Sapa và để lại những ấn tượng khó phai trong lòng mỗi du khách khi đặt chân đến vùng đất này.
2. Thịt lợn cắp nách
Lợn cắp nách Sapa được nuôi thả tự do, không chuồng trại, không người chăm sóc |
Lợn “cắp nách” là một giống lợn riêng của đồng bào vùng cao, việc nuôi chúng cũng khá đơn giản. Thông thường sau khi lợn con được sinh ra, chúng sẽ được thả rông ngoài vườn, không có chuồng trại. Do sớm phải thích nghi với môi trường sống và được nuôi theo phương pháp hoàn toàn tự nhiên nên thịt lợn “cắp nách” thường nhiều nạc, ít mỡ, thơm chứ không hôi như những giống lợn được nuôi bằng cám tăng trọng, chúng chạy nhảy nhiều nên thịt cũng rất săn chắc.
Đến các chợ phiên ở Lao Cai, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân bày bán lợn cắp nách |
Mỗi con lợn “cắp nách” thường sẽ được nuôi thả trong khoảng một năm, nếu điều kiện sống tốt thì lợn nhanh lớn, nhưng cũng chỉ được trên dưới 20kg, còn không thì chỉ được khoảng 10kg.
Hiện nay, những phiên chợ vùng cao như: Bắc Hà, Mường Hum, Sín Chéng,… có rất nhiều lợn “cắp nách” được bà con mang ra bán. Du khách nếu có cơ hội đến các phiên chợ vùng cao Lào Cai, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người dân địa phương bày bán lợn “cắp nách”.
Lợn cắp nách – Đặc sản Sapa không thể bỏ qua |
Lợn “cắp nách” có thể chế biến thành nhiều món ăn đa dạng và hấp dẫn như nướng, xào, hấp… Để có được món lợn “cắp nách” hoàn hảo không thể thiếu lá nhội và hạt dổi hoặc hạt xẻn. Những thứ gia vị độc đáo này được trộn lẫn cùng muối, ớt xanh tạo nên một thức chấm độc nhất vô nhị, những miếng thịt ba chỉ hấp hay những khúc lòng mà thiếu đi gia vị này coi như mất đi một phần hương vị. Những du khách đã một lần được thưởng thức món lợn “cắp nách” chắc chắn sẽ nhớ mãi.
Từ lợn cắp nách, người dân có thể chế biến nhiều món ăn hấp dẫn nhưng được ưa chuộng nhất vẫn là lợn cắp nách luôc và nướng bởi hương vị đậm đà, thơm ngon |
Du khách có thể tận hưởng món thịt “lợn cắp nách” một cách giản dị tại những phiên chợ vùng cao ở Y Tý, Bắc Hà hay Mường Khương,…. Tuy không được sang trọng như ăn trong các nhà hàng nhưng ngồi thưởng thức những miếng thịt lợn thơm ngon bên chén rượu ngô hay rượu táo mèo trong không khí vui tươi của những phiên chợ Sapa chắc chắn sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm khó quên.
3. Thịt gác bếp
Một trong các món ẩm thực độc đáo tại Sapa được du khách yêu thích, biết đến và lựa chọn khi đi du lịch Sapa là món thịt hun khói, hay còn gọi là thịt gác bếp.
Đặc sản núi rừng Tây Bắc - thịt trâu gác bếp Sapa |
Món thịt gác bếp được đồng bào các dân tộc miền núi Sapa chế biến rất độc đáo thơm ngon cùng các loại gia vị, đặc biệt là vị cay của ớt Mường khương, vị ngọt của thịt tươi, vị thơm của hạt dổi... thời gian sấy 5 - 6 ngày tùy theo thời tiết.
Khi làm thịt phải tươi còn nóng, sau đó tẩm ướp gia vị và phơi nắng, phơi sương, sau đó sấy bằng bã mía hoặc một số củi rừng, cây thảo quả... Thịt gác bếp có thể chế biến từ thịt trâu, thịt ngựa, thịt lợn đều được. Nhưng món thịt gác bếp ở Sapa chủ yếu được làm từ Thịt trâu.
Cách tạo nên món thịt trâu gác bếp nổi tiếng của Sapa |
Thịt trâu sau khi chín có màu đen của khói hun lâu ngày, hương thơm lan tỏa hòa quyện mùi thơm của tiêu, gừng, mắc khén cùng mùi thơm của củi. Thịt trâu xé ra bên trong không khô đen như vẻ bên ngoài mà lại vẫn giữ được màu đỏ tươi nhờ thịt được chọn lọc từ những thớ thịt ngon nhất.
