Nhím được nuôi trong chuồng |
Nhím là loài động vật thuộc bộ gặm nhấm, có đặc điểm nổi bật là những sợi lông bằng gai sắc nhọn trên lưng để phòng vệ và bảo vệ cơ thể. Chúng di chuyển chậm chạp, khi gặp nguy hiểm thường xù bộ lông dài 30cm để cảnh báo kẻ thù.
Nhím gồm 2 dòng chính: Nhím Hystricidae sống ở châu Phi, châu Âu, châu Á và Nhím Erethizontidae sống ở Bắc Mỹ, Bắc Nam Mỹ. Tại Việt Nam, nhím chủ yếu là giống Hystricidae, vốn là loài động vật hoang dã tìm thấy nhiều ở các rừng rậm nhiệt đới.
Từ lâu, thịt nhím đã được biết đến là có giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt rất gіàu protein. Thịt nạc, hầu như không có mỡ, lớp bì dày giòn, bạn có thể chế biến thành nhiều món như nướng, hấp, xào, rang… Vốn là loại thịt “hiếm", thịt nhím chỉ xuất hiện trong thực đơn của các nhà hàng cao cấp, với giá bán đắt đỏ. Nguồn cung từ thịt nhím không đủ đáp ứng cho nhu cầu thị trường cũng tạo ra cơ hội cho nông dân trong ngành nghề chăn nuôi nhím.
Ông Trình bên chuồng trại nuôi nhím của mình |
Ông Phạm Hồng Trình, thôn Phú Nhuận xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) là một trong các hộ tiên phong nuôi nhím của xã.
Ông chia sẻ: Qua tìm hiểu thấy con nhím dễ nuôi, phù hợp với điều kiện của gia đình. Năm 2004, ông mạnh dạn đầu tư làm chuồng trại nuôi. Hiện nay, trên diện tích 100 m2, gia đình ông Trình đang nuôi 40 con nhím, trong đó 20 con nhím bố mẹ, còn lại là nhím giống.
Với nguồn thức ăn là rau, củ, quả khá sẵn và rẻ, theo tính toán của ông Trình mỗi ngày chi phí thức ăn cho 1 con nhím khoảng 3.000 - 5.000 đồng. Nhím con từ khi sinh đến 10 tháng tuổi đạt trọng lượng bình quân 9-10 kg có thể xuất bán. Theo giá hiện nay dao động là 280.000 - 300.000 đồng/kg, trung bình ông bán được 2,7-3 triệu đồng/con. Mỗi năm, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình này, nhiều hộ gia đình ở xã cũng đã chuyển đổi chăn nuôi gia súc, gia cầm sang nuôi nhím. Ông Đinh Văn Hồng, thôn Đá Hàn, là hộ gia đình có số lượng nhím nuôi nhiều nhất của xã cho biết: Năm 2017, gia đình tôi bắt tay vào nuôi nhím. Sau hơn 4 năm, trên điện tích 200 m2 nuôi, đàn nhím của ông lên tới 160 con, trong đó hơn 100 con nhím bố mẹ.
Ông Hồng chia sẻ, nuôi nhím rất dễ và nhàn. Thức ăn dễ tìm, khâu chăm sóc và theo dõi cũng không khó, ít bị dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp. Hệ thống chuồng nuôi xây dựng đơn giản, nền xi măng, cố định lồng nuôi bằng khung sắt. Nếu được chăm sóc tốt, cho ăn đầy đủ, vệ sinh chuồng sạch sẽ, nhím rất mau lớn và sinh sản nhiều.
Nếu nuôi đúng kỹ thuật, 1 nhím đực có thể phối cặp với từ 2 đến 3 nhím cái vẫn cho sinh sản tốt. Với đàn nhím gần 50 cặp bố mẹ, mỗi cặp đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa 2 đến 3 con, mỗi năm ông có khoảng 200 con nhím để bán.
Được biết thịt nhím rất thơm ngon, bổ dưỡng, tất cả các bộ phận của nhím đều có thể dùng để chữa bệnh được. Sau khi trừ các chi phí, ông Hồng thu về từ 200 - 250 triệu đồng/năm nhờ nuôi nhím.
Từ thành công bước đầu, ông Hồng đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng quy mô và tăng số lượng đàn nhím để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thương lái; đồng thời ông cho biết: sẽ sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn giúp đỡ các hộ nuôi nhím về con giống, kỹ thuật nuôi.
Thấy đây là mô hình phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông Hồng đã tuyên truyền, vận động nhiều hộ dân trong xã cùng nhau thực hiện để phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững.
Bà Phương cho đàn nhím ăn |
Bà Lê Thị Phương ở thôn 4, xã Hợp Tiến, huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hoá) gắn bó với nghề nuôi nhím đã hơn 10 năm nay và bà chưa từng biết đến thất bại.
Bà Phương kể, gắn bó với nghề nuôi nhím như một cơ duyên, sau khi nghe người thân nói về mô hình này và qua tìm hiểu bản thân thấy việc nuôi nhím phù hợp với gia đình nên tôi đã quyết định bán bò cùng với số vốn tiết kiệm được để đầu tư mua nhím về nuôi.
Theo bà Phương, việc xây chuồng trại nuôi nhím rất đơn giản, tận dụng không gian nuôi bò trước kia, gia đình bà đã phân các ô lại để chăn nuôi nhím.
Thức ăn của nhím chủ yếu là lá, rau củ quả bà tận dụng xung quanh nhà. Nhờ chăm sóc tốt, sau khoảng 1 năm, nhím cái bắt đầu sinh sản, bước sang năm thứ hai nhím đẻ dày hơn, với số lượng 2-4 con. Nếu giống tốt, chăm sóc đầy đủ thì sau 8 tháng có thể xuất chuồng. Thịt nhím nạc, ít mỡ, rất thơm ngon nên đầu ra thuận lợi, thu hút được thương lái đến tận nơi thu mua.
Với kinh nghiệm chăn nuôi tích lũy qua nhiều năm, từ 4 cá thể nhím ban đầu, đến nay trang trại bà Phương đã có 320 cá thể nhím, trong đó có 100 cặp nhím bố mẹ, còn lại là nhím thịt.
Bà Phương cho biết, khi nhím được 8 tháng tuổi trọng lượng đạt 10kg/con, là lúc xuất bán hợp lý nhất, giá bán dao động từ 300.000 - 350.000 đồng/kg. Nhím giống khi được trên 7 kg sẽ bán với giá 500.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, bà Phương thu về khoảng 550 - 600 triệu đồng/năm.