Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
“Dù ai buôn đâu, bán đâu
Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mồng chín tháng tám nhớ về chọi trâu”.
Câu ca lưu truyền ấy nhắc nhớ, giục giã người dân Hải Phòng và du khách khắp nơi cứ đến ngày 9/8 âm lịch là nô nức về tham dự Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.
Đằng sau những màn đấu hay tạo "thương hiệu" chọi trâu Đồ Sơn, không thể nhắc đến công lao của những người huấn luyện trâu chọi.
Ông Lê Bá Vẻ, chủ trâu phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng chia sẻ: “Để mua được ông trâu ưng ý không dễ chút nào, bởi ở Việt Nam, nguồn giống trâu cũng ít đi rồi nên chúng tôi phải tìm mua trâu ở tận Lào, Campuchia, Trung Quốc, Myanmar,… Nhiều lúc đường xa, để không mất thời gian đi lại, tôi gửi thông tin yêu cầu, thông số sang để nhờ mối tìm giúp, khi có trâu ưng ý sẽ sang để đưa trâu về“.
Trâu chọi không giống trâu bình thường, ông Vẻ kể: "Phần lớn những ông trâu chọi khi mua về đều là trâu nuôi ở vùng núi, có phần “ngông” hơn trâu nhà nên người chăm trâu phải mất một thời gian để làm quen với trâu, động viên, tìm hiểu để nắm được sở thích, tính cách của ông trâu. Sau khi đã quen với môi trường, chế độ dinh dưỡng cũng sẽ được tăng lên, ăn đủ 4 bữa trong ngày, sáng trưa chiều và 21h đêm với nguồn cỏ ngon".
Đặc biệt, chế độ ăn uống của ông trâu những ngày gần lễ hội cần bổ sung thêm nhiều đồ ăn, thức uống tốt như lõi mía, nước mía, mật gấu,… để tăng sức đề kháng. Giấc ngủ của trâu cũng được chú trọng hơn cả như việc chuồng trại luôn sạch sẽ, đảm bảo nhiệt độ chuồng mùa nào cũng mát mẻ.
Đối với trâu chọi, ngoài việc chăm sóc tốt, những người thợ chăm trâu cũng cần có kỹ năng huấn luyện, rèn luyện thể lực cho trâu. Mỗi ngày, ông trâu cần được lội nước, đi bộ 3-5km để tập luyện cho sức khỏe. Trước khi lễ hội diễn ra trâu cũng được rèn luyện với tiếng trống, hò reo và tập những bài tập luyện bùn cơ bản.
Khác với những chủ trâu phải thuê người chăm, nghệ nhân Lưu Đình Tới (Tổ dân phố 4, phường Vạn Hương, Đồ Sơn) thích tự mình chăm bẵm để hiểu trâu hơn.
Ngày nào cũng vậy, dù nắng hay mưa, ông Tới duy trì thói quen dắt trâu đi tắm. Mùa hè, có khi trâu “bơi lội” cả chiều, mùa đông thì tắm nhanh hơn để trâu không nhiễm lạnh. Và quan trọng là phải kỳ cọ thật sạch cho khỏi đất cát bám vào lỗ tai và sừng, bởi theo ông Tới, đất cát bám lâu ngày sẽ khiến sừng bị mục, ảnh hưởng đến chất lượng sừng.
Qua lời kể của nghệ nhân Lưu Đình Tới, không chỉ bỏ thời gian, công sức, mỗi năm, ông đầu tư hàng trăm triệu vào chăm bẵm một con trâu chọi. Năm trước lễ hội dừng, chi phí lại đội lên gấp đôi. Nhưng không vì vậy mà ông Tới nản lòng. Bởi với người nghệ nhân gắn bó, tâm huyết hàng chục năm với lễ hội truyền thống quê hương, không có niềm hạnh phúc nào bằng khi được sống với đam mê nuôi trâu chọi, được dắt trâu vào sân thi đấu trong sự hò reo, cổ vũ của hàng vạn khán giả từ khắp nơi đổ về.