Món thịt trâu gác bếp xé chấm với chẩm chéo vô cùng hấp dẫn của Sapa |
Ngày trời đông lạnh giá mà đến thăm vùng Tây Bắc, ngồi bên bếp lửa ấm nồng, uống chén rượu ngô, cắn miếng thịt trâu xé sợi thì đúng là không còn gì bằng. Vị cay của rượu cùng thịt trâu xộc lên mà thấy ấm nóng cả người, xua tan đi cái lạnh giá của núi rừng.
Vốn được người dân tộc làm với mục đích dự trữ mang theo làm lương thực những ngày lên nương làm rẫy nên dù được làm thủ công hoàn toàn và không có sự hỗ trợ của chất bảo quản, thịt trâu gác bếp vẫn có thể sử dụng trong cả tháng trời mà không lo mốc hỏng. Cũng bởi tính chất này mà nhiều người thường thích mua cả mấy cân mang về nhà cất trong tủ lạnh, dùng làm đồ ăn vặt vui miệng hoặc đồ nhắm cho những bữa nhậu với bạn bè.
4. Xôi bảy màu
Xôi bảy màu - đặc sản Sapa |
Xôi bảy màu là một món ăn ngon gồm 7 màu màu đỏ tươi, màu đỏ thẫm, nâu, màu xanh cửu long, màu xanh chuối, xanh vàng và vàng như một chiếc cầu vồng đủ sắc trong nền ẩm thực phong phú của Sapa. Xôi bảy màu được người dân Sapa vô cùng coi trọng bởi ngoài sự ngon miệng và đẹp mắt thì đằng sau 7 màu xôi lại là một ý nghĩa tâm linh cao cả.
Người dân Nùng Dính thường ăn xôi 7 màu vào dịp Tết vì cho rằng sẽ mang lại may mắn trong năm tới. Và ngày 1/7 âm lịch hàng năm món xôi lại được nấu với ý nghĩa tưởng nhớ những tháng ngày bi hùng của lịch sử Nùng Dín. Du khách có thể mua xôi 7 màu ở chợ phiên và những khi lễ tết.
Nguồn gốc xôi 7 màu được người dân kể lại, xưa kia có một số thế lực thù địch đến xâm chiếm vùng đất của người Nùng Dín do đó họ đã cùng nhau đứng lên đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm. Cuộc chiến gay cấn đó diễn ra từ tháng 1 đến tháng 7 năm đó và rất nhiều anh em Nùng Dín đã anh dũng hi sinh.
Những mâm xôi được dâng lên để tưởng nhớ những anh hùng Nùng Dín dũng cảm Sapa |
Do đó cứ đến ngày 1/7 âm lịch hàng năm người Nùng Dín lại tổ chức lễ hội để ăn mừng cho ngày chiến thắng và cũng là tưởng nhớ đến những người đã khuất. Và theo đó xôi 7 màu tượng trưng cho 7 tháng kháng chiến trường kỳ của người Nùng Dín. Mỗi màu xôi lại mang một ý nghĩa khác nhau: màu xanh lá tượng trưng cho mùa xuân, màu đỏ thẫm chính là máu của những anh hùng đã ngã xuống, màu vàng là màu của sự li tán, màu đỏ tươi là màu của sự chiến thắng,.. Và để có được một dĩa xôi thơm ngon, đẹp mắt như vậy quả không phải là chuyện dễ.
Để làm được một đĩa xôi theo đúng 7 màu thì những người phụ nữ của dân tộc Nùng Dín đã phải bỏ ra rất nhiều công sức, chăm chút tỉ mỉ cho từng màu xôi thì xôi mới ngon và lên màu đẹp như ý. Tuy xôi có đến 7 màu nhưng 7 màu này được nhuộm hoàn toàn tự nhiên từ những cây lá, củ có sẵn, tuyệt nhiên không dùng phẩm màu hóa học nên vô cùng an toàn và thơm ngon.
Để có những dĩa xôi ngon tất nhiên phải chọn gạo cho ngon. Đó phải là loại gạo nếp hạt do dài, tròn, mẩy mang đi ngâm trong nước tầm 12 tiếng đồng hồ, sau đó vớt ra rồi ngâm tiếp với những nước màu trong vòng 3 giờ nữa. 7 màu của xôi được nhuộm từ một số loại cây như nghệ, hoa vàng, cây cầm hoa,...
