Nuôi lươn không bùn mang lại giá trị kinh tế cao |
Lươn có giá trị dinh dưỡng cao, giàu protein, các loại vitamin và khoáng chất. Thịt lươn được sử dụng để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn lại có tác dụng bồi bổ sức khỏe cho mọi lứa tuổi.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mô hình nuôi lươn không bùn kiểu mới được nuôi thử nghiệm tại nhiều địa phương và cho nhiều kết quả tích cực, mang đến nguồn lợi nhuận cao cho người chăn nuôi.
Nhờ nuôi lươn không bùn, anh Tô Phước Mạnh (44 tuổi, ngụ xã Vĩnh Kim, H.Cầu Ngang, Trà Vinh) thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Năm 2016, biết được mô hình nuôi lươn không bùn cho hiệu quả kinh tế cao, anh mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp. “Lươn tự nhiên ngày càng khan hiếm, không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong khi lươn nuôi có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật, đầu ra thuận lợi…nên tôi quyết định đầu tư nuôi cho bằng được”, anh Mạnh nói.
Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm, lươn nuôi bị hao hụt nhiều, hiệu quả thấp. Thất bại vụ đầu tiên, anh Mạnh không nản chí mà tìm mọi cách khắc phục. Anh tìm tòi tư liệu, xin tham quan các trại nuôi lươn có tiếng để học hỏi kinh nghiệm.
Anh Mạnh cho lươn ăn |
Năm 2017, sau khi tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm, anh tái khởi động nuôi lươn song song cải tiến cách nuôi. “Lúc đầu nuôi trong vèo nên khâu vệ sinh rất cực. Sau đó, chuyển sang nuôi bể xi măng, giá thể bằng cây và ống mủ nhưng xập xệ, khó kiểm soát. Thế là tôi chuyển sang làm bể xi măng lót gạch men phía dưới để dễ vệ sinh, dễ thay nước; giá thể làm bằng phao thuận lợi cho lươn phát triển”, anh Mạnh chia sẻ.
Hiện trang trại có diện tích 600 m2, gồm 19 bể xi măng và composite nuôi lươn thương phẩm cùng 10 bể ươm lươn giống. Ưu điểm bể composite ít đóng rong, dễ vệ sinh, vận chuyển dễ. Mỗi bể cao 40 cm, thành ốp vào 10 cm để tránh lươn bò ra, giữa đáy để vỉ inox thoát nước…
Theo anh Mạnh, nuôi lươn không bùn chỉ sử dụng giá thể, khác hoàn toàn với tập tính và môi trường sống dưới bùn đất, ưa bóng tối của lươn. Do đó, phải tạo nơi trú ẩn cho lươn bằng cách làm các giá thể bằng phao quây lưới, rồi cho vào bể chất chồng lên nhau.
Ngoài ra, anh Mạnh còn xây dựng hệ thống xử lý nước khép kín để đảm bảo nguồn nước sạch. Tận dụng tất cả phụ phẩm từ nuôi lươn như đưa thức ăn thừa, phân lươn để nuôi cá trê, rắn ri voi… Nước thải được sử dụng tưới cỏ, rồi cắt cho bò ăn, sử dụng phân bò nuôi trùng quế.
Anh Mạnh cho biết, ưu điểm của mô hình nuôi lươn không bùn là ít tốn công chăm sóc, ít tốn diện tích, đầu ra thuận lợi và giá cả luôn ổn định ở mức cao… Lươn nuôi khoảng 6 tháng có thể thu hoạch. Với 19 bể nuôi, mỗi năm anh thu hoạch 2 vụ, sản lượng đạt gần 15 tấn, giá bán từ 105.000 - 115.000 đồng/kg. Nhờ đó, anh thu lãi hơn 500 triệu đồng. Thương lái từ TP.HCM, Cần Thơ, Hậu Giang… đến mua nhiều nhất.
