Từ xa xưa, nhung hươu đã được coi là một phương thuốc quý |
Hươu sao (Cervus nippon) là một loài hươu có nguồn gốc ở phần lớn Đông Á và được du nhập đến nhiều nơi khác trên thế giới. Là một loài động vật nhai lại với 13 phân loài đã được mô tả gắn liền với các địa phương khác nhau, trong đó có hươu sao Việt Nam (Cervus nippon pseudaxis) là phân loài nhiệt đới.
Từ xa xưa, nhung hươu đã được coi là một phương thuốc quý do có chứa các hoạt chất sinh học liên quan đến năng lực hoạt động sinh dục cao và giúp tái tạo mô bào nhanh. Ngoài ra, thịt hươu và một số sản phẩm khác từ hươu cũng rất có giá trị.
Nhiều năm trở lại đây, hươu sao trong tự nhiên suy giảm trầm trọng do tình trạng săn bắn quá mức khiến loài động vật này nhiều năm liên tiếp nằm trong nhóm có nguy cơ bị tuyệt chủng. Cùng lúc đó, mô hình nuôi hươu sao lấy nhung hoặc nhân giống được nhiều nông dân phát triển.
Anh Nguyễn Hoàng Việt cho hươu ăn |
Với tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ, anh Nguyễn Hoàng Việt, sinh năm 1991, cư ngụ ấp Phú Thạnh A, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã lập nghiệp thành công với mô hình nuôi hươu sao cho thu nhập gần 450 triệu đồng/năm.
Anh Việt cho biết ý tưởng lập nghiệp từ hươu sao xuất phát trong những chuyến đi tìm hiểu thị trường ở các tỉnh miền Trung khi anh còn là trưởng phòng marketing của một công ty sữa.
Khi thấy những đàn hươu được nuôi thuần dưỡng ở các gia đình để lấy nhung, anh đã tìm hiểu tập tính của loài hươu, cách chăm sóc, thức ăn… và thấy loài động vật hoang dã này có thể sống tốt với khí hậu, thổ nhưỡng các tỉnh miền Tây.
Sau khi tìm hiểu cẩn thận, năm 2019, anh Việt quyết định ra Hà Tĩnh mua 10 con hươu về nuôi. Tận dụng chuồng lợn cũ của gia đình, anh Việt cải tạo thành trại nuôi hươu bằng cách sử dụng thanh gỗ ngăn thành các ô có kích thước khoảng 2m2.
Theo anh Việt, để đàn hươu sinh trưởng tốt, người nuôi phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng gồm thức ăn xanh phù hợp với tập tính của hươu trong tự nhiên và thức ăn tinh. Thức ăn xanh của hươu gồm các loại cỏ, lá ổi, lá mít, lá mía…; thức ăn tinh gồm cám gạo, bột ngô, bột sắn.
Loài hươu cũng thích ăn cỏ voi (loại cỏ mà nông dân miền Tây trồng cho bò ăn) nên anh Việt trồng cỏ trên 0,2ha đất và dùng máy xay nhuyễn ra.
Nếu nuôi hươu lấy nhung, khi hươu đực bắt đầu mọc nhung, người nuôi cần chú ý cho hươu ăn với chế độ dinh dưỡng cao hơn (tăng cường nhiều bột ngô) để nhung hươu đạt trọng lượng và giá trị cao.
Từ 10 con ban đầu, đến nay, đàn hươu của anh Việt đã phát triển lên 30 con. Theo kinh nghiệm của anh Việt, để đàn hươu phát triển tốt, không bị bệnh, người nuôi phải nắm chắc kỹ thuật nuôi, giữ vệ sinh chuồng trại, đảm bảo chất lượng nguồn thức ăn không bị nhiễm bẩn (bùn, cát, héo úa…); đặc biệt là nắm kỹ thời điểm hươu động dục, sinh trưởng, thời gian cho cắt nhung để hươu không bị mất sức.
Đàn hươu của anh Việt khi được 2 năm tuổi thì đã bắt đầu cho nhung và thời gian cho nhung trung bình khoảng 15 năm.