Những dĩa xôi 7 màu hoàn toàn chỉ dùng từ lá, củ trên rừng sapa |
Màu vàng của xôi có được từ màu của cây hoa vàng đem phơi khô, khi cần dùng thì đem lá khô đó ra luộc thêm chút muối (nhiều muối hơn màu sẽ nhạt đi), lọc kỹ rồi dùng ngâm gạo.
Màu đỏ tươi thì dùng lá xôi đũa đem luộc cho kỹ, lọc lấy nước đó dùng để ngâm gạo.
Màu tím cũng được lấy từ lá xôi đũa nhưng còn cần giã với tro bếp (tro của than củi), lá trước khi giã đem đốt cho hơi héo rồi giã với tro bếp theo tỉ lệ định sẵn rồi mới đêm đi ngâm gạo.
Màu xanh cửu long thì được lấy từ màu của hỗn hợp lá xôi hoa và tro bếp, làm theo tỉ lệ đã định và đem đi ngâm gạo. Sao cho khi vớt ra gạo có mùa xanh cửu long nhạt khi đồ lên sẽ được màu chuẩn, còn nếu bị đậm màu khi đồ sẽ sang màu chàm.
Màu xanh lá thì phải dùng gạo nếp đã ngâm ngả sang vàng ngâm cùng nước xôi màu xanh cửu long với lượng vừa đủ.
Màu nâu có được từ việc ngâm gạo màu đỏ cờ rồi ngầm tiếp với lá xôi đũa và tro trong vòng 1 giờ rồi vớt ra.
Màu đỏ thẫm là màu khó nhuộm nhất, phải dùng gạo nếp đã nhuộm đỏ đem ngâm với lá xôi hoa theo tỉ lệ có sẵn. Tỉ lệ này phải vô cùng chính xác vì nếu chỉ cần sai một chút sẽ không ra được màu như ý.
Gạo được ngâm kỹ để cho ra màu ưng ý Sapa |
Khi gạo đã ngâm xong vớt gạo ra, đãi sạch sẽ và cho riêng mỗi màu trong một phần nồi đồ trong vòng 1,5 đến 2 tiếng là xôi chín. Và theo những người phụ nữ Nùng Dín thì trong khi nấu xôi không được thêm muối để tránh màu xôi bị xấu. Cũng chính từ sự tỉ mỉ cầu kỳ đó đã mang đến cho loại xôi này một hương vị chẳng lẫn đi đâu trong nền ẩm thực Sapa đa dạng này.
Đồ xôi trong nồi hấp sapa |
Khi đến gần đãi xôi đã thấy mùi hương thoang thoảng thơm mùi gạo, mùi lá vô cùng quyến rũ. Khi thưởng thức món xôi 7 màu bạn sẽ cảm nhận được vị dẻo dai của những hạt cơm tròn đều thơm phức mà còn cảm nhận được vị của núi rừng Tây Bắc - giản dị nhưng đậm đà khó quên. Xôi 7 màu thường được ăn kèm với thịt nướng hoặc muối vừng. Những du khách đã từng thưởng thức món ăn này đều không tiếc lời khen ngợi.
5. Cuốn sủi Sapa
Đặc sản Sapa Lào Cai. Ảnh: dulichchat |
Dù vào mùa nào thì thời tiết của Sapa cũng có chút se lạnh vào sáng sớm và buổi tối, thậm chí mùa đông còn rét đến run người thì có một món ăn nóng hổi cực kỳ thích hợp với thời tiết. Đó là một món ăn có cái tên rất lạ: cuốn sủi, hay còn gọi là phở khan.
Cuốn sủi Sapa có thể sử dụng như món ăn sáng lót dạ hoặc làm món ăn khai vị trong các bữa ăn. Sợi phở dai dai, trắng trong như chính tấm lòng đôn hậu của người dân bản địa. Giờ đây, món Cuốn sủi được nhiều nơi học tập để chế biến và kinh doanh. Thế nhưng, không có nơi đâu, Cuốn sủi giữ được hương vị đất trời Tây Bắc như ở Sapa.
