Dê Saanen là giống dê chuyên dụng cho sữa dê có nguồn gốc ở Thụy Sĩ. Nó được nuôi ở Pháp và nhiều nước châu Âu. Dê Saanen có tầm vóc lớn, sản lượng sữa cao, đặc tính cho sữa tốt, hiền lành, trầm lặng, dễ dạy nên dược nuôi phổ biến để sản xuất sữa.
Ông Trần Văn Miên bên mô hình chăn nuôi dê sữa của gia đình |
Gia đình ông Trần Văn Miên, ngụ ấp Bình Trung ở xã Định Trung, huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) khấm khá nhờ mô hình nuôi dê Saanen.
Sau quá trình tìm hiểu, tham khảo các mô hình kinh tế ở nhiều địa phương, ông Miên nhận thấy mô hình chăn nuôi dê sữa mang lại hiệu quả cao, đầu ra ổn định. Năm 2015, từ nguồn vốn tích lũy nuôi tôm và bán 4 con bò, ông Miên mạnh dạn đầu tư xây dựng 50m2 chuồng trại rồi mua 6 con dê giống Saanen về nuôi.
Ban đầu khi biết ông Miên có dự định chuyển đổi sang nuôi dê, gia đình phản đối do chưa có kiến thức về chăn nuôi, đầu ra sản phẩm sữa dê chưa ổn định.
Tuy nhiên, ông Miên chịu khó tìm hiểu thêm kiến thức từ sách báo và đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, phòng dịch bệnh, sau đó vận dụng vào mô hình chăn nuôi của gia đình.
“Để chăn nuôi có lãi từ dê sữa thì trước tiên phải chú trọng nguồn thức ăn. Thức ăn của dê sữa rất đa dạng và có sẵn trong nông nghiệp, nhưng chủ yếu là cỏ, xác bia và thêm thức ăn chuyên cho dê sữa. Gia đình tôi đầu tư 1 mẫu đất trồng lúa không có hiệu quả chuyển sang trồng cỏ để quyết định nhân đàn dê sữa. Nhờ vậy, giảm chi phí thức ăn công nghiệp, nâng cao năng suất chăn nuôi”, ông Miên chia sẻ.
Sau hơn 7 năm, gia đình ông Miên đã phát triển đàn dê lên 80 con chuyên lấy sữa, 2 con đực giống và 30 con dê cái tơ hậu bị.
Mỗi ngày, gia đình ông thu từ 25 - 30 lít sữa dê, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận từ việc bán sữa đạt khoảng 19 triệu đồng/tháng.
Giống dê Saanen nhập ngoại đã được anh Hải lai tạo và có thể chủ động được nguồn giống để cung ứng cho thành viên HTX |
Cũng nuôi giống dê Saanen, anh Lê Minh Hải ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh) có thu nhập tiền tỷ mỗi năm nhờ bán sữa.
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề nuôi dê lấy sữa, anh Hải cho biết, từng là vận động viên, rồi thầy dạy thể dục thể thao, nhưng với anh Hải, con dê đã quá quen thuộc và gắn bó với gia đình anh từ mấy chục năm nay.
Trước khi nuôi dê lấy sữa, anh Hải đã có 10 năm kinh nghiệm nuôi dê lấy thịt. Tuy nhiên, với sự nhạy bén, cộng với chịu khó đi tham quan học hỏi nhiều mô hình, anh Hải nhận thấy, mô hình nuôi dê lấy sữa nhiều tiềm năng, chưa có nhiều người làm, nên đến năm 2010, anh đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình và trở thành người nuôi dê lấy sữa đầu tiên của huyện Bình Chánh.
“Tôi đi học hỏi một số mô hình nuôi dê lấy sữa của Thái Lan, cộng với đọc tài liệu thấy sữa dê có thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ, nên quyết định đầu tư”, anh Hải nói.
Thế là, anh quyết định đầu tư nuôi dê lấy sữa từ giống dê Saanen nhập ngoại. Đây là giống dê cho sản lượng sữa cao, đặc tính cho sữa tốt, hiền lành, trầm lặng, dễ dạy nên được nuôi phổ biến để sản xuất sữa. Đến nay, gia đình anh Hải đã đầu tư và chăn nuôi khoảng 200 con dê bao gồm dê con, dê hậu bị và dê lấy sữa.
Với 1/3 số lượng dê lấy sữa trong tổng đàn, mỗi sáng anh Hải thu hoạch khoảng 60-80 lít sữa, rồi bảo quản và đưa vào dây chuyền sản xuất cho ra hai loại thành phẩm là sữa tươi thanh trùng và sữa chua, với thương hiệu YoooMilk đưa ra thị trường. Tất cả quy trình sản xuất sữa tươi thanh trùng và sữa chua YoooMilk đều thực hiện theo quy trình sản xuất ISO 22000:2018.
Với số lượng sữa dê thu mỗi ngày, gia đình anh Hải sản xuất ra tương đương 500 sản phẩm mỗi ngày và được tiêu thụ hết trong ngày. Việc nuôi dê lấy sữa cho lợi nhuận tốt hơn là nuôi dê thịt. Từ lúc mang thai đến khi sinh con thì chu kỳ khoảng 6-8 tháng là có thể thu hoạch sữa.
Mô hình nuôi dê lấy sữa của tôi là mô hình "3 không": không chất bảo quản; không kháng sinh; không thuốc bảo vệ thực vật/không thuốc diệt cỏ.
Hạn sử dụng cho sản phẩm từ sữa của tôi chỉ trong vòng 7 ngày, nếu đại lý không bán hết sữa dê sẽ được đem về xử lý lại và cho dê con dùng, anh Hải nói và cho biết thêm, để sữa dê không có mùi hôi, trong quá trình cho dê ăn, anh bổ sung thêm nguồn đậu nành để tăng thêm nguồn dinh dưỡng, tạo lượng sữa tốt cho con dê.
Nhờ mạnh dạn đầu tư thêm hệ thống máy móc, chế biến, chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi, đã giúp cho gia đình anh Hải có nguồn thu trên dưới 1 tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi dê lấy sữa.