Nuôi hươu sao lấy nhung bắt đầu phát triển nhỏ lẻ ở nhiều địa phương |
Nhung hươu hay còn gọi là lộc nhung chính là sừng non của con hươu đực. Thông thường vào mùa hè sừng hươu sẽ rụng đi, đến mùa xuân năm sau sẽ mọc sừng mới trở lại. Sừng mới mọc thường rất mềm, mặt ngoài phủ đầy lông, bên trong chứa nhiều mạch máu, mô sụn, sờ vào êm mịn như nhung nên được gọi là nhung hươu.
Nhung hươu là một vị thuốc quý có thể hỗ trợ tăng cường sức mạnh cơ bắp, hỗ trợ hạ huyết áp, tăng sự co bóp tim, giúp tinh thần luôn thoải mái và nhiều tác dụng khác.
Mô hình nuôi hươu sao lấy nhung bắt đầu phát triển nhỏ lẻ ở nhiều địa phương. Hươu sao dễ nuôi, ăn phàm, khả năng kháng bệnh tốt, cho thu hoạch bộ nhung với giá trị từ 16 - 19 triệu đồng/kg.
Thức ăn cho hươu là các loại lá rừng |
Gia đình ông Tống Xuân Minh và bà Đinh Thị Lý, dân tộc Mường ở thôn 1, xã Phú Long, huyện Nho Quan ̣(Ninh Bình) sở hữu trang trại với hàng trăm con hươu lớn nhỏ, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Ông Minh cho biết: Lựa chọn con nuôi đặc sản của quê hương để phát triển kinh tế gia đình, ban đầu gia đình tôi nuôi 3-4 con, sau đó tách và nhân đàn, phát triển đàn hươu của gia đình.
Có thời điểm gia đình tôi nuôi 200 con hươu vừa lấy nhung, vừa bán giống. Đến nay, gia đình tôi nuôi 150 con hươu cái và hươu con, đầu tư chuồng trại sạch sẽ, quy hoạch gọn với 10 chuồng trên diện tích gần 2.000 m2 đất làm chuồng và khu thả hươu, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ cho đàn hươu phát triển khỏe mạnh và cho chất lượng nhung, con giống tốt để xuất bán hàng năm.
Theo ông Minh, nuôi hươu cũng đơn giản, nguồn thức ăn phong phú, có trong tự nhiên, chủ yếu là cây cỏ voi, các loại trái cây, chuối xanh, lá rừng. Ngoài ra, thành phần quan trọng của hươu trong thức ăn hàng ngày là muối khoáng. Đặc biệt, với loài hươu nguồn gốc tự nhiên nên có sức đề kháng tốt, nên khi nuôi đã được thuần chủng, hươu cũng ít bị bệnh.
Tuy nhiên, khi nuôi, người nuôi hươu cần chú ý các dấu hiệu hươu bị bệnh tiêu hóa như bụng chướng, phân lỏng… Với các dấu hiệu bệnh đó, cần cho hươu ăn những loại thức ăn có vị chát như chuối xanh, lá mật gấu, đinh lăng… để chữa bệnh đường ruột cho hươu.
Một con hươu trưởng thành cho nhung non được tính từ 10 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi, có thể cho nhung tối đa trong vòng 20 năm. Hàng năm, hươu cho nhung từ tháng 11 âm lịch năm trước đến hết tháng 4 âm lịch năm sau. Có thể cắt nhung hươu 2 lần/năm.
Trung bình 1 con hươu đực trưởng thành cho lộc từ 0,5-0,7 kg nhung/lần cắt, với hươu to cho nhung 1,3-1,4 kg/cặp. Nhung hươu sao được coi là nguồn dược liệu quý, được người dùng ưa chuộng, dễ bán trên thị trường, giá ổn định ở mức cao. Để hươu cho nhung đẹp, chất lượng cao, hươu cần được cung cấp nhiều loại thức ăn, cây cỏ, lá mít, chuối, ngô hạt, các loại lá rừng (lá sung, vả, dướng, ngái, si, duối) cho hươu ăn trước thời điểm cắt nhung khoảng 1 tháng.