Tuy đơn giản nhưng Cuốn sủi Sapa lại mang hương vị riêng của mảnh đất này. Ảnh: we25 |
Tuy chỉ mới xuất hiện cách đây vài năm, nhưng Cuốn sủi đã chinh phục được thực khách trẻ tuổi bốn phương. Cuốn sủi vốn là món ăn của người Hoa, nhưng do người Hoa hay buôn bán tấp nập ở khu vực biên giới. Nên món ăn ấy cũng vì thế mà phổ biến và dần dần trở thành món ăn đặc sản của Lào Cai.
Cách làm món cuốn sủi Sapa
Nghe tên có vẻ giống sủi cảo, nhưng không hề có sủi cảo, mà Cuốn sủi có nghĩa là món ăn khô trong nước xốt hay còn được gọi là phở khan. Những du khách lần đầu mới ăn Cuốn sủi Sapa hẳn sẽ thấy rất ngạc nhiên về món ăn này. Bởi Cuốn sủi được làm từ những sợi bánh phở mềm mềm như món phở ở Hà Nội. Nhưng món Cuốn sủi ở Sapa lại không có nhiều nước như phở mà chỉ có một chút nước sốt đặc sệt như bánh canh ở Huế, Sài Gòn vừa đủ làm ướt bánh phở.
cuốn sủi được làm từ những sợi bánh phở mềm mềm |
Bánh phở trắng tinh to hơn sợi phở Hà Nội sẽ được đặt dưới đáy bát. Trên lớp phở được rắc lên chút mỳ bằng củ rong hoặc khoai lang rang giòn cùng nhiều gia vị, thịt bò được nấu sền sệt kì công, thịt lợn thái sợi, miếng trứng luộc cắt làm tư và một chút bột tiêu nhỏ mịn, hạt đậu phộng dã nhuyễn lên trên cùng. Cuối cùng là người ta chan ngập thứ nước sốt được nấu đặc sền sệt vào bát. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến hương vị của món cuốn sủi.
Nước sốt cuốn sủi phải được làm từ xương ống lợn ninh nhừ khoảng năm tiếng, kèm theo một số gia vị thơm đậm mùi hương của quế, của thảo quả, của núi rừng Tây Bắc. Bát cuốn sủi ngon khi nước sốt ngọt vừa đủ, không đượm quá và không nhạt quá, khiến cho bát phở vừa thơm lại vừa ấm nóng và đậm đà lạ miệng.
Ngoài ra, cuốn sủi Sapa còn được ăn kèm với với dưa cải muối thái nhỏ trộn chua ngọt để tăng thêm sự hấp dẫn. Ảnh: monngon |
Khi ăn, tuỳ sở thích từng người có thể cho thêm rau thơm, vài lát ớt, tương ớt… Ngoài ra, món ăn này còn được ăn kèm với dưa cải muối thái nhỏ trộn chua ngọt để tăng thêm sự hấp dẫn cho món ăn.
hòa trong nước sốt đậm đà và lạ miệng nhanh chóng ngấm vào từng giác quan. Món này thường được ăn vào buổi sáng và cực kỳ thích hợp với khí hậu se lạnh của mảnh đất vùng cao này.
Đặc biệt là Cuốn sủi không chỉ hợp túi tiền mà còn có thể ăn mọi mùa trong năm dù là đi du lịch Sapa mùa đông hay mùa hè và đã ăn một lần thì ắt hẳn sẽ không thể quên được hương vị đó, thế nên nó luôn là sự lựa chọn hàng đầu của những bạn trẻ khi đến đây.
6. Rau cải mèo
Rau cải mèo Sapa là giống rau được reo trồng hoàn toàn tự nhiên |
Sapa không những là vùng đất danh lam thắng cảnh đẹp mà còn được thiên nhiên ban tặng rất nhiều món ăn đặc sản với hương vị đậm đà khó quên. Trong đó rau cải mèo là một trong số những đặc sản mà núi rừng đã ưu ái ban tặng cho vùng đất Sapa.
Rau cải mèo là giống rau được reo trồng hoàn toàn tự nhiên, không thuốc kích thích tăng trưởng, không thuốc bảo vệ thực vật và thậm chí là không có phân bón trong khi gieo trồng. Rau cải mèo là loài cải có sức sống rất mãnh liệt, sinh trưởng khoẻ và chống chịu sâu bệnh rất tốt.Hơn nữa, rau cải mèo còn sinh trưởng tươi tốt trên nhiều chất đất, thậm chí đất cằn cỗi vẫn có thể phát triển được. Do đó du khách hoàn toàn yên tâm thưởng thức mà không phải lo lắng đến vấn đề thực phẩm bẩn.
