![]() |
Mô hình nuôi lươn không bùn khá nổi tiếng trên đất Bình Thuận của ông Đặng Minh Hiệp. |
Nuôi lươn nơi chảo lửa
Mô hình nuôi lươn không bùn khá nổi tiếng trên đất Bình Thuận của ông Đặng Minh Hiệp (ở thôn Phú Khánh, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) với diện tích 1.000m2. Tại đây, ông Hiệp xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng, phía trên bể có mái che và cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp.
Theo lời giới thiệu của ông Hiệp, toàn bộ hệ thống chuồng nuôi được xây dựng bằng bê tông kiên cố, hơn 20 ô nuôi với kích thước từ 3-6 m2/ô được đầu tư khoảng 300 triệu đồng. Lươn được nuôi với mật độ khoảng 1.500- 2.000 con/ô, đủ các kích cỡ từ nhỏ đến lớn theo hình thức thu hoạch cuốn chiếu.
Ông Hiệp cũng cho biết, bản thân bén duyên với nghề nuôi lươn không bùn gần 2 năm nay. Đó là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát gây khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông dân. Vào tháng 6/2021, gia đình được Trung tâm Kỹ thuật và dịch vụ Nông nghiệp huyện Hàm Thuận Nam chọn làm mô hình trình diễn, hỗ trợ 50% chi phí mua con giống và 50% chi phí thức ăn, vật tư thiết yếu (hơn 8 triệu đồng), phần còn lại do người dân tham gia mô hình tự đầu tư. Về quy mô, mức đầu tư triển khai cho 20 m2 nuôi lươn và 100 m2 theo yêu cầu kỹ thuật, thời gian thực hiện từ tháng 6 đến cuối năm 2021.
![]() |
Sau 6 tháng nuôi lươn đạt tỷ lệ sống 80%, trọng lượng trung bình 200 gr/con. |
Ông Trương Hoàng Văn Khoa - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và dịch vụ Nông nghiệp huyện Hàm Thuận Nam đánh giá: lươn nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, trong 6 tháng nuôi lươn đạt tỷ lệ sống 80%, trọng lượng trung bình 200 gr/con.
Với quy mô mô hình triển khai 1.200 con lươn giống nuôi theo mô hình nuôi lươn không bùn chưa đến 20 triệu đồng. Sau 5 – 7 tháng nuôi, lươn có thể đạt quy cách khoảng 200 gr/con, tỷ lệ sống đạt 80% thì với giá bán 160.000 đồng/kg, người nuôi lãi hơn 13 triệu đồng. Ngoài ra, lượng thức ăn thừa và chất của lươn thải ra tiến hành nuôi cá trê trong ao, tưới cây cũng mang lại một nguồn lợi nhuận hơn 5 triệu đồng.
Còn theo chia sẻ của ông Hiệp, so với các đối tượng nuôi khác thì lươn dễ nuôi, lớn nhanh, ít dịch bệnh và thích nghi tốt với môi trường, nguồn nước. Mặt khác, so với các loài thủy sản nước ngọt khác thì lươn có giá trị thương phẩm mang lại cao hơn, thị trường tiêu thụ tốt hơn. Theo đó, hiện nay nhu cầu thị trường ở các chợ tại TP. Phan Thiết cần khoảng 80 kg/ngày, nhưng không đủ đáp ứng. Do đó, ông Hiệp đang hướng đến việc mở rộng quy mô, diện tích, sản xuất theo quy trình khép kín từ lươn giống đến lươn thịt. Đồng thời, có thể thu mua lươn của bà con tại địa phương.
Tạo bước đột phá từ nuôi lươn giống
Không chỉ thành công trong nuôi lươn thương phẩm, ông Đặng Minh Hiệp cũng là người tiên phong sản xuất lươn giống để đáp ứng nhu cầu của người nuôi lươn.
