Anh Phan Văn Sơn chăm sóc đàn le le |
Anh Phan Văn Sơn ở ấp Phú Long, xã Phú Thành B, huyện Tam Nông là người tiên phong nuôi le le ở Đồng Tháp đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Anh Phan Văn Sơn chia sẻ: “Trong một lần xem tivi thấy người dân ở tỉnh Bạc Liêu thuần dưỡng và nuôi le le, vịt trời có lãi... nên đã tạo động lực cho tôi tìm hiểu để nuôi nhằm kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Qua tìm hiểu, tôi thấy mô hình nuôi le le rất hay nên quyết định cải tạo 2.500m2 đất ruộng, đào ao, bao lưới B40 xung quanh và tìm mua con giống về thả nuôi. Le le là loài động vật hoang dã rất cần nơi yên tĩnh, hạn chế bóng dáng người và tiếng động cơ...”.
Sau khi nắm vững kiến thức và kỹ thuật, năm 2021, anh Sơn thiết kế hệ thống chuồng trại và 2 lò ấp trứng; đồng thời đầu tư vốn trên 22 triệu đồng đến tỉnh Bạc Liêu mua 20 cặp le le giống 4 tháng tuổi (800 ngàn đồng/cặp) và 60 con vịt trời 2 tháng tuổi với giá 6 triệu đồng đem về thả nuôi.
Vì là động vật hoang dã nên trước khi nuôi le le, anh Sơn đã đăng ký với cơ quan chức năng. Lúc đầu, le le còn nhỏ, anh Sơn cho ăn thức ăn công nghiệp có nhiều độ đạm. Khi le le lớn hơn, anh Sơn cho ăn bổ sung thêm rau muống, lục bình... Le le nuôi được từ 3 tháng trở lên là xuất bán.
Trung bình, mỗi con le le thương phẩm, anh Sơn bán với giá từ 230.000 - 240.000 đồng/con. Từ lúc nuôi đến nay, anh Phan Văn Sơn đã xuất bán được nhiều đợt, mỗi đợt từ 30 - 50 con le le thương phẩm cho các nhà hàng, quán ăn ở địa phương, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Không chỉ bán le le thương phẩm, anh Sơn còn cho le le đẻ trứng và ấp nở để bán con giống.
Theo anh Sơn, le le nuôi khoảng 8 tháng là đẻ trứng. Mỗi năm, le le cái đẻ từ 3 - 5 lần, mỗi lần đẻ từ 8 - 10 trứng; đưa vào lò ấp khoảng 28 ngày trứng nở ra le le con. Hiện tại, anh Sơn nuôi gần 200 con le le. Trong đó, có 40 con le le bố mẹ. Hai lò ấp trứng le le đang hoạt động ngày đêm, với công suất ấp mỗi lò từ 300 - 400 trứng.
Anh Sơn đang chuẩn bị gây con giống le le bố mẹ và chọn những con le le thương phẩm xuất bán cho các nhà hàng, quán ăn... Nguồn thu nhập từ việc bán le le thương phẩm và con giống le le của anh Sơn khá ổn định, góp phần cải thiện kinh tế gia đình.
Mô hình nuôi le le của ông Sang |
Cũng nhờ nuôi le le mà ông Trần Văn Sang, ở ấp 13, xã Khánh Lâm, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) có thu nhập trên 100 triệu đồng.
Ông Sang chia sẻ, cách đây 4 năm, trong một lần đi giăng lưới, ông Sang bắt được 2 con le le, một con trống và một con mái. Thấy 2 con le đẹp và dễ thương nên ông không bán mà để lại nuôi. Thế là mối lương duyên với nghề nuôi le le của người nông dân này cũng bắt đầu từ đây.
Sau một thời thời gian nuôi, con le le mái đẻ được 9 trứng, ấp gần một tháng thì nở được 9 con. Toàn bộ số le le con này ông Sang tiếp tục để lại gia đình nuôi, không bán con giống.
Một năm sau, gia đình ông Sang có hơn 100 con le le lớn nhỏ. Khi những con le le con đến tuổi trưởng thành, nó cứ tiếp tục sinh sôi nảy nở.
Thấy le le nuôi mau sinh sản, đẻ sai, nên ông Sang tìm đầu ra để bán bớt. Trên thị trường hiện nay, một trứng le le giá bán là 10.000 đồng, một con le giống giá bán 100.000 đồng, một con le le sinh sản giá bán từ 400.000 đến 500.000 đồng, một con le le thịt giá bán được 220.000 đến 250.000 đồng.
Nơi tiêu thụ le le, chủ yếu là ở các nhà hàng trong và ngoài tỉnh Cà Mau. Hiện nay, gia đình ông Sang đang nuôi có 30 cặp (60 con) le le sinh sản và trên 150 con le le thịt, mỗi con có trọng lượng từ 400 đến 600 gam.
Đàn le le thị này đang trong thời kỳ phát triển tốt và sắp đến ngày cho xuất bán. Trong 3 năm qua, năm nào gia đình ông Sang cũng có thu nhập trên 100 triệu đồng từ bán trứng, le le giống, le le thịt, le le sinh sản.
Nhờ có nguồn thu nhập này mà những năm gần đây, kinh tế gia đình ông Sang ngày một khấm khá hơn.
Ông Sang cho biết, le le rất dễ nuôi, ít bệnh tật, công chăm sóc cũng như nuôi gà, nuôi vịt. Nhưng về kinh tế thì nuôi le le lợi nhuận cao gấp 5 đến 7 lần so với nuôi gà, nuôi vịt. Thức ăn của chúng chủ yếu là bèo cám, cám xay từ lúa hay thức ăn được chế biến sẵn. Le le là một thứ chim trời, chúng vừa biết bay, vừa biết bơi rất giỏi.
Chính vì vậy, khi nuôi le le phải căng lưới mành xung quanh để không cho chúng bay ra ngoài. Nơi nuôi chủ yếu là dưới ao, đìa nước ngọt và phải có đất khô ráo để làm chỗ cho nó sinh sản và ấp trứng.
Thông thường, le le đẻ trứng vào mùa mưa, 1 năm có thể đẻ từ 6 đến 7 lứa, mỗi con mái đẻ từ 10 đến 15 trứng.
Thời gian le le ấp từ 25 đến 27 ngày thì trứng sẽ nở. Sau khi nở được vài ngày tuổi, le le con bắt đầu theo mẹ để kiếm ăn.
"Trong thời gian tới, tôi tiếp tục mua cây, lưới mành về bao xung quanh cái ao phía sau nhà để tiếp tục thả nuôi khoảng 100 con le le giống. Qua đó, nhằm tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình từ mô hình nuôi le le", ông Sang nói.