Cây cải mèo thuộc hàng rau có bẹ, lá dài màu xanh đậm, viền lá xoăn |
Cây cải mèo thuộc hàng rau có bẹ, lá dài màu xanh đậm, viền lá xoăn cảm giác như có gai, loại có lông, loại trơn. Rau cải mèo loại nhỏ, lá có lông li ti ăn ngon hơn loại lớn. Rau cải mèo được người dân gieo hạt ra ven nương, ven đồi để cây mọc tự nhiên, cứ thế lớn lên xanh tốt.
Cải mèo có vị đăng đắng tạo cảm giác ăn ngon miệng và đặc biệt giòn nên món ăn chế biến bằng nhiều cách như: xào, luộc, nấu canh, nhúng lẩu, nấu thịt…. Một trong những cách kết hợp ăn ý nhất là chế biến rau nấu với thịt gà băm rối, thêm chút gừng đập giập, nêm mắm muối vừa ăn, du khách sẽ không quên được chất ngọt của thịt gà hòa quyện với cái ngọt đắng của rau cải cùng với vị cay cay của gừng sẽ để lại ấn tượng sâu lòng người thưởng thức.
món ăn được chế biết từ cải mèo |
Rau Cải Mèo còn được xào với thịt bò, đặc biệt là thịt hun khói. Những sợi rau giòn, dai hơi nhặng đắng kết hợp với món thịt hun có vị đậm đà rất riêng tạo nên nét đặc sắc cho ẩm thực vùng cao. Một cách thưởng thức khác chính là dùng để làm rau ăn lẩu.
Nên chọn những loại rau còn non, mới lên được vài lá thì rau sẽ mềm hơn khi được nhúng qua nước lẩu. Và một điều nên lưu ý là cho dù chế biến theo cách nào thì cũng không nên dùng dao để thái rau mà dùng tay vặn rau thành từng đoạn để rau giữ lại được hương vị riêng.
Nếu đến với Sapa du khách nhất định không nên bỏ qua món ăn này. Đặc biệt du khách có thể mua loại rau này về làm quà cho gia đình và bạn bè cùng thưởng thức với giá không hề đắt nhưng vô cùng ý nghĩa.
7. Rau mầm đá
Món ăn của mầm đá - đặc sản Sapa |
Rau cải mầm đá là món ăn quen thuộc, đặc sản mà ai một lần đặt chân tới Sapa đều muốn thưởng thức. Rau mầm đá phát triển mạnh nhất trong điều kiện khí hậu lạnh thường từ tháng 9 cho tới tháng 2 âm lịch hằng năm.
Món ăn của mầm đá là món ăn mà Trạng Quỳnh dùng để dâng tới Vua trước kia. Đây là câu chuyện dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Rau cải mầm đá là món ăn đặc sản có một không hai ở vùng đất Sapa. Rau cải mầm đá thường rất hiếm, không có sẵn vì nó phát triển theo mùa và mọc một cách tự nhiên. Vậy nên, không được bán nhiều như các loại rau thông thường. Đặc biệt, chỉ trồng rau cải mầm đá được vào mùa lạnh nên món ăn này thường có mặt trong những mâm cỗ truyền thống ngày Tết. Khí hậu càng lạnh thì rau mầm đá lại càng ngon và ngọt hơn
Món ăn của mầm đá là món ăn mà Trạng Quỳnh dùng để dâng tới Vua trước kia |
Rau cải mầm đá Không chỉ ngon, ngọt mà công dụng của rau mầm đá đối với sức khỏe của con người rất tốt như: Giải rượu, bổ xương.
Để có thể cải thiện, bồi bổ sức khỏe, nhiều người dân chuyên phượt núi thường lựa chọn rau mầm đá là món ăn hàng ngày. Về mùi vị, cải mầm đá có vị tương tư như loại cải ngồng thông thường. Tuy nhiên, ăn rau mầm đá ngọt và mềm hơn nhiều.
Rau cải mầm đá không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng mà còn là vị thuốc quý giúp phòng và chữa nhiều loại bệnh - Ảnh minh họa: Internet |
Nhiều du khách sẽ thắc mắc tại sao lại có tên là mầm đá, rau có liên quan gì đến sỏi đá không? Nếu một lần được nhìn trực tiếp, du khách sẽ thấy hình ảnh rau mầm đá tương tự với cải thường nhưng có kích thước lớn hơn, xung quanh mọc rất nhiều mầm xanh và non như búp măng tre.