Trả lời Báo Vnexpress, anh Hoàng Gia Vịnh, 40 tuổi, ở phường Bàng La, người từng có trâu vô địch cho hay cách lễ hội ba tuần, trâu dừng tập nặng, chủ yếu được đưa ra sân để làm quen không khí sôi động nơi đông người.
Anh Vịnh kể, trâu chọi mua về sẽ được bồi bổ để cải thiện sức vóc. Mỗi ngày, trâu ăn hết 50 kg cỏ, hàng chục cây mía. Trước lễ hội nửa năm, chế độ ăn được bổ sung trứng gà, mật ong, cháo bò, tam thất, vitamin C, B1, bia. Những đồ trâu không tự ăn sẽ được bón bằng ống truyền nhựa tự chế. Mỗi tháng, một trâu chọi ăn hết 10 triệu đồng thức ăn các loại.
Không tiếc tiền cho trâu ăn đồ bổ dưỡng nhưng các chủ trâu cũng phải theo dõi sức khỏe và phân trâu để điều chỉnh khẩu phần hợp lý. Trâu ốm thì hồi phục rất mất thời gian. Thậm chí, có "ông" trâu đã không qua khỏi vì mắc bệnh.
Cùng với chế độ ăn, trâu chọi cũng bước vào thời kỳ tập luyện đặc biệt. Từ 5h, trâu được đưa đi lội bùn, chạy cát, bơi ao để nâng cao thể lực và chân chắc khỏe. Có người còn buộc sừng trâu vào gốc cây nặng để luyện cơ cổ và đón đánh cáng.
Sân vận động quận Đồ Sơn đã sẵn sàng cho Lễ hội chọi trâu truyền thống năm 2023 |
Người luyện phải hiểu tính và sức khỏe của trâu để đưa ra giáo trình hợp lý nếu không trâu sẽ phản kháng hoặc chấn thương. "Việc chăm sóc trâu rất công phu, mất nhiều thời gian nên chủ trâu phải thuê thêm 2-3 người. Ngoài ra, nhiều bạn bè mê trâu cũng góp công sức để chăm sóc trâu được tốt nhất", ông Lưu Đình Nam, chủ "ông" trâu nặng 1,3 tấn ở lễ hội năm nay cho hay.
Ngoài bồi bổ và tập luyện thể chất, vào các buổi chiều, trâu được mang ra chỗ đông người, có cắm cờ lễ để nghe trống hội. Điều này giúp trâu làm quen không khí lễ hội, không bị ngợp khi ra chọi. Nhiều chủ còn buộc trâu cạnh nhau hoặc chọi thử để kích thích bản năng chiến đấu.
Theo ông Nguyễn Quang Trung, cán bộ văn hóa phường Bàng La (Đồ Sơn), việc chọn trâu và chăm sóc trâu chọi không đơn giản. Cứ mỗi mùa lễ hội kết thúc, chủ trâu ở khắp các phường trong quận lại bắt đầu công cuộc đi tìm mua và huấn luyện trâu chọi.
Trâu chọi phải là những con trâu đực khỏe mạnh với các tiêu chí: To lớn, lông đen, ức rộng, háng to, cổ cò, đuôi trai, đít nhót, độc khoang, tứ khoáy… Việc chăm trâu khá công phu. Ngoài ăn cỏ, trâu được ăn mía, uống mật, uống dinh dưỡng. Khi ngủ phải mắc màn, có quạt để tránh muỗi đốt.
Huấn luyện trâu chọi cần có kĩ năng và tỉ mỉ. Trâu được bơi sông, lội bùn, kéo lốp xe, luyện đánh để có sức dẻo dai, lì đòn khi tham chiến. Đặc biệt, trâu phải quen với không khí ồn ào, sôi động của lễ hội… Vì thế, trước ngày thi đấu khoảng 10 ngày, các ông chủ thường dẫn trâu ra sân vận động để làm quen.
Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn (Hải Phòng) có từ lâu đời, được nhân dân cùng chính quyền thành phố khôi phục từ năm 1990 và tổ chức ngày 9/8 âm lịch hành năm.
Năm 2012, lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn được Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục, công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.