Những trang trại nuôi lợn đặc sản với tuyệt chiêu không lo rớt giá. |
Chọn giống lợn đặc sản dễ nuôi, mau lớn
Tại xã Nghĩa Khánh (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) có một trang trại nuôi lợn rất đặc biệt đang được nhiều hộ chăn nuôi tới học hỏi. Đó là mô hình chăn nuôi lợn “Bành Tỷ” khép kín của của gia đình ông Nguyễn Ngọc Danh
Với diện tích 500m2, chuồng trại nuôi lợn được thiết kế và phân khu riêng biệt gồm chuồng phối, chuồng bầu, chuồng đẻ và chuồng chăn nuôi lợn thịt thương phẩm. Ngoài ra, khu chuồng nuôi luôn đảm bảo vệ sinh từ máng ăn, vòi uống, nền chuồng. Ông Danh cho biết, trước đây, do không chủ động được nguồn giống nên gặp nhiều rủi ro về dịch bệnh cũng như chất lượng sản phẩm. Sau nhiều lần tìm hiểu, thăm quan mô hình, năm 2020, ông mạnh dạn chuyển sang nuôi 12 con lợn nái Bành Tỷ.
Bành Tỷ là giống lợn mới, ít dịch bệnh, thịt chắc, mông nở, thân dài, chất lượng thịt tốt, siêu nạc được người tiêu dùng yêu thích. Thời gian qua, mặc dù giá lợn hơi lên xuống bấp bênh, đầu ra không ổn định nhưng giống lợn Bành Tỷ của gia đình ông Danh vẫn được mua cao hơn giá lợn trên thị trường. Với cách làm, sau khi lợn đẻ, gia đình vừa bán giống vừa nuôi thịt.
Hiện nay, trong chuồng thường xuyên có từ 30 - 40con lợn thương phẩm; 200 – 230 con lợn giống/năm. Đàn lợn, nhất là lợn nái được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật rất khắt khe để đạt chất lượng lợn giống tốt nhất và lợn thương phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi con lợn ngay từ khi bắt đầu nuôi đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin để phòng bệnh. Trung bình mỗi năm gia đình ông xuất bán trên 70 - 80 con lợn giống, từ 13 - 15 kg/con, mỗi năm gia đình ông thu lãi trên 300 - 350 triệu đồng từ lợn thịt và lợn nái đẻ.
Trang trại nuôi giống lợn đặc sản Bành Tỷ của ông Nguyễn Ngọc Danh cho lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm. |
Ông Danh cho biết: “Tuy có lúc đầu ra của lợn hơi khó khăn, nhưng nhờ nhanh nhạy trong việc chọn giống, gia đình đã chọn nuôi lợn nái, giống lợn Bành Tỷ, giống lợn này có ưu điểm năng suất cao, thịt thơm, Ít dịch bệnh, người tiêu dùng ưu chuộng. Hơn 10 năm nuôi lợn, tôi thấy các chủ chăn nuôi lợn muốn sống khỏe phải xây dựng được quy trình chăn nuôi khép kín. Tức là phải chủ động được từ con giống đến khâu phòng dịch bệnh, nguồn thức ăn và đầu ra sản phẩm. Thức ăn cho lợn nái, tôi thường pha chế tấm, cám và bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất cho lợn trong mỗi phần ăn. Bên cạnh đó, tôi thường đọc sách, báo, tài liệu để có kiến thức về thú y, theo dõi quy trình, hoạt động của lợn từ khi nuôi lợn dự bị đến khi sinh sản”.
Ngoài lựa chọn con giống phù hợp, trong quá trình chăn nuôi, ông Danh cũng chịu khó học hỏi để xây dựng chuồng trại phù hợp. Nhất là khâu môi trường được gia đình đặc biệt quan tâm, đâu tư làm 5 hầm biogas để chuồng trại luôn sạch sẽ, không có mùi hôi và an toàn dịch bệnh.
Trang trại nuôi lợn Bành Tỷ của gia đình ông Danh đã trở thành địa chỉ tin cậy để bà con nông dân trong xã và nhiều xã khác trong huyện đến mua lợn giống Bành Tỷ. Đồng thời còn là nơi chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ cho các gia đình chăn nuôi cùng phát triển làm giàu. Ông Nguyễn Phương Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Khánh cho biết: “Mô hình chăn nuôi lợn khép kín của gia đình ông Danh là một trong những mô hình tiêu biểu của xã không chỉ mang hiệu quả kinh tế cao mà còn bảo đảm tốt vệ sinh môi trường.”
Nuôi lợn đặc sản kiểu hoang dã, ăn tranh với gà
Ở xã Thuận Hòa (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) có một trang trại nuôi lợn rất độc đáo. Lợn được chăn thả tự nhiên, tranh ăn với gà, tự đi tắm... Giống lợn đặc sản này khi xuất chuồng cho chất lượng thịt đặc biệt nên thương lái luôn đặt cọc từ sớm.
Chủ trang trại là chị Phạm Thị Hồng Thắm cho biết: Giống lợn chọn nuôi là lợn đen, không chỉ có chất lượng thịt thơm ngon, giống lợn này còn có khả năng thích nghi cao, chống chịu các bệnh, dễ chăm sóc, thức ăn có thể tận dụng tối đa từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp nên nhu cầu cung cấp heo con giống rất cao.
Hiện đàn heo đen của gia đình chị Thắm có hơn 100 con, trong đó có 13 heo nái giống. Đàn heo đen được nuôi nhốt trên diện tích đất rộng khoảng 1.000 m2.Trên diện tích chăn nuôi này chị Thắm trồng nhiều cây trứng cá nhằm tạo bóng râm, che mát và có ao nước cạn để lợn tự tắm mát; xung quanh được bao quanh bằng lưới B40, không cho lợn ra bên ngoài.
Phương thức chăn nuôi lợn độc lạ này phù hợp với đặc tính của loài lợn đen truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao chăn nuôi thả rông.
Do được bao bọc lưới B40, thuận lợi cho việc chăm sóc lợn đen theo đúng quy trình, kỹ thuật, cho ăn đầy đủ chất, ngày 3 lần, thức ăn được nấu chín từ các loại rau xanh, kết hợp gạo, bắp…cùng thực hiện tiêm chủng định kỳ, kiểm soát được dịch bệnh nên đàn lợn phát triển tốt.
Trang trại nuôi lợn đen đặc sản với tuyệt chiêu thả hoang dã lợn ăn chung với gà, tự đi tắm. |
Chị Thắm chia sẻ thêm, mỗi năm lợn đen nái đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 7 – 10 con. Tính ở mức thấp mỗi lứa 7 con, thì mỗi năm 13 lợn đen nái sẽ cung cấp khoảng 182 lợn giống.
Trung bình, lợn đen con giống sau 2 tháng tuổi, bán cho người chăn nuôi lợn thương phẩm, với giá bán heo giống dao động từ 800.000 - 1.000.000 đồng/con, trừ chi phí, thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nghề nuôi lợn vẫn có những hộ gia đình thu được lợi nhuận cao nhờ những tuyệt chiêu trong chăn nuôi. Điểm nổi bật là việc chọn lựa những giống lợn đặc sản và nuôi theo kiểu bán hoang dã. Phương pháp nuôi này giúp lợn khỏe mạnh, chất lượng thịt thơm ngon mà lại tiết giảm chi phí. Đồng thời trong quá trình chăn nuôi, đảm bảo trại nuôi lợn luôn sạch, lợn được phòng bệnh để lớn nhanh, ít bệnh. Dịp Tết này những trang trại lợn đặc sản đã có khách đặt cọc chờ xuất chuồng./.