Rau cải mầm đá thích hợp phát triển ở thời tiết rét, nên càng lạnh thì rau cải mầm đá lại ngon và ngọt hơn. Rau cải mầm đá còn được mệnh danh là rau rừng xứ lạnh.
Món ăn từ Cải mầm đá |
Nhiều du khách khi nói đến rau cải mầm đá sẽ nghĩ rằng rau rất cứng, khó ăn. Đặc biệt nhiều du khách còn nghĩ món ăn này có cách chế biến rất cầu kỳ và phức tạp. Tuy nhiên, rau cải mầm đá rất mềm nên khi chế biến bạn phải cẩn thận nếu không rau sẽ rất dễ bị mềm nhũn.
8. Cá suối sapa
Cá suối nướng |
Cá suối Sapa có nhiều loại và điều đáng nói là không hề có vị tanh. Khi du khách đến Sapa du lịch mà muốn thưởng thức cá suối chỉ việc nướng chín trên than củi, rồi ăn nóng ngay hoặc nướng qua, đem rán ròn rồi chiên với nước sốt cà chua cùng gia vị bột cà ri, bột hồ tiêu khi đó trên mâm cơm đã có một món ăn ngon lành.
Cá suối ở đây lớn cỡ 2-3 ngón tay. Cá thường có màu xanh để dễ ngụy trang khi lẫn vào những kẽ đá rong rêu. Cá suối nhiều xương nên người vùng cao chỉ chiên giòn để ăn cả xương lẫn thịt chứ không nấu riêu hay kho, hấp… Những con cá trong chảo mỡ, ngả sắc vàng ươm, tỏa hương thơm ngây ngất. Đầu cá bùi béo, giòn tan, lớp vảy mỏng sởn lên vì mỡ nóng, bên trong là lớp thịt thơm và ngọt, có thể nhai luôn cả phần xương cá giòn tan. Chấm cá trong mắm pha chanh ớt, ăn với ngọn cải ngồng luộc chín tới và cơm nóng trong buổi tối Mường Hum lành lạnh, cảm giác thật tuyệt.
Cá suối chiên |
Ngoài món cá chiên giòn, người dân địa phương còn mê món ruột cá suối chưng. Họ xem đó là đặc sản và là vị thuốc dân gian giúp đàn ông khỏe mạnh, phụ nữ trẻ trung.
Hiện nay đập thủy điện được xây dựng tại Sapa, nguồn cá giảm dần. Người dân phải di chuyển lên phía thượng nguồn để bắt cá. Nên hiếm lắm mới có được cá suối nên khách du lịch đừng bỏ qua cơ hội ăn thử món này khi đi du lịch Sapa.
9. Gà đen
Gà đen - đặc sản Sapa |
Gà đen hay còn được biết đến với cái tên đặc biệt là gà ác là một giống gà quý hiếm. Gà đen là giống gà đặc sản nổi tiếng của Sapa. Gà đen nơi đây đặc biệt nhỏ, mỗi con trưởng thành chỉ nặng tầm 1,2 kg.
Đặc điểm nổi bật của giống gà này là thịt, xương có màu đen, hàm lượng mỡ trong thịt ít, thịt săn chắc, thơm ngon. Vì nó mang trong mình rất nhiều đặc điểm nên nó cũng chứa hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Thịt gà đen, xương đen, không những có tác dụng tăng cường sinh lực. Thịt gà đen còn là dược liệu đặc biệt trong chữa bệnh tim mạch.
Thịt gà đen rất thơm ngon và giàu dinh dưỡng có thể chế biến ra nhiều món ăn hấp dẫn. Ví dụ như các món : rán, xào, hấp, luộc, quay. Song hai món ăn hấp dẫn nhất du khách không nên bỏ lỡ khi đến du lịch Sapa đó là gà đen nướng mật ong và gà đen hầm thuốc bắc.