Trong quá trình nuôi lươn, ông Hiệp nhận thấy nỗi vất vả của người nuôi lươn khi phải mua giống tự nhiên, tỷ lệ sống lươn nuôi không cao và phải phụ thuộc vào mùa vụ; cũng như con giống từ các tỉnh khác nên ông đã có ý nghĩ sản xuất giống lươn để thay thế lươn giống tự nhiên và chủ động tại chỗ.
Cơ hội đã tới với ông khi vào năm 2022, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp đã triển khai đề tài khoa học công nghệ: Mô hình sản xuất giống lươn đồng Monopterus albus (Ziuew, 1793) tại huyện Hàm Thuận Nam. Được sự hướng dẫn của cán bộ trung tâm cộng với sự đam mê và lòng quyết tâm, ông Hiệp đã mạnh dạn đứng ra thực hiện đề tài.
Sau 5 tháng thực hiện, với quy mô 500 m2 thả 400 kg lươn bố mẹ, mô hình sản xuất giống đã xuất bán được 50.000 con lươn giống, trừ các chi phí ban đầu lợi nhuận đạt trên dưới 116 triệu đồng và còn đàn lươn bố mẹ cộng với các thiết bị phục vụ cho công việc sản xuất lươn giống. Đến nay, mô hình sản xuất lươn giống của ông Đặng Minh Hiệp đã phát triển 20 bể với diện tích 600 m2 cùng năng lực sản xuất hơn 100.000 lươn giống/năm, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh trong thời gian tới.
![]() |
Ông Hiệp đã sản xuất thành công lươn giống nên chủ động được nguồn giống chất lượng. |
Theo kinh nghiệm của ông Hiệp, để lươn đẻ trứng có tỷ lệ nở cao và cho ra lươn giống khỏe, phải chọn những con lươn khỏe mạnh, có màu vàng, không dị tật, kích cỡ khoảng 1,5 lạng. Lươn đẻ trong ổ mà kiểm tra thấy trứng màu vàng sậm là đủ tuổi, sẽ đưa lên bể ấp.
Quy trình ấp trứng lươn cũng đơn giản, chỉ cần những cái chậu và sử dụng máy sục khí oxy để kích thích trứng lươn nở dễ dàng hơn. Thời gian ấp trứng lươn khoảng 4 - 5 ngày sẽ cho ra lứa lươn con. Sau đó, lươn con được đưa xuống bể nuôi dưỡng khoảng 2 - 3 tháng để đạt kích cỡ lươn giống rồi tiến hành nuôi lươn thịt.
Mô hình sản xuất giống lươn đồng đã được nhiều địa phương lân cận tham quan học tập và đặt con giống nuôi trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đề tài còn xây dựng mối liên kết giữa cơ sở sản xuất giống đến hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật nuôi thương phẩm và bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cao và ổn định cho nông dân.
Mặc dù số lượng lươn giống cung cấp chưa đủ so với nhu cầu lươn giống hiện nay, nhưng mô hình thành công bước đầu đã chứng tỏ nông dân biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện theo hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Hiệp và những người chủ trì đề án kỳ vọng trong thời gian tới mô hình sản xuất giống lươn sẽ tiếp tục được nhân rộng trong nhân dân để đáp ứng đủ số lượng lươn giống chất lượng cho người nuôi lươn thương phẩm, cũng như góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt. Mô hình này rất phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Từ sự năng động và sáng tạo, ông Đặng Minh Hiệp đã từng bước khẳng định sự thành công với mô hình nuôi lươn không bùn. Ở vùng đất khô hạn nhưng nếu biết áp dụng kỹ thuật nuôi lươn vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao so với các vật nuôi khác. Từ mô hình của ông Hiệp, người dân tới học hỏi và áp dụng, ông cũng hỗ trợ họ về kỹ thuật, cung cấp con giống và thu mua lươn thương phẩm. Mô hình nuôi lươn của ông Hiệp khá mới mẻ nhưng được chính quyền địa phương đánh giá cao và coi đây là mô hình kinh tế hiệu quả ở địa phương./.