Với kinh nghiệm nuôi hươu lâu năm, sản phẩm nhung hươu của gia đình ông Minh cũng được coi là hàng chất lượng cao, được nhiều người tìm đến mua. Đồng thời ông cung cấp giống hươu cho các hộ nuôi trong và ngoài tỉnh.
Giá nhung hươu trung bình 1,6 triệu đồng/lạng, mỗi năm cắt được khoảng 40-50kg nhung; mỗi năm bán 50-60 đôi hươu giống, với giá 26 triệu đồng/cặp (với hươu 4 đến 5 tháng tuổi, trọng lượng 15kg/con). Trừ chi phí, mỗi năm mô hình nuôi hươu nhà ông Minh thu nhập trên 1 tỷ đồng. Nhờ nuôi hươu, kinh tế gia đình ông Minh trở nên khá giả, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng nhà cửa khang trang...
Gia đình anh Việt Thái Sơn có thu nhập ổn định nhờ nuôi hươu lấy nhung |
Nhờ nuôi hươu lấy nhung mà anh Việt Thái Sơn, thôn 3, xã Đak Pơ Pho, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) cũng có cuộc sống giá khả.
Cuối năm 2018, anh Việt Thái Sơn (thôn 3, xã Đak Pơ Pho, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) được người thân ở tỉnh Hà Tĩnh giới thiệu mô hình chăn nuôi hươu lấy nhung đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau khi học hỏi kinh nghiệm nuôi hươu, kỹ thuật nuôi hươu lấy nhung, cách thu hoạch nhung hươu, anh Sơn bắt tay xây dựng chuồng trại và quy hoạch 1,6 ha đất trồng cỏ làm nơi chăn thả hươu.
Chuẩn bị cơ sở vật chất đâu vào đó, đầu năm 2019, anh mua 13 con hươu giống từ trang trại chăn nuôi uy tín ở tỉnh Tiền Giang.
Anh Sơn lý giải: “Tôi thấy khí hậu ở khu vực miền Tây ấm áp gần giống với điều kiện thời tiết ở Kông Chro. Vì thế, mua hươu ở đây về nuôi, chúng sẽ sớm thích nghi hơn con giống ở các tỉnh phía Bắc”.
Đúng như tính toán của anh Sơn, đàn hươu mua về được chăn thả giữa đồng cỏ mênh mông, tươi tốt và được chăm sóc kỹ lưỡng nên sinh sản, phát triển khỏe mạnh, cho nhung chất lượng.
Đến nay, đàn hươu của gia đình anh đã phát triển lên 26 con. Trong đó, 6 con đực trưởng thành đã cho thu hoạch nhung, 6 con cái sinh sản và 14 con từ 8 đến 12 tháng tuổi.
Anh Sơn cho hay: Hươu dễ nuôi, không tốn thời gian chăm sóc, ít dịch bệnh. Thức ăn chủ yếu tận dụng các loại phế phẩm nông nghiệp và cỏ ngoài đồng nên không tốn chi phí. Hươu cái nuôi 2 năm thì cho phối giống. Hươu con đẻ ra nuôi 12-18 tháng thì xuất bán cho người dân có nhu cầu, giá dao động 12-15 triệu đồng/con hươu đực, 8-10 triệu đồng/con hươu cái.
Hươu đực nuôi hơn 2 năm là thu hoạch nhung, chu kỳ thu hoạch kéo dài 14-16 năm. Cứ 8-9 tháng, hươu đực cho nhung 1 lần, bình quân 5-8 lạng nhung/con, giá bán 1,5 triệu đồng/lạng. Nhung có đến đâu, khách đặt mua hết tới đó.
“Nhờ bán hươu giống và nhung hươu, gia đình có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Có nguồn tiền ổn định, tôi tái đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Thời gian tới, tôi tiếp tục nhân rộng đàn hươu, nâng cao chất lượng sản phẩm nhung hươu cũng như con giống bán ra thị trường”, anh Sơn phấn khởi nói.