Gà ác nướng mật ong, đặc sản của vùng Tây Bắc. |
Người dân sẽ chọn những chú gà trưởng thành để nướng. Đầu tiên gà đen được đem đi làm sạch và để ráo nước. Tiếp theo là bước tẩm mật ong. Một chú gà ác nướng hoàn hảo phải mang hương vị thơm lừng của mật ong hòa quyện cân đối với mùi thơm của thịt gà ức. Những chú gà sẽ được nhồi thêm thịt xay, nấm hương băm nhuyễn, mộc nhĩ thái nhỏ, hạt tiêu rừng. Sau đó, gà được nướng trên ngọn lửa nhỏ để phần thịt bên trong chín đều. Khoảng 40 phút sau, người dân sẽ cho thêm củi để ngọn lửa to hơn. Việc này giúp làm giòn phần da bên ngoài. Trong khi nướng, ta phải quay đều để thịt chín mang màu đen nâu óng ánh và đậm vị mật ong hơn.
Món ăn Gà đen nướng mật ong thường ăn kèm với lá bạc hà tươi. Vắt thêm một chút nước cốt chanh quanh chú gà nướng và phần thịt phía trong. Mùi thơm của thịt hòa với mùi mật ong, thêm chút vị thanh chua của chanh quyện với hỗn hợp thịt món ngon Sapa bên trong. Khi đi du lịch ở Sapa, bạn có thể tìm đến phố nướng gà ức nổi tiếng Hàm Rồng. Địa chỉ : số 1 phố Hàm Rồng, thị trấn Sapa để thưởng thức một chú Gà ác nướng ngon đúng điệu.
Món gà đen hầm thuốc bắc |
Ngoài ra, Gà đen còn có thể hầm với thuốc bắc tạo nên món ăn thơm ngon và bổ dưỡng nhất. Mỗi chú gà ở Sapa chỉ nặng từ 1 đến 1,2 kg nên khi chế biến rất vừa ăn. Gà sau khi được làm sạch sẽ ướp cùng một số loại gia vị. Sau đó đem hầm cùng một số vị của thuốc bắc. Cho đến khi kiểm tra thấy thịt gà đã nhừ, miếng thịt tỏa ra mùi thơm của gà quyện cùng vị của thuốc bắc là ta đã có thể thưởng thức món ăn bổ dưỡng gà đen hầm thuốc bắc.
Y học cổ truyền cho rằng gà ác rất bổ cho phổi, thận. Đặc biệt, thịt gà ác là loại thịt không gây ngứa như các loại gà khác. Gà đen có khả năng giúp mau lành xương. Phụ nữ đang mang thai hoặc sau khi sinh, người già yếu, kém ăn, trẻ em còi xương, người vừa bệnh một thời gian dài… nên ăn các món gà ác hầm thuốc bắc, nhân sâm hoặc tiềm với nấm linh chi. Nhóm gà thịt, xương đen, thường được sử dụng như là thuốc bồi bổ cho cơ thể, chữa bệnh suy nhược,….
10. Cháo tày
Ở Việt Nam, tất cả mọi người đều rất quen thuộc với món cháo. Tùy theo điều kiện, sở thích và từng vùng địa lý mà người dân có thể chế biến hàng chục loại cháo khác nhau. Đơn giản như cháo thịt băm, cháo đậu, cháo sườn… Người có điều kiện hơn thì dùng cháo bồ câu, cháo gà, cháo cá… Người Tày ở Sapa có ba món cháo ngon, bổ, lạ là cháo nhộng ong, cháo lươn và cháo tắc kè.
Cháo nhộng ong
Một tổ ong cỡ lớn (Ảnh sưu tầm) |
Sapa có rất nhiều loại ong khác nhau, mỗi loại ong lại có một công dụng có loại chuyên lấy mật, loại khác lại được sử dụng như một vị thuốc quý. Trong đó, loài ong vò vẽ là nỗi kinh hoàng cho con người và gia súc nếu mon men đến gần tổ chúng hoặc không may giẫm vào tổ ong dưới đất. Nhưng chính loại ong hung dữ này lại có rất nhiều nhộng. Nhộng ong là món ăn rất ngon và bổ dưỡng. Những con nhộng ong trắng nõn, to gần bằng ngón tay út có một sức hấp dẫn to lớn với những người sành ăn.
Đến những em nhỏ địa phương khi lấy tổ ong cũng biết thưởng thức món ngon Sapa cháo nhộng ong. Tổ nhỏ ít nhộng, các em dùng để câu cá hoặc ăn sống. Nếu gặp tổ to, các em cũng tổ chức nấu cháo ngay tại bãi chăn trâu. Tuy nhiên, những tổ ong to có đến vài cân nhộng thì chỉ những người lấy ong sành sỏi mới dám động vào.