Cứ 8 tháng, hươu đực được lấy nhung một lần, trung bình từ 500-800g/con với giá thị trường từ 13-15 triệu đồng/kg. Riêng đối với hươu cái, sau 2 năm nuôi sẽ được phối giống, sinh hươu con. Sau từ 3-4 tháng, hươu con có thể xuất bán nguồn hươu giống ra thị trường, với giá từ 12-15 triệu đồng/con hươu đực và từ 8-10 triệu đồng/con hươu cái. Mỗi năm, anh Việt xuất bán trên 10 hươu con ra thị trường.
Ngoài việc bán nhung và hươu giống, anh Việt đã đầu tư trang thiết bị để chiết xuất và chế biến nhung hươu thành các sản phẩm như nhung hươu ngâm mật ong, nhung hươu ngâm rượu, các sản phẩm cao hươu...
Nguồn hươu giống và các sản phẩm từ nhung hươu của anh Việt được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Thu nhập từ đàn hươu của anh trên 450 triệu đồng/mỗi năm.
Anh Tiệp áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi hươu sao |
Trong khi đó, anh Nguyễn Hồng Tiệp (26 tuổi, trú xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) đang sở hữu trang trại hươu sao lớn nhất Hà Tĩnh.
"Hươu được nhiều người nuôi song quy mô rất nhỏ. Với thị trường rộng lớn, tôi đầu tư nuôi loài vật này với quy mô lớn hơn", Tiệp tâm sự.
Nam thanh niên 26 tuổi kể gia đình có truyền thống nuôi hươu. Việc bán lộc nhung và hươu giống giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định.
Năm 2018, sau khi tốt nghiệp Ngành Kinh tế Đầu tư, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Vinh (Nghệ An), Tiệp không xin làm việc tại các cơ quan Nhà nước hay công ty nào. Thay vào đó, anh dành nhiều thời gian tìm hiểu về thị trường.
Trong một lần được đi hội chợ trưng bày, nhận thấy sản phẩm nhung hươu của địa phương được thị trường đón nhận với giá cả khá cao. Từ đó, Tiệp quyết định trở về quê lập nghiệp với chính loài vật nuôi gắn bó bấy lâu của gia đình.
Chàng trai 26 tuổi lúc này cũng thuyết phục gia đình, anh em họ hàng góp vốn để mở trang trại hươu cạnh nhà.
"Thấy con có ý định mở trại nuôi hươu, gia đình phản đối và mong con đi làm theo ngành đã học. Nhưng rồi, thấy con quyết tâm gắn bó với đàn hươu nên phải đồng ý", bà Nguyễn Thị Nga (50 tuổi, mẹ Tiệp) nói.
Tháng 5/2021, trang trại nuôi hươu rộng hơn 2.500 m2 với 200 con hươu sao của Tiệp đi vào hoạt động. Tổng kinh phí mà Tiệp cùng mọi người chi ra trong việc làm chuồng trại và mua con giống là hơn 2 tỷ đồng.
Để đảm bảo hươu phát triển và hạn chế dịch bệnh, Tiệp đưa mô hình tuần hoàn sinh học, đệm lót hữu cơ bằng vỏ lạc, mùn khô vào trang trại. Vì thế, trang trại hươu hoàn toàn không có mùi hôi, giúp bảo vệ môi trường, tiết kiệm được chi phí dọn chuồng trại và sức lao động.
Anh còn lắp đặt camera an ninh giám sát và thiết bị điều khiển thông minh vào chuồng trại; tận dụng hơn một ha rừng của gia đình để làm nơi trồng cỏ, là nguồn thức ăn cho hươu, kết hợp trồng 1.500 gốc cam, bưởi.
Đến nay, trang trại của Tiệp có 100 con hươu khỏe mạnh cho lộc nhung cùng nhiều con giống để cung ứng cho người có nhu cầu. Với mô hình trang trại này, mỗi năm sản phẩm từ hươu giúp chàng trai có thu nhập ước tính 3 tỷ đồng.
Trang trại của Tiệp còn tạo công ăn việc làm cho gần chục người dân địa phương. Ngoài trang trại hươu sao quy mô lớn, Tiệp còn là Bí thư Đoàn xã Sơn Giang.