Thức ăn yêu thích của dúi là tre và nứa |
Dúi là động vật gặm nhấm, chúng ăn được nhiều loại thức ăn khác nhau, nhưng phần lớn là rễ, củ (măng) của các loại cây họ tre, nứa, trúc, mía, cỏ voi, củ quả của các loại cây ngũ cốc, sắn, khoai chúng cũng ăn một số loại rau xanh như rau muống, rau cần, cây bụi.
Dễ nuôi, dễ kiếm thức ăn, ít công chăm sóc nhưng lại có giá trị kinh tế cao, con dúi đang được nhiều hộ nông dân lựa chọn phát triển kinh tế gia đình, thu lãi hàng trăm triệu mỗi năm.
Anh Lê Thành Trung ở xã Phú An, H.Đăk Pơ (tỉnh Gia Lai) có nguồn thu mỗi năm hơn 400 triệu đồng từ nghề nuôi dúi.
Khi còn học nghề thú y ở Trường trung cấp kinh tế - kỹ thuật Bình Định, Lê Thành Trung đến nhà bạn học có nuôi dúi chơi. Tò mò tìm hiểu về loài vật này, Trung liền có hứng thú với nghề nuôi dúi. Trung lấy tiền dành dụm mua vài cặp về nuôi thử vào năm 2017. Ai ngờ mấy cặp dúi phát triển tốt.
Đến năm 2018, sau khi tốt nghiệp, Trung chuyên tâm vào nghề nuôi dúi. Hiện trại dúi của Trung có 160 con nái, mỗi con nái đẻ khoảng 3 lứa/năm. Dúi nuôi trên 7 tháng đạt trọng lượng khoảng 1,5 - 2 kg. Với giá bán hiện tại 600.000 đồng/kg, bán giống thì từ 1,6 - 2 triệu đồng/cặp, người nuôi dúi có lãi lớn.
Trại dúi của Lê Thành Trung cho thu nhập cao, ổn định |
Theo Trung nuôi dúi không tốn quá nhiều thức ăn, lại dễ nuôi. Mỗi ngày chúng chỉ ăn một lóng mía nhỏ, dài chừng 10 cm và một đoạn tre, ít bắp hạt hay các loại củ như mì, khoai lang. Chuồng nuôi là những tấm gạch men, tổng đầu tư chưa đến 100.000 đồng/chuồng.
“Cần lưu ý là khu chuồng nuôi phải ấm về mùa đông và thoáng mát về mùa hè. Khu vực nuôi dúi cần tránh những tiếng ồn lớn, trực tiếp làm cho dúi hoảng sợ, chậm sinh trưởng.
Đặc biệt, trong thời gian sinh con, dúi mẹ nếu hoảng sẽ không cho con bú hoặc quay ra cắn con… Một số con dúi cũng bị bệnh tiêu chảy, cảm nhưng cũng dễ trị và không lây lan sang các con khác trong đàn. Nguyên nhân bệnh là do môi trường hay nguồn thức ăn không đảm bảo”, Trung cho biết.
Hiện khu chuồng nuôi của Trung rộng khoảng 150 m2 với hàng trăm chuồng nuôi. Trung bình mỗi năm trại dúi của Trung xuất bán hơn 3 tạ dúi thịt, 200 cặp dúi giống. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Gia Lai và Bình Định. Trại dúi của Trung khi bán dúi giống đều ký cam kết thu mua lại dúi thương phẩm cho những ai có nhu cầu bán lại.
Mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí, Trung thu lời hơn 400 triệu đồng. Trung dự tính mở rộng trang trại nuôi dúi để cung cấp ra thị trường số lượng dúi lớn hơn.
Hoàng Văn Khanh vui mừng vì nuôi thành công loài dúi |
Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai nhưng anh Hoàng Văn Khanh, sinh năm 1992, ở bản Mường Kem, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên (Lào Cai) lại chọn nuôi dúi để khởi nghiệp.
Anh Khánh tâm sự: “Cái duyên” với dúi của mình có được từ qua tìm hiểu trên youtube, sách, báo, tivi và nhiều lần đi tham quan mô hình dúi của bạn bè ở các tỉnh, thành khác”. Năm 2019, qua tìm hiểu anh mua được 20 cặp dúi giống từ Hòa Bình về nuôi.
Nói về kỹ thuật nuôi dúi, anh Khanh cho biết: dúi là thú ưa mát nên chuồng phải rộng, anh sử dụng hệ thống phun nước lên mái chuồng vào mùa hè, chuồng được thiết kế đơn giản có thể xây hoặc dùng gạch lát nền gắn lại với nhau theo kích thước cao 60cm, rộng 50cm và dài 50cm. Sử dụng quạt công suất lớn để dúi không bị nóng, đặc biệt không để ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào. Đây là loài thú có tính gặm nhấm nên không được nhốt chung, chỉ nhốt 2 con một chuồng, dúi thương phẩm có thể tách riêng mỗi chuồng chỉ 1 con.
Thức ăn của dúi gồm: Tre, mía, ngô. Mỗi ngày cho ăn một lần vào buổi chiều tối. Các thức ăn phải khô ráo, sạch sẽ để dúi không bị bệnh tiêu chảy. Trung bình mỗi năm dúi cái đẻ 3 lứa, mỗi lứa 3- 4 con, con non từ khi sinh ra khoảng 3 tháng là có thể xuất bán con giống với giá 800 đến 2,5 triệu đồng một cặp dúi giống. Mỗi tháng anh tách được khoảng 15 đến 20 cặp giống. Dúi thương phẩm thì sau 5- 6 tháng có thể đạt trọng lượng từ 1,8 – 2,5kg được bán với giá khoảng 400- 500 nghìn đồng/1kg. Trừ các chi phí mỗi tháng anh Khanh thu được từ 15 đến 20 triệu đồng. Được biết, đây là mô hình nuôi dúi đầu tiên trên địa bàn xã Nghĩa Đô.
Anh Hoàng Đức Sy – Bí thư Đoàn thanh niên xã Nghĩa Đô cho biết: Những năm gần đây, Đoàn viên thanh niên xã Nghĩa Đô tích cực, nỗ lực phát triển kinh tế từ đó xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo và hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập cao ngay tại đồng đất quê hương. Trong đó mô hình nuôi dúi của đoàn viên Hoàng Văn Khanh là mô hình phát triển kinh tế mới, mô hình tiên phong ở Nghĩa Đô đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mong muốn các đoàn viên thanh niên khác trong xã sẽ học hỏi kinh nghiệm từ Khanh, để nhân rộng mô hình nuôi dúi này trong thời gian tới.
Sau 3 năm với bao khó khăn, vất vả và nỗ lực từ 20 cặp dúi đầu tiên giờ đây anh Hoàng Văn Khanh đã có được những thành quả nhất định và tự tin khẳng định sự lựa chọn của mình là đúng đắn. Hiện anh đang nuôi hơn 300 con dúi, chuyên cung cấp dúi giống và dúi thương phẩm cho khách hàng ở rất nhiều các tỉnh, thành.
Trong thời gian tới anh sẽ mở rộng mô hình, đồng thời chế biến cho khách các món ăn từ dúi khi khách có nhu cầu thưởng thức.