Lợn đen là giống lợn của người dân tộc ở miền núi phía Bắc |
Lợn đen là giống lợn được người dân vùng cao nuôi từ xa xưa, là đặc sản của bà con dân tộc phía Bắc nước ta. Giống lợn này nhỏ con, da mỏng màu đen, lông thưa, mõm dài, xương nhỏ, bụng xệ... rất dễ nuôi, thích ứng với môi trường tự nhiên, ít tốn chi phí thức ăn và đỡ tốn công chăm sóc hơn so với lợn trắng.
Đặc biệt, thịt của lợn đen thơm, ngọt tự nhiên và có mùi đặc trưng nên rất được ưa chuộng. Ghé đến các nhà hàng đặc sản dân tộc, các món ăn từ thịt lợn đen (nướng riềng mẻ, xào sả ớt…) rất được lòng thực khách và luôn là những món ăn bán chạy nhất.
Chính vì vậy, không quá lời khi nói nhu cầu tiêu thụ thịt lợn đen ngày càng cao, trong khi giống lợn này vẫn chưa được nuôi phổ biến đáp ứng nguồn cung. Nhận thấy tiềm năng phát triển của lợn đen, anh Nguyễn Quốc Duy ở xã Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) đã đầu tư để xây chuồng trại và học hỏi kỹ thuật nuôi đàn lợn đen trong vườn nhà rộng gần một sào.
Trước đây, gia đình anh Duy chủ yếu mưu sinh bám vào nghề đi rừng (bắt tắc kè, hái chuối rừng, lấy mật ong...) nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều bấp bênh. Năm 2012, thông qua một đoạn phóng sự trên tivi giới thiệu về giống lợn đen ở phía Bắc, anh Duy quyết định nghiên cứu nuôi thử nghiệm. Mới nuôi nhưng thấy đàn lợn phát triển nhanh, anh dự tính để lại thêm nhiều con nái phát triển đàn.
Xuất bán lứa đầu tiên, anh Duy nhẩm tính với giá thịt 120.000-150.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, mỗi con trưởng thành sẽ cho lãi khoảng 4-4,5 triệu đồng. "Nuôi chơi thôi, nhưng đàn lợn đen mang về vài chục triệu mỗi năm", anh chia sẻ. Thấy tiềm năng phát triển của giống lợn đen này, anh quyết định “lấy lãi tái đầu tư” mua giống mới, đồng thời kết hợp cặp lợn đen phối giống để sinh sản.
Anh Duy bên đàn lợn đen trong vườn nhà |
Theo anh Duy, nuôi lợn đen rất nhàn, cứ thả chúng đi ăn tự do. Lợn đen ủi đất ăn giun dế, côn trùng, cây cỏ mọc tự nhiên. Thỉnh thoảng anh xin những phụ phẩm thừa như ngô, bí đỏ, vỏ dưa, xơ mít... về băm ra cho đàn lợn ăn dặm. Khi rảnh rỗi, anh đi chặt thêm chuối rừng, vớt bèo ao thả vào bổ sung thức ăn cho chúng. Ngoài ra, anh Duy còn tận dụng cơm thừa, hèm nấu rượu cho đàn lợn.
Cách nuôi lợn, vỗ béo đàn lợn bằng nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên không những giúp anh Duy giảm chi phí một cách tối thiểu trong khâu chăm sóc mà còn làm tăng chất lượng thịt cho đàn lợn.
Lợn nặng khoảng 35-40kg sẽ được xuất chuồng lợn đen thành phẩm và luôn đắt hàng. Do thịt lợn đen nuôi tự nhiên, không ăn cám lại có mùi vị thơm ngon nên được xem như đặc sản, cứ xuất chuồng đến đâu là thương lái đến tận nơi mua hàng. Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến hay có lễ hội là thịt lợn đen bán rất chạy bởi theo phong tục địa phương, ăn thịt lợn đen miền núi trong ngày Tết sẽ mang lại may mắn.
"Chưa đến Tết mà đã có người ở Phan Thiết và Ma Lâm gọi điện lên dặn trước. Đặc sản nên không bao giờ sợ ế hàng. Dù giá cao nhưng năm nào các mối hàng cũng gọi đặt trước vì sợ hết", anh Duy cho hay. Đặc biệt, thịt lợn đen rất giữ giá, không biến động như thịt lợn thông thường mà tăng đều qua các năm nên người nông dân nuôi lợn đen không bao giờ lo lỗ do biến động thị trường.
Đàn lợn nhà anh Phạm Văn Khanh |
Không chỉ anh Duy, anh Phạm Văn Khanh (SN 1998, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nuôi lợn rừng.
Theo anh Khanh, lợn rừng ngày càng ít đi, do đó anh muốn bảo tồn và nuôi dưỡng. Lợn rừng dễ nuôi, không kén ăn, sức đề kháng cao, ít bệnh tật lại được thị trường ưa chuộng, giá thành cao. Năm 2018, anh quyết định khởi nghiệp từ việc nuôi lợn rừng.
“Tôi lấy số tiền tích góp của bản thân, mua được chục con lợn rừng giống của người dân về thuần dưỡng. Sau đó, thả thêm lợn bản địa để lai tạo đàn. Hai năm đầu do chưa có kinh nghiệm nên toàn bị lỗ. Lợn rừng có bản tính hoang dã, quen với môi trường sống tự nhiên, khi nuôi nhốt, nhiều con chưa thích nghi đã bỏ ăn”, anh Khanh cho biết.
Chàng trai trẻ chịu khó tìm đến những người có kinh nghiệm nuôi lợn rừng để học hỏi kiến thức chăn nuôi, ngoài ra tham khảo sách báo, internet. Bắt đầu từ năm thứ 3 đến nay, lợn sinh sản ổn định. Hiện lợi nhuận anh Khanh thu về khoảng 300 triệu đồng/năm.
Theo anh Khanh, lợn rừng nuôi khoảng 1,5 năm bắt đầu cho sinh sản, mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 6-8 con. Tùy theo nhu cầu của người mua, anh sẽ bán thương phẩm, bán giống lợn rừng thuần chủng hay lợn rừng lai. Giống lợn rừng thuần chủng nuôi từ 2,5 đến 3 tháng có trọng lượng đạt từ 6 -10kg, với giá bán khoảng 5 triệu đồng/con; lợn rừng lai giá bán giao động từ 1-2 triệu đồng/con. Hiện đàn lợn của gia đình anh khoảng 200 con. Anh Khanh đã chuyển qua nuôi lợn rừng thuần chủng theo tiêu chuẩn Vietgap.
Anh Khanh cho biết, phát triển theo hướng tiêu chuẩn Vietgap yêu cầu phải chăn nuôi sạch (sạch từ nguồn thức ăn, nơi ở không nhiễm hóa chất), tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh. Chăn nuôi lợn thuần chủng thì bảo tồn được nguồn gen. Hiện anh đang liên kết với một số hộ dân ở tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Thời gian tới, anh dự định mở rộng quy mô chăn nuôi, đầu tư xây dựng chuồng trại, thành lập hợp tác xã.
Mới đây, tại cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2022, mô hình chăn nuôi lợn rừng của anh Khanh đoạt giải khuyến khích. Mô hình này được nhiều thanh niên địa phương đến tham quan, học hỏi.