Nuôi lươn không bùn trong bể xi măng có lợi thế là mật độ dày và lươn phát triển nhanh. |
Ngay vụ nuôi lươn đầu tiên đã lãi 650 triệu đồng
Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng của ông Nguyễn Văn Rõ (xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, Thái Bình) đang đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Rõ cho biết mới đến với nghề nuôi này chưa lâu.
Đầu năm 2022, ông xây hơn 50 ô bể xi măng. Diện tích mỗi bể khoảng 6m2; có hệ thống ống nước, để thay nước hàng ngày. Bước đầu, nuôi thử nghiệm 21 bể. Thức ăn chủ yếu của lươn là cám, giun quế, cá cơm xay nhuyễn.
Theo ông Rõ , để lươn sinh trưởng, phát triển tốt, trước tiên khi làm bể nuôi phải đảm bảo yếu tố thoáng mát. Lươn khá mẫn cảm với môi trường nước trong bể, vì vậy hàng ngày phải thay nước sạch sau khi cho ăn. Bên cạnh đó, phải chú trọng phòng trị các bệnh thường gặp và khử khuẩn bể nuôi.
Ông Nguyễn Văn Rõ (xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, Thái Bình) thu lợi nhuận cao từ nuôi lươn không bùn. |
Khoảng từ 10 đến 12 tháng nuôi, mỗi con đạt trọng lượng từ 200 – 400 gam, thì có thể xuất bán. Với giá hiện nay 130 nghìn đồng/1kg, sau 1 năm, với 21 ô bể, nuôi khoảng hơn 40.000 con lươn, trừ chi phí ông Rõ thu lãi khoảng 650 triệu đồng.
Thời gian tới, ông Rõ dự định mở rộng quy mô, tăng số bể nuôi. Ngoài ra ông còn tiếp tục tìm hiểu, học hỏi, liên kết nuôi lươn sinh sản, tự chủ về con giống và bán cho các hộ có nhu cầu.
Nuôi lươn quyết định ở chất lượng giống và nguồn nước sạch
Là một người có nhiều kinh nghiệm trong nuôi lươn không bùn, anh Nguyễn Hữu Thọ (ở thôn Thanh Hương 1, xã Đồng Thanh, Vũ Thư, Thái Bình) hiện cũng đang thu lợi nhuận cao từ loài thủy sản đặc sản này.
Từ vài năm trước, qua tìm hiểu anh Thọ được biết về mô hình nuôi lươn không bùn cho hiệu quả cao và bỏ thời gian tìm hiểu. Sau đó anh Thọ quyết định đầu tư xây 5 bể xi măng, diện tích mỗi bể 6m2, lòng bể được lót gạch men trơn để lươn không bị xước da khi va chạm, bể có lắp đặt hệ thống bơm nước và thoát nước bảo đảm thuận tiện khâu vệ sinh, bên trên có lưới che nắng. Đặc biệt, anh xây 1 bể trữ nước lớn, chứa nước đã được lọc, chờ 2 - 3 ngày mới cấp cho bể nuôi lươn.
Lứa đầu tiên anh Thọ đầu tư 10 triệu đồng, thử nghiệm nuôi 2.000 con lươn, tương đương với 1kg lươn giống. Kết quả, sau 8 tháng anh thu được 3,5 tạ lươn thương phẩm, bán giá 150.000 đồng/kg, thu về hơn 50 triệu đồng. Nhận thấy nuôi lươn hiệu quả kinh tế cao, dễ tiêu thụ sản phẩm, bản thân nắm chắc kỹ thuật nuôi, hiện anh Thọ tự tin đầu tư nuôi lươn quy mô 10.000 - 20.000 con/lứa.
Những yếu tố quyết định nuôi lươn không bùn là chất lượng con giống và đảm bảo vệ sinh nguồn nước. |
Anh Thọ cho biết: Để nuôi lươn không bùn trong bể đạt hiệu quả, ngoài con giống chất lượng thì bảo đảm độ pH và giữ vệ sinh nguồn nước là quan trọng nhất. Mỗi ngày tôi thay nước trong bể nuôi từ 2 - 3 lần, tùy giai đoạn phát triển của lươn để làm sạch môi trường nước, phòng tránh bệnh và để lươn không ăn phải thức ăn cũ còn sót lại. Thức ăn của lươn là trùn quế và cá trình xay nhỏ.
Khi lươn được khoảng 3 tháng tuổi, phân loại theo kích cỡ, chia ra các bể khác nhau và tạo nơi trú ẩn cho lươn bằng cách làm các giá thể bằng dây nilon đen trong bể. Định kỳ 2 lần/tháng, sử dụng thuốc tím hoặc chế phẩm sinh học tạt đều khắp bể để phòng bệnh cho lươn. Lươn dễ bị bệnh nấm thủy mi, xuất huyết đường ruột, thối mang, vì vậy tôi luôn chú ý theo dõi để phòng, điều trị bệnh kịp thời cho lươn, tránh lây lan ra cả đàn.
Tâm huyết và sát sao chăm sóc đàn lươn, đến nay, chỉ cần nhìn cách lươn ngóc đầu khỏi mặt nước, cách di chuyển nhanh hay chậm, nằm phơi mình hình chữ C hay chữ S của lươn, tôi đã biết con lươn này khỏe hay yếu, đang mắc phải vấn đề gì, bệnh gì, từ đó khắc phục kịp thời.
So với phương thức nuôi truyền thống trong ao bùn thì nuôi lươn trong bể xi măng hiệu quả hơn nhờ nuôi với mật độ dày hơn, lươn phát triển nhanh hơn, dễ chăm sóc, dễ quan sát để phòng và trị bệnh cho lươn, không cần diện tích lớn vẫn có thể nuôi lươn. Mỗi lứa lươn khoảng 8 - 10 tháng, khi thu hoạch đạt 4 - 5 con/kg. Tùy quy mô sản xuất, mỗi năm anh Thọ xuất ra thị trường 1,5 - 2 tấn lươn.
Hiện nay, việc tiêu thụ lươn rất thuận lợi, giá bán sỉ tại bể đạt 150.000 - 160.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư người nuôi thu lãi 60.000 đồng/kg. Anh Thọ dự định năm nay tiếp tục xây dựng thêm 10 bể nuôi lươn tại gia đình.
Từ hiệu quả của nghề nuôi lươn không trong bể xi măng, nhiều nông dân ở Thái Bình đã tìm hiểu và áp dụng thành công. Dù có lợi nhuận cao nhưng nghề nuôi lươn ở Thái Bình vẫn mang tính tự phát. Do vậy, nhưng người nuôi lươn mong muốn cùng nhau tạo thành tổ hợp tác, hỗ trợ nhau giống, vốn, kỹ thuật và thuận lợi cho khâu tiêu thụ sản phẩm, giúp nhau nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập./.