Mô hình Nuôi lươn không bùn của hộ dân Hà Văn Lưu, xã Gia Viễn cho thu nhập cao |
Trên địa bàn huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng), mô hình nuôi lươn không bùn đã được một số hộ dân thực hiện và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Chỉ với diện tích chừng 100 - 200 m2, người nuôi thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tham quan mô hình nuôi lươn không bùn của nông dân Hà Văn Lưu, thôn Tân Xuân, xã Gia Viễn. Thời điểm này, gia đình ông Lưu đang tất bật chuẩn bị thu hoạch lứa lươn mới với hơn 300 kg.
Ông Lưu cho biết, xã Gia Viễn nói riêng và huyện Cát Tiên có tiềm năng về nuôi trồng thủy sản với diện tích mặt nước, ao hồ trũng khá lớn; trong đó, loài lươn phát triển khá mạnh ngoài tự nhiên. Đây cũng là đặc sản được thị trường rất ưa chuộng vì giá trị dinh dưỡng cao và thịt thơm ngon.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn lươn tự nhiên bị giảm nhanh chóng. Do đó, sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu qua các phương tiện thông tin, truyền thông, từ năm 2019, gia đình ông Lưu đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, phát triển mô hình nuôi lươn không bùn trong các bể xi măng. Kể từ đó, mỗi năm, gia đình ông có thu nhập ổn định gần 200 triệu đồng từ nuôi lươn không bùn.
Tương tự, hộ gia đình ông Lê Văn Thành, thôn Hòa Thịnh, xã Gia Viễn cũng đang có nguồn thu nhập cao nhờ nuôi lươn không bùn. Trên diện tích rộng 100 m2, ông Thành đã xây dựng hơn 10 bể nuôi, mỗi bể có diện tích từ 4 - 6 m2, được xây bằng xi măng, thành tường dày 10 cm.
Tại mỗi bể nuôi, ông Thành đều bố trí 2 ống cấp và thoát nước nằm đối diện ở 2 góc của bể, ống cấp nước được thiết kế nhiều lỗ nhỏ dạng vòi sen nhằm cung cấp oxy cho bể nuôi trong quá trình thay nước. Mặt khác, phần đáy bể được ông Thành làm dốc về phía cống thoát để có thể dễ dàng đưa thức ăn thừa, chất bài tiết của lươn khi tháo cạn thay nước. Riêng phần cống thoát nước được ông thiết kế bằng ống nhựa PVC, khoan lỗ nhỏ hơn kích cỡ lươn hoặc bọc lưới để tránh lươn bị hút ra ngoài khi thay nước.
Ông Thành cho hay, việc nuôi lươn không khó, trong bể nuôi cần thả dây ni lông làm nơi trú ẩn, hoặc đặt các vĩ tre chồng lên nhau để làm chỗ cho lươn nằm và thả thức ăn cho lươn ăn. Đồng thời, phía trên phải phủ hệ thống lưới đen để che nắng và hạn chế ánh sáng chiếu trực tiếp vào bể nuôi.
Bên cạnh đó, vì lươn rất mẫn cảm với môi trường sống, nên đòi hỏi phải thay nước trong bể nuôi lươn mỗi ngày, sau khi lươn ăn 2 - 3 giờ để giữ cho bể nuôi lươn sạch. Trong khi đó, thức ăn cho lươn chủ yếu là cá tạp xay nhỏ trộn với 20% thức ăn viên có độ đạm trên 40%, định lượng 7 - 10% khối lượng lươn/ngày, cho ăn 1 lần/ngày vào lúc chiều tối.
“Trung bình sau 6 tháng thả nuôi, lươn đạt trọng lượng từ 250 - 300 gam/con là có thể xuất bán. Hiện nay, lươn thương phẩm được thương lái thu mua với giá 130.000 đồng/kg, giảm 1/3 so với thời điểm cách đây 2 năm. Tuy nhiên, với mức giá này, người nuôi vẫn đang lãi khá. Riêng năm 2022, gia đình thu hoạch hơn 2 tấn lươn thương phẩm, đạt lợi nhuận trên 100 triệu đồng”, ông Thành cho hay.