Cháo nhộng ong (Ảnh sưu tầm) |
Món cháo nhộng ong vẫn được coi là món ăn đặc sản Sapa lại có cách chế biến giản đơn vô cùng. Người nấu chỉ cần thả một phần nhộng tươi vào nồi, phần còn lại đem rang thơm với hành, mỡ rồi cho tất cả vào nồi cháo. Người nào thích nhâm nhi thì lấy một ít nhộng ong rang này nhắm cùng rượu thì say lúc nào chẳng hay.
Ai đã từng bị ong vò vẽ đốt thì sẽ biết thế nào là cảm giác mạnh. Nhưng vị ngon của cháo nhộng ong còn mạnh hơn nhiều lần. Chính hương vị ngon ngọt độc đáo của món cháo này đã khiến biết bao người bất chấp hiểm nguy để tìm tổ ong và nhộng ong.
Cháo lươn
Cháo lươn (Ảnh sưu tầm) |
Nói đến món ăn ở Sapa của người Tày, những người sành ăn khó có thể bỏ qua món cháo lươn. Nơi nào có ruộng lầy thì ở đó sẽ có lươn mà người Tày lại vốn quen với đồng ruộng nên rất thạo nghề bắt lươn, bắt ếch.
Theo người dân nơi đây, chỉ cần bắt được khoảng một cân lươn là họ đã nấu được nồi cháo đủ cho 5 – 6 người ăn. Nếu có gạo mới thơm, nhiều nhựa lại gặp người nấu “thạo nghề” thì du khách sẽ được thưởng thức một món cháo lươn thơm ngon, đúng vị đặc trưng.
Gạo được đãi sạch cho vào nồi, đổ đủ nước, đun nhỏ lửa. Lươn được chọn những con to, màu vàng sẫm. Sau đó, dùng lá mướp hoặc lá bí đỏ vuốt cho sạch nhớt trên mình lươn rồi dùng dao sắc chặt đuôi, thả lươn vào nồi cháo, đậy vung lại. Đợi cho lươn vừa chín tới thì vớt ra, gỡ bỏ lòng, bỏ xương. Thịt lươn băm nhỏ, một nửa cho lại vào nồi cháo nấu cho nhừ, nửa còn lại đem rang thơm với mỡ, muối, gia vị cuối cùng thêm chút rượu và rau răm vào.
Nồi cháo lươn không cần cho thêm bột ngọt, bởi loại gia vị này sẽ làm giảm sự ngon ngọt tự nhiên của cháo. Khi ăn, cháo được múc ra bát to, cho thêm thịt lươn rang. Người Tày vẫn nói: nếu có đủ lươn thì ngày nào cũng có thể ăn cháo.
Cháo tắc kè
Cháo tắc kè (Ảnh sưu tầm) |
Một món ăn ngon tại Sapa nữa chính là cháo tắc kè. Loài vật này rất quen thuộc của núi rừng Sapa. Tiếng tắc kè vang lên làm cho những bản làng xa bớt hiu quạnh. Không những thế, theo người dân địa phương, con vật này còn giống như một “nhà khí tượng học” đáng tin cậy, nếu chúng kêu lẻ tiếng thì trời nắng, chẵn tiếng thì trời mưa.
Ngoài ra tắc kè còn có giá trị cao bởi là vị thuốc quý có tác dụng tăng cường sinh lực. Trẻ con gầy yếu, suy dinh dưỡng hay người mới ôm dậy muốn phục hồi sức khỏe chỉ cần ăn cháo tắc kè. Chào tắc kè là một trong những món vừa ngon lại vừa bổ dưỡng của người Tày ở Sapa.
Người dân Sapa chọn con to, khỏe, đuôi lành lặn, lột da, bỏ ruột gan, rửa sạch bằng rượu rồi băm nhỏ cả xương. Khi nấu, họ cho tắc kè vào chảo phi hành mỡ, nêm muối, tiêu cho giòn. Sau đó, thịt này cho vào cháo ăn nóng. Món ăn chỉ giản dị vậy thôi mà không hề dễ kiếm; mộc mạc vậy thôi mà lại vô cùng thơm ngon.
Trong mỗi chuyến du lịch ở Sapa, ngoài việc khám phá các danh lam thắng cảnh, tìm hiểu nền văn hóa của các dân tộc thiểu số, thì du khách nên tự mình nếm thử hương vị của những món đặc sản địa phương. Chắc chắn đây sẽ là một lựa chọn thú vị và rất đáng để trải